Afleveringen
-
CHÚ Ý KHI TẬP “AI ĐANG LÀM?”
Con muốn ra được đại quyết định “Ai đang làm” thì cách duy nhất là phá, không phải là xây. Con muốn ra được đại quyết định “Ai đang làm" thì cách duy nhất là phá cái tôi, phá đến khi nào thấy chắc chắn là không thể nào là tôi làm được, chứ không phải là mình xây suy nghĩ “Biết đang làm”. Xây suy nghĩ “Biết đang làm” để hy vọng đè được suy nghĩ “tôi đang làm” thì không đè nổi đâu, đè thế nào được khi suy nghĩ “tôi đang làm” xuất hiện từng giây, từng phút một. Khi con ngồi không thế này, một cách vô thức suy nghĩ vẫn bảo “Tôi đang làm” thì làm sao mà đè được suy nghĩ “Biết đang làm”?
Cách duy nhất là mình phát triển loại trí tuệ thấy rõ là không hề có tôi nào thì mới ra đại quyết định đấy được. Nên không thể hy vọng là cứ nhắc “Biết đang làm” thì sẽ ra được đại quyết định. Không! Đấy không phải con đường để ra được đại quyết định “Ai đang làm”. Con đường để ra được đại quyết định “Ai đang làm” đến từ việc mình phá được ảo giác rằng tôi là cái thân thể này đang làm, thấy rõ được rằng trên đời không hề có một cái tôi nào hết. Khi mình nhận thức được như vậy thì mình mới dẫn đến đại quyết định đấy được.
Khi mình thấy không có tôi rồi thì mình thấy ngay là Biết đang biểu diễn mọi thứ một cách tự nhiên. Chứ mình không thể dùng suy nghĩ “Biết đang làm” để đè vào suy nghĩ “Tôi đang làm” được. Khi hỏi “Ai đang làm” mà mình nghĩ trong đầu là “Ồ, Biết đang làm chứ ai” thì sẽ không tiến bộ chút nào thậm chí sau này sẽ còn thụt lùi. Con nhớ là khi hỏi “Ai đang làm” không phải là để đè suy nghĩ “Biết đang làm” vào mà hỏi “Ai đang làm” để nhớ ra rằng sự thật không hề có tôi nào hết! Vậy mọi hành động này ở đây, không thể nào do một người đang làm được. Không thể do một người, không thể do những người khác đang làm được, khi đó thì chỉ còn cái Biết và mọi thứ đang biểu diễn bên trong thôi - thì đấy mới là đại quyết định là “Ai đang làm”.
“Bắn thẳng ra từ Biết
Không từ một cái tôi”
Trong câu này thì vế quan trọng nhất là “không từ một cái tôi” - đấy mới là gốc. Hỏi “Ai đang làm” không phải để trả lời “Biết đang làm” xong rồi thôi, đấy là hoàn toàn sai. Hỏi “Ai đang làm” để tiêu diệt người hành động chứ không phải khẳng định có cái Biết đang làm rồi đè suy nghĩ “Biết đang làm” thay vào. Khi có đại quyết định rồi thì hỏi “Ai đang làm” bản chất là để nhớ ra thôi. Mục tiêu của khi hỏi “Ai đang làm” là để nhớ ra, khi con đã có đại quyết định rồi thì con dùng cái đấy để nhớ ra.
- Trong Suốt -
Trích buổi giảng "2023.07.28 Tôi là ai chỉ là một cấu trúc suy nghĩ (Sau xem phim Thanh tra sát nhân, HN)"
Giọng. đọc: MInh Phương -
RỜI NGỌN TRỞ VỀ GỐC - CÁCH TRỊ BỆNH XƯA NAY
Nếu con không bao giờ nhận ra mình là ai thì con cứ là người này, người này thì khổ không thoát được, khổ của sinh-lão-bệnh-tử và tất cả các loại khổ sở có thể đổ lên thân tâm này bất kỳ lúc nào. Muốn chữa bệnh khổ của chính mình thì chỉ có cách rời ngọn trở về gốc. Thiền chính là rời ngọn, ngọn là người này, gốc là cái Biết - là cái toả chiếu ra thân tâm này. Nên thực hành chính của các con là rời ngọn trở về gốc.
Nhân vật tuy đau đớnMàn hình vẫn chẳng sao
Có một thứ bất hoại
Ngay giữa mọi khổ đau
Cảnh chiếu thường hay bệnhNguồn chiếu bệnh chẳng hay
Rời ngọn trở về gốc
Cách chữa bệnh xưa nay
Thiền chính là cách chữa bệnh xưa nay. Nhận ra là mình không phải là người này, người này chỉ là cái ngọn thôi, thân tâm này chỉ là cái ngọn thôi thì quay về gốc là cái Biết. Nên con cần có vài câu hỏi để rời ngọn trở về gốc. Khi mình buồn, mình khổ thì có thể hỏi: “Khổ này xảy ra với ai?” hoặc “Cái khổ này đến từ đâu?”. Khi mình đang lo thì hỏi: “Cái lo này xảy ra với ai? hoặc “Nguồn gốc cơn lo này đến từ đâu?”, “Cái gì chiếu ra cái lo này?” hoặc “Cái gì đang Biết?, là những câu hỏi mang tính rời ngọn trở về gốc - cách chữa bệnh xưa nay.
Con đau khổ vì nghĩ chuyện gì đó thì con cần tìm nguồn gốc của đau khổ, nguồn chiếu cái khổ đấy ra - là cái Biết này - đấy là rời ngọn trở về gốc.
Con tức một ai đó - đấy là ngọn, còn nguồn của cái tức đấy là cái Biết. Đó chính là rời ngọn trở về gốc, cách chữa bệnh xưa nay.
Nên các con tăng thiền lên, nếu con không muốn chết một cách hối tiếc, hối tiếc đã đến bữa tiệc của nhà vua rất ngon lành nhưng chẳng mang được gì về hết. Còn khi con ăn một cái gì đó, chính là tận hưởng bữa tiệc. Thiền chính là cách con tận hưởng bữa tiệc.
Trong Suốt
Con đã được giới thiệu vào Biết là gì - là tình yêu vô điều kiện, là cái chiến thắng mọi khổ đau… rồi mà con lại không hòa nhập được vào Biết thì đúng là đến bữa tiệc của nhả vua mà không ăn được gì. Ngược lại nếu con thiền, dần dần con sẽ hòa nhập được vào cái Biết, vì thế con phải tranh thủ trong cuộc sống. Các khoảng thiền ngắn khoảng ba phút rất nhiều, con nên tìm cách thực hành trong khoảng trống như thế.Trích buổi giảng “Cái gì có thể làm lý trí hòa hợp với cảm xúc” (Sau xem phim Xứ sở các nguyên tố, HN 30.06.2023)
Giọng đọc: MInh Phương. -
Zijn er afleveringen die ontbreken?
-
Tự tin vào tự giải phóng
Một bạn hỏi Thầy Trong Suốt: Con của con đang yên đang lành tự nhiên bỏ nhà đi. Làm thế nào để đối diện được với chuyện đấy?
Thầy Trong Suốt trả lời: Con hãy cảm nhận cái Biết luôn luôn ở đây. Con thấy rõ các ấn tượng giác quan và đặc biệt là các suy nghĩ hiện ra trong Biết rồi tan vào Biết. Tại sao con lại kinh nghiệm được cái Biết? Vì nó vốn như thế sẵn rồi, trong kinh nghiệm của con, con thấy rõ một không gian của Biết nơi mọi thứ hiện ra rồi tan biến.
Khi nghe câu chuyện con bỏ nhà đi, con thấy một đống các suy nghĩ và cảm xúc buồn bã lo lắng hiện ra. Cái suy nghĩ sẽ nói: “Thôi chết rồi. Kinh khủng quá. Ghê gớm quá. Khủng khiếp quá. Ôi tương lai biết thế nào? Biết tìm con ở đâu”. Hại hay không không phải là do cái đống suy nghĩ đấy hiện ra mà do con có tin vào đống suy nghĩ đấy không. Nếu con thấy chuyện đó có thật thì con sẽ chạy theo suy nghĩ đấy và con sẽ có một thực tại lo lắng buồn bã thất vọng…
Nhưng nếu con thấy chính cái đống suy nghĩ đấy hiện ra rồi tan biến vào trong Biết, để lại một cái Biết chẳng sao hết thì những cái lo lắng sợ hãi đấy vẫn hiện ra nhưng nó không thể làm gì được con nữa. Nó hiện ra giống như một cơn bão ở trong bầu trời mà thôi. Xong rồi cơn bão sẽ biến mất. Một lúc sau một cơn bão mới hiện ra nhưng bầu trời không suy suyển gì hết. Con bắt đầu thấy rằng nó vô hại.
Khi con cảm nhận Biết luôn ở đây bằng kinh nghiệm thì con sẽ có một sự tĩnh lặng bình an rất lớn vì con thấy rõ rằng những cái bi kịch hay biến cố nó chỉ là đống suy nghĩ bùng lên rồi tan mất trong Biết. Thậm chí cũng không cần nó phải tan vì khi con kinh nghiệm đủ số lần, con hiểu rằng bão chẳng có nghĩa gì vì bầu trời chẳng bị sao hết. Con thấy rằng chẳng có vấn đề gì đâu và sẵn sàng cho suy nghĩ cảm xúc lo lắng sợ hãi xảy ra vì bản chất của nó là vô hại.
Để chuẩn bị và đối diện được, con cần qua hai giai đoạn. Một là con cần thấy không gian của Biết luôn ở đây và nó không thể bị ảnh hưởng bởi bất kỳ cái gì trên đời cả. Hai là tự giải phóng, con thấy tất cả mọi thứ nó tự giải phóng ở trong cái không gian đấy. Tự giải phóng nghĩa là gì? Là nó biến mất không để lại dấu vết gì, hoặc là nó ở đấy nhưng hoàn toàn vô hại. Con kinh nghiệm được cái tự giải phóng này thì dù chuyện có xảy ra như thế nào đi chăng nữa thì nó cũng chỉ là nội dung của Biết thôi, nó không thực sự có thật và gây hại cho cuộc đời của con được.
- Trích bài “2023.06.03 Giới thiệu vào Biết tháng 6.2023 (HN)”
Giọng đọc: MInh Phương -
THỰC RA LÀ GÌ?
Một cách thực hành trong cuộc sống là con có thể hỏi câu hỏi: “Thực ra là gì?”. Câu đấy rất có sức mạnh vì “cái có vẻ là” đang lừa con, nhưng câu hỏi “thực ra là gì” sẽ tước đi sức mạnh của cái “có vẻ là”.
Ví dụ như hôm nay, con xem phim mà hồi hộp, căng thẳng thì nhớ hỏi “Thực ra là gì?”. Khi thấy chỉ là phim thôi thì có phải tước đi sức mạnh của bộ phim không? Bộ phim vẫn hiện ra nhưng không còn sức mạnh. Cuộc sống này cũng thế thôi, khi hỏi: “Thực ra là gì?” mà con nhớ ra “thực ra là gì”, nhớ và cảm giác được tất cả chỉ là Biết và trong đấy tỏa chiếu ra các ấn tượng giác quan và suy nghĩ thì nó tước đi sức mạnh của cái “có vẻ là”.
“Cái thực ra là” thì đơn giản và không có vấn đề gì hết nhưng trong thế giới của suy nghĩ thì có rất nhiều chuyện kinh khủng. Khi mình thấy rõ tính “thực ra là gì” thì cái “có vẻ là” mất đi các tự tính: tính kinh khủng, tính nguy hiểm… tính gì đấy mất hết, chỉ còn mỗi “thực ra là” thôi.
Con hỏi “Cái gì đang Biết?” cũng rất tốt, nhắc mình về không gian của Biết. Tiến lên một bước nữa con hỏi “Thực ra là gì?” thì bao gồm cả cái Biết đang ở đấy, đồng thời bao gồm cả sự biểu diễn vô hại này, đúng không? Biểu diễn rất vô hại trong khi suy nghĩ thì nghĩ rất nhiều chuyện tệ hại.
Nếu ai bị trầm cảm thì môn này rất hợp. Trầm cảm vì sống trong suy nghĩ, sống trong cái “có vẻ là” quá mạnh. Khi nhớ “thực ra là” thì sẽ bật ra khỏi các loại cơn. Cái Thầy nói không chỉ dành cho người trầm cảm mà cho tất cả các cơn ấy, bất kỳ cơn gì: cơn trầm cảm, cơn lo lắng, cơn giận dữ… Chỉ cần nhớ “thực ra là gì” thôi là bật ra.
Nhưng vì con không biết “thực ra là gì” hoặc là quên mất “thực ra là gì”, con chìm vào những cơn như thế - gọi là dòng thác của suy nghĩ và bị nó dẫn đi rất xa.
Khi không biết “thực ra là gì”, con bị chìm vào cái “có vẻ là gì” thì rất khổ. Nên sau khi đã làm quen với không gian của Biết rồi, con hỏi “Thực ra là gì?”, con thấy là đúng rồi, chỉ trong Biết và các ấn tượng giác quan và suy nghĩ hiện ra. Chuyện mình bảo là đang có thật này, tôi và thế giới này, chỉ có trong nội dung của suy nghĩ thôi. Lúc đấy con hiểu bản chất của thế giới, con nhìn thẳng vào “cái thực ra là” thì sẽ tước đi toàn bộ sức mạnh của cái “có vẻ là”, tước đi toàn bộ tự tính của “cái có vẻ là.”
- Trong Suốt
Trích bài 2023.05.05 Thực hành trong cuộc sống bằng câu hỏi Thực ra là gì (Sau xem phim Lật mặt 6, HN)
Giọng đọc: Minh Phương -
ĐỪNG LO LẮNG, TẤT CẢ CHỈ LÀ SỰ HOÀN HẢO ĐANG DẦN HÉ LỘ
Những cảnh kinh khủng nhất thực ra là chỉ sự hoàn hảo đang dần hé lộ. Nhiều khi hoàn hảo hé lộ với con không phải theo cách thông thường hiện ra cảnh đẹp đẽ đâu mà có thể là những điều rất kinh khủng xảy đến với đời con, đấy là cách mà sự hoàn hảo hé lộ. Các con có đủ kinh nghiệm sống sẽ thấy điều đấy.
Lão Tử có câu nói: “Những khởi đầu tốt đẹp thường được ngụy trang dưới một kết cục bi thảm”. Nhiều khi sự hoàn hảo đến với đời con có khởi đầu trông rất tệ, đấy là điểm sự hoàn hảo đang bắt đầu hé lộ. Con cứ sống đi, con sẽ thấy là sự hoàn hảo hé lộ theo kiểu đấy, nó không hé lộ kiểu bình thường mà nó cho con một khởi đầu trông rất kinh khủng nhưng cuối cùng về sau con nhận ra là sự hoàn hảo hé lộ ra. Ví dụ như thỉnh thoảng con đọc trong sách có những người trầm cảm cực độ rồi giác ngộ đấy!
Đời con kiểu gì cũng có lúc đấy, khi nghĩ lại con thấy hóa ra chẳng bi thảm gì hết, nó là một khởi đầu may mắn tốt đẹp nhưng lúc ở trong đấy thì rất kinh khủng.
Còn ở góc độ của Biết thì không thể không hoàn hảo được. Biết biểu diễn mà, chất liệu của nó là Biết. Giống mặt gương thì không thể không hoàn hảo được. Nên cuộc đời con chuyện gì cũng hoàn hảo hết, chuyện gì cũng là hoàn hảo đang dần hé lộ. Không phải là chuyện có happy ending thì mới là hoàn hảo mà bất kỳ chuyện gì cũng hoàn hảo bởi vì bản chất của nó là Biết, Biết biểu diễn thì vô cùng sáng tạo, lấp lánh. Hiểu điều đấy con sẽ thấy đúng là hoàn hảo đang dần hé lộ thật. Nghĩa là câu này đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Nên đây là một câu con nên thuộc lòng: “Đừng lo lắng, tất cả chỉ là sự hoàn hảo đang dần hé lộ.” Khi gặp chuyện gì đó con nhắc câu này ngay. Nhắc thành thói quen rồi thì khi những chuyện kinh khủng đến con sẽ nhận ra ngay từ lúc nó mới đến. Khi con nhớ được điều này, dù con không biết nó là cái gì nhưng chắc chắn đấy là sự hoàn hảo đang hé lộ, đấy là tiến trình hé lộ dần của sự hoàn hảo.
-Trong Suốt -
Trích buổi giảng 2023.06.30 Cái gì có thể làm lý trí hòa hợp với cảm xúc (Sau xem phim Xứ sở các nguyên tố, HN)
Giọng đọc: Minh Phương -
TÌM HẠNH PHÚC NHƯ THẾ NÀO?
Một bạn hỏi:
Thưa Thầy con nhận thấy trong một thời gian rất dài là con buồn, buồn lâu ơi là lâu và rất mong được hạnh phúc vui vẻ trở lại. Cũng có nhiều lúc con tự bảo mình là “Ừ, buồn thì cứ buồn, chẳng sao cả.”. Nhưng điều lạ là con thấy thế giới này đủ đẹp rồi mà tại sao mình lại không cảm thấy hạnh phúc? Con không biết tìm hạnh phúc như thế nào.
Thầy Trong Suốt:
Chính việc ham muốn hạnh phúc làm con mất hạnh phúc, chính việc tìm kiếm hạnh phúc làm con xa rời hạnh phúc. Tại vì sao? Vì con đang tìm một nội dung của Biết.
Hạnh phúc có điều kiện là gì? Là những suy nghĩ tốt đẹp thì hạnh phúc, những suy nghĩ khổ sở thì bất hạnh. Mình hiểu là mình rất mong được hạnh phúc, vui vẻ nhưng đồng thời mình thấy dù có được thì nó cũng sẽ mất. Như con có thể cười vui vẻ từ giờ tới sáng mai nhưng một lúc sau lại buồn như cũ. Mình thích hạnh phúc đấy không sao nhưng muốn nắm chặt lấy nó chắc chắn là khổ. Mình không thể tìm hạnh phúc dài lâu trong nội dung của Biết được. Hãy để cái hạnh phúc đấy đến thì đến, đi thì đi, ở lại bao lâu cũng được, mà trở nên tồi tệ cũng được bởi vì nó không phải do mình quyết định, nó chỉ là nội dung của Biết thôi.
Hạnh phúc vô điều kiện là gì? Chính là cái Biết này. Tại sao Biết lại là hạnh phúc vô điều kiện? Tại vì không có gì ảnh hưởng được nó hết, từ đấy nó sẽ sinh ra các loại hạnh phúc khác nhau của đời người. Hãy cảm nhận nguồn hạnh phúc chân thật đó. Nếu con cảm nhận được cái Biết thì con bắt đầu hướng về nguồn hạnh phúc, mình không tìm cái ngọn mà mình tìm cái gốc. Ngọn của hạnh phúc chính là những cái con đang nói như cảm giác vui vẻ, thoải mái nhưng nguồn hạnh phúc chính là cái Biết này.
Vì sao hạnh phúc vô điều kiện xảy ra được? Vì khi con cảm nhận được cái Biết, con bắt đầu thấy có một sự bình an vô điều kiện, con cho phép mọi loại suy nghĩ đến rồi đi dù là tích cực hay tiêu cực. Lúc đó con không cần các loại suy nghĩ tích cực để hạnh phúc nữa. Con cho phép cả tích cực lẫn tiêu cực xảy ra và vẫn có sự an lạc vô điều kiện đấy. Khi khổ đau hay hạnh phúc, hãy cảm nhận không gian nơi khổ đau và hạnh phúc xảy ra để thấy rằng không gian đấy vẫn an lạc vô điều kiện. Đấy là cách để tìm đến hạnh phúc chân thật!
- Trích bài “2023.06.03 Giới thiệu vào Biết tháng 6.2023 (HN)”
Giọng đọc: Minh Phương -
BIẾT SUY NGHĨ LÀ CÓ KHOẢNG CÁCH VỚI SUY NGHĨ
Thầy Trong Suốt: Khi con biết suy nghĩ thì con sẽ có khoảng cách với suy nghĩ. Nếu con chìm vào suy nghĩ, làm sao con biết nổi suy nghĩ? Như vậy, biết suy nghĩ chính là cách để con có khoảng cách với suy nghĩ. Khi có khoảng cách thì con có quyền lựa chọn chạy theo suy nghĩ hoặc không. Còn đã không biết thì đương nhiên là con chạy theo suy nghĩ rồi. Con chẳng có lựa chọn gì, con cứ thế mà bị suy nghĩ cuốn đi!
Giống như trước mặt con là một chiếc thuyền đang trôi về thác, con mặc định nhảy lên. Nếu con nhảy lên là chết, nhưng nếu có người vỗ vai bảo con hãy nhìn kỹ xem thuyền này đi về đâu thì con mới có khoảng cách với thuyền để nhìn và thấy rằng mình còn may vì chưa bước chân lên.
Trầm cảm cũng vậy, khi trầm cảm con có rất nhiều cảm xúc. Cảm xúc giống như là những chiếc thuyền đang trôi. Biết cảm xúc có nghĩa là giữa con và cảm xúc có khoảng cách. Nếu con không biết thì theo thói quen con nhảy ngay lên thuyền, xong con lao xuống vực và chết. Còn nếu con biết nó chứng tỏ con đang có khoảng cách với nó, con có quyền chọn lên hay không lên thuyền.
Cả đời con cứ nhắm mắt đưa chân theo bản năng thôi thúc, con chẳng biết nên hay không nên mà vẫn cứ làm, đúng không? Nên là có khoảng cách với suy nghĩ là bước đầu tiên của sáng suốt. Khoảng cách chưa chắc dẫn đến sáng suốt nhưng chắc chắn không có khoảng cách thì không thể sáng suốt được. Biết là có khoảng cách, khi con nhìn thấy suy nghĩ lao vèo vèo, con có khoảng cách với nó thì con bắt đầu có lựa chọn chạy theo hay không, còn lựa chọn gì thì còn do trí tuệ quyết định.
- Trong Suốt -
(Trích buổi nói chuyện lớp Trầm cảm ngày 11.09.2019)
Giọng đọc: Xuân Hoà -
Hỏi: Làm thế nào để khi cuồng phong của sợ hãi nổ ra mà mình lại không làm theo nó ạ?
Thầy Trong Suốt: Mình phải thấy được một thứ là không gian chứa nỗi sợ đấy, nó không bị ảnh hưởng gì hết dù cơn sợ có phần phật chạy. Dù gió bão của sợ hãi quay vòng thì không gian nơi sợ hãi xảy ra ấy không sao cả. Nếu mình nương tựa vào đấy, mình giữ chặt lấy cái đấy thì mình sẽ vượt qua được cơn cuồng phong của sợ hãi.
Trầm cảm cũng thế thôi, trầm cảm cũng chỉ là cơn thôi. Không ai trầm cảm từ sáng đến đêm được! Nhưng khi nó đến, nó là một loại cơn rất kinh khủng. Mình thừa nhận nó xảy ra nhưng mình không làm theo nó. Sau nhiều lần như vậy mình mới thấy rằng thực ra nó vô hại. Ồ, hóa ra cơn sợ hãi hay cơn trầm cảm là hoàn toàn vô hại, nó chỉ là thứ hiện ra trong Biết rồi tan vào Biết, được Biết biểu diễn ra chứ không phải do mình biểu diễn ra.
Không phải mình biểu diễn ra, không phải mình làm ra cơn trầm cảm hay cơn sợ mà Biết tạo ra cơn sợ, và Biết cũng làm cơn sợ biến mất! Đấy là cách mà mình vượt ra khỏi nỗi sợ. Khi đấy, cơn sợ hãi càng ngày càng không còn sức mạnh nữa, mình không còn sợ cả nỗi sợ luôn.
Trích bài: 2023.05.26 Cho phép nỗi sợ xảy ra (Sau xem phim Fast & Furious X, HN)
Giọng đọc: Xuân Hoà -
TRONG BIỂN SUY NGHĨ, SÓNG CHỐNG LẠI MỚI GÂY ĐAU KHỔ
Con có một biển suy nghĩ nhưng không phải suy nghĩ nào cũng gây cho con khổ, mà suy nghĩ chống lại thì mới là suy nghĩ dẫn đến khổ. Đang ngồi thế này mà lại muốn phải về nhà, thế là mình đang chống lại rồi. Con không nhìn thấy suy nghĩ chống lại việc đang ngồi đây, khổ ngay vì có được về đâu, đúng chưa? Nên các con khổ, trong dòng suy nghĩ, biển suy nghĩ thì không phải sóng nào cũng gây khổ mà sóng phải chống lại cái gì đó thì gây khổ cho con.
Thế thì chánh kiến về nhân quả làm con thấy rằng không thể chống lại thực tại, thực tại cứ diễn ra theo kiểu của nó. Vì thế khổ biến mất khi con có loại chánh kiến này. Chánh kiến đấy dẫn đến một trạng thái gọi là vô ngã, trong trạng thái đấy, con không có vai trò gì cả, con không làm được gì hết, nhân quả làm tất, con biến mất khỏi câu chuyện một cách trọn vẹn. Con biến mất hoàn toàn khỏi bức tranh, bức tranh này không có con. Bức tranh này nhân quả làm hết từ chuyện này sang chuyện khác, con không có vai trò gì ở đây cả.
Nếu con đau thì cũng không phải do con, không có con chịu cái đau đấy mà nhân quả làm cái đau hiện ra. Nếu con buồn thì cũng không phải có con chịu cái buồn đấy, mà nhân quả làm cái buồn đấy hiện ra. Nếu một suy nghĩ hiện ra thì cũng không phải do con nghĩ ra mà là nhân quả làm suy nghĩ hiện ra.
Nên chánh kiến về nhân quả là đủ để các con đào sâu vào và thoát khỏi đau khổ. Vì dần dần nó dẫn đến trạng thái không chống lại thực tại nữa. Nhân quả quyết định tất, vì thế các con chỉ cần tập thật sâu sắc về nhân quả thôi.
Trong đống khổ của con thì chỉ có suy nghĩ chống lại thực tại mới gây khổ. Nhớ là khổ do chống lại thứ gì đấy, chứ không phải khổ là do việc đấy. Lạnh không gây khổ, lạnh chỉ gây lạnh thôi. Nhưng mà trời ơi, lạnh quá chịu không nổi rồi, mình phải chống lại nó thì gây khổ.
(Trong Suốt)
- Trích buổi nói chuyện: [Buổi 7] 2020.12.21 Vòng xoáy trầm cảm và cách tập biết (HN)
Giọng đọc: MInh Phương -
CÓ BIẾT RÕ NÓ HAY KHÔNG?
Khi phiền não xảy ra thì các con hay có thói quen sử dụng phương pháp nào đó để diệt trừ phiền não. Tuy nhiên, cách này có nhược điểm ở chỗ là củng cố hai niềm tin rằng bản thân phiền não là có thật, và có cái tôi đang bị ảnh hưởng. Vì thế, mong muốn tập các phương pháp khi có cảm xúc tiêu cực không hẳn giúp con phát sinh trí tuệ mà ẩn dưới đó là khao khát cái tôi được sướng vì cái tôi đang quá khổ sở bởi phiền não. Ngoài ra, con có thể mắc bẫy cái tôi tâm linh khi cho rằng con có rất nhiều phương pháp để tiêu diệt phiền não và đạt được kết quả là tâm an lạc do thực hành giỏi.
Vì vậy, Thầy sẽ dạy con một bước đệm trước khi con tập các phương pháp khác – đó là cho phép phiền não xảy ra trong không gian của Biết – tức là khi cơn giận xảy ra thì con không tiêu diệt nó ngay mà con cho phép nó xảy ra và con nhận diện cơn giận một cách rõ ràng. Khi nhìn rõ cơn giận thì con sẽ có khoảng cách với nó thay vì bị cuốn vào trong nó, và một cách tự nhiên con sẽ bình tĩnh sáng suốt trở lại. Khi đó, con có thể tập tiếp phương pháp nào cũng được để hiểu về sự thật chứ không phải để tiêu diệt thực tại hay tiêu diệt cái tôi tâm linh.
Bản thân việc nhận diện cơn giận một cách rõ ràng và thấy chúng tự sinh diệt trong không gian của Biết cũng là một loại trí tuệ rồi. Pháp này gọi là pháp bổ trợ hoặc bước đệm trước khi kết hợp với các phương pháp thực hành khác. Khi tập đủ lâu thì con sẽ thoát khỏi trầm cảm, hưng cảm, và các loại bệnh tâm thần khác ở trên đời vì con có sự bình an và sáng suốt.
- Trong Suốt -
Trích buổi nói chuyện “Có biết rõ nó hay không?” ngày 30/1/2020
Giọng đọc: Minh Phương. -
BIẾT SUY NGHĨ LÀ CÓ KHOẢNG CÁCH VỚI SUY NGHĨ
Thầy Trong Suốt: Khi con biết suy nghĩ thì con sẽ có khoảng cách với suy nghĩ. Nếu con chìm vào suy nghĩ, làm sao con biết nổi suy nghĩ? Như vậy, biết suy nghĩ chính là cách để con có khoảng cách với suy nghĩ. Khi có khoảng cách thì con có quyền lựa chọn chạy theo suy nghĩ hoặc không. Còn đã không biết thì đương nhiên là con chạy theo suy nghĩ rồi. Con chẳng có lựa chọn gì, con cứ thế mà bị suy nghĩ cuốn đi!
Giống như trước mặt con là một chiếc thuyền đang trôi về thác, con mặc định nhảy lên. Nếu con nhảy lên là chết, nhưng nếu có người vỗ vai bảo con hãy nhìn kỹ xem thuyền này đi về đâu thì con mới có khoảng cách với thuyền để nhìn và thấy rằng mình còn may vì chưa bước chân lên.
Trầm cảm cũng vậy, khi trầm cảm con có rất nhiều cảm xúc. Cảm xúc giống như là những chiếc thuyền đang trôi. Biết cảm xúc có nghĩa là giữa con và cảm xúc có khoảng cách. Nếu con không biết thì theo thói quen con nhảy ngay lên thuyền, xong con lao xuống vực và chết. Còn nếu con biết nó chứng tỏ con đang có khoảng cách với nó, con có quyền chọn lên hay không lên thuyền.
Cả đời con cứ nhắm mắt đưa chân theo bản năng thôi thúc, con chẳng biết nên hay không nên mà vẫn cứ làm, đúng không? Nên là có khoảng cách với suy nghĩ là bước đầu tiên của sáng suốt. Khoảng cách chưa chắc dẫn đến sáng suốt nhưng chắc chắn không có khoảng cách thì không thể sáng suốt được. Biết là có khoảng cách, khi con nhìn thấy suy nghĩ lao vèo vèo, con có khoảng cách với nó thì con bắt đầu có lựa chọn chạy theo hay không, còn lựa chọn gì thì còn do trí tuệ quyết định.
- Trích buổi nói chuyện lớp Trầm cảm ngày 11.09.2019
Giọng đọc: Xuân Hoà -
LÀM QUEN VỚI KHÔNG GIAN CỦA BIẾT
Biết, tự nó có cái hay ở chỗ là không đòi hỏi phải sửa gì cả, chỉ cần con Biết thôi. Đấy gọi là tu dưỡng, tu dưỡng một điều vô cùng đúng - đó là khả năng Biết. Nếu con làm quen, làm nhiều lần, làm nhiều năm, dần dần bắt đầu có một sự kỳ diệu xảy ra là con không cần phải sửa nữa, mà vẫn ổn.
Biết cái bất ổn - bản thân nó chính là ổn. Dần dần khi con làm như vậy, bên trong con bắt đầu nuôi dưỡng cái gọi là không gian của Biết. Bên trong đấy dù mọi thứ bão giông xảy ra thì không gian vẫn không sao cả. Con nuôi dưỡng đủ lâu thì không gian này bắt đầu to lên, vững vàng lên, nó bắt đầu không suy chuyển dù buồn, dù khó chịu, dù bực bội… xảy đến.
Con nuôi dưỡng không gian của Biết đủ lâu thì nó bắt đầu đứng vững trước các cơn buồn, cơn khó chịu, bực bội… mà con không cần phải làm cái gì cái buồn, khó chịu, bực bội… đấy cả. Giống như mặt gương, khi một cơn bão hiện ra thì mặt gương không bị sao cả. Nếu con tự trách chính mình con chỉ cần biết đang tự trách chính mình thôi. Cái Biết đấy không hề bị suy chuyển tý nào, dù con tự trách chính mình. Con trách chính mình gấp 100 lần đi nữa thì Biết vẫn thế. Đấy là cái các con cần nuôi dưỡng!
Con nuôi dưỡng 2-3 năm, con bắt đầu cảm thấy có một không gian bên trong, mà nó hứng chịu được mọi cơn bão. Con có lên cơn trầm cảm, lên cơn muốn tự tử… tất cả các loại cơn thì đổ vào không gian Biết đấy cũng chẳng sao cả. Vì nó biết. Biết là xong mà không cần đòi hỏi phải hết cơn đấy thì mới hết, mà biết cơn đấy là xong. Giống như không gian bao la này, con nổ trăm quả bom thì không gian không bi suy chuyển, đất đá xới tung hết lên, nhưng không gian không bị sao cả, nó vẫn giữ nguyên hình dáng, đúng không? Không gian mà, nó chẳng ảnh hưởng gì.
Đấy! Các con cần kiên trì nuôi dưỡng không gian Biết, Khi có chuyện thì Biết. Mình không cần biến mình thành cái phải là nữa, mình chấp nhận mình là cái mình đang là. Nhưng cái đang là đấy đi kèm với cái Biết. Cái đang là ngày xưa mà không gặp Thầy không có Biết ở đấy. Nó điên thì điên, khổ thì khổ, khóc lóc thì khóc lóc thôi nhưng bây giờ khổ thì biết khổ, điên thì biết là đang có cảm giác điên lên đây… Đấy là con đường tu dưỡng!
- Trích buổi nói chuyện “Tu dưỡng không gian Biết chứ không phải tu sửa” [Buổi 6] HN 2020.07.01
Giọng đọc: Xuân Hoà -
CÁC BƯỚC THOÁT KHỎI VÒNG XOÁY NĂNG LƯỢNG THẤP
Một bạn: Được Thầy hướng dẫn thì con hiểu rằng cảm xúc tiêu cực bắt nguồn từ kỳ vọng và kỳ vọng này trái với các sự thật về Nhân quả và Vô thường. Nhưng con bị rơi vào tình trạng: nếu con thực hành được thì cảm xúc tiêu cực của con giảm hẳn xuống và con cảm thấy rất hài lòng; Nhưng có những ngày con có quá nhiều cơn giận, quá nhiều vấn đề mà con thực hành mãi cũng không thấy tiến bộ gì thì con thấy vô cùng chán nản, con bắt đầu phán xét và thất vọng về bản thân mình, con lo lắng không biết mình có đạt được kết quả tốt hay không và con sợ rằng con đang thực hành sai!
Thầy Trong Suốt: Trạng thái con vừa kể là dấu hiệụ cho thấy con đã rơi vào “Vòng xoáy năng lượng thấp” và càng vùng vẫy thì con lại càng chìm sâu xuống. Khi con phán xét chính mình rằng tôi kém, tôi không thực hành được, phương pháp vô ích đối với tôi thì con có làm gì hay tập gì con cũng không hài lòng với bản thân mình. Cho dù bất kỳ dấu hiệu tích cực nào có hiện ra thì con cũng không phát hiện ra nữa vì tâm trí con đã mặc định rằng con kém cỏi và mọi thứ tồi tệ rồi. Giống như người đang tập lặn dưới nước thì đầu đã chúc xuống bên dưới rồi nên dù hai chân càng cố đạp mạnh thì đầu lại càng chúi xuống sâu hơn nữa.
Thế nên bước quan trọng đầu tiên là con cần nhận ra mình đang ở trạng thái năng lượng thấp. Đây là mấu chốt! Vì nếu con không nhận ra được thì con bị nó khống chế hoàn toàn và nó ghi dấu ấn trong tâm thức của con rằng “Tôi rất kém”. Lần sau, nếu con rơi vào trạng thái đó thì mình lại khẳng định rằng “Tôi lại kém lần hai”. Và khi một chuỗi sự việc xảy ra như vậy thì con bắt đầu thực sự tuyệt vọng, và điều tệ hại nhất xảy ra là trạng thái sống mới của con luôn là phán xét chính mình.
Sau khi nhận ra rồi thì con nên dùng phương pháp nào phù hợp với mình như là học cách biết ơn những điều may mắn mình đang có, nhận ra rằng việc kiểm soát kết quả thực hành của mình là trái với các sự thật tương đối và tuyệt đối, hay tốt hơn nữa là thực hành nhận biết các suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực để nhận ra mình đang nằm ngoài suy nghĩ chứ mình không bị các suy nghĩ cuốn đi. Tuy nhiên, sẽ có trường hợp nếu chỉ dựa vào khả năng của riêng con thì con sẽ khó thoát khỏi vòng xoáy năng lượng thấp. Vì thế, phương pháp cuối cùng các con có thể thực hành là cầu nguyện đến bậc Thầy hoặc chư Phật để giúp con hướng năng lượng đi lên. Cầu nguyện đúng cách là con có lòng tin rằng bậc Thầy hoặc chư Phật có cách giúp mình và mình tin rằng mình sẽ vượt qua trạng thái năng lượng thấp. Song song với cầu nguyện thì con hiểu rằng mình không thể kiểm soát kết quả của việc cầu nguyện vì nó do Nhân quả chứ không phải theo mong muốn của mình.
Và bước thứ ba cũng quan trọng không kém là con gieo các nhân lành như là sự thực hành, cầu nguyện, làm những việc tốt cho bản thân và những người khác, thay vì lo lắng ngồi sợ không biết mình sẽ đi về đâu hay mình có thực hành tốt hay không.
Trích từ Bài: Làm thế nào thoát khỏi vòng xoáy năng lượng thấp – Hà Nội 06/2014
Giọng đọc: MInh Phương -
BIẾT CÁI MÌNH ĐANG LÀ – KHÔNG PHẢI SỬA CÁI MÌNH ĐANG LÀ
Thầy Trong Suốt: Biết cái mình đang là nghĩa là khi con bồn chồn thì con biết mình đang bồn chồn chứ không phải biết vì tại sao mình bồn chồn. Tại sao bồn chồn là phải nghĩ mất rồi, phải nghĩ rất nhiều mới ra còn biết thì không cần phải nghĩ. Đứa bé cũng biết được là nó đang cảm thấy nóng hay lạnh, còn tại sao nó nóng hay lạnh thì nó phải nghĩ. Còn biết thì chỉ cần biết các con đang như thế nào thôi.
"Bây giờ mình cảm thấy thế nào?", thì câu trả lời là: “đang rất bồn chồn, đang rất tức giận, đang rất khó chịu, đang rất muốn thoát ra khỏi cái này, đang muốn đập phá cái gì đó…” đúng không?
Con không cần phải sửa bồn chồn, không cần hiểu tại sao mình bồn chồn, con chỉ cần biết mình đang bồn chồn thế là đã thực hành được giáo pháp rồi. Còn Thầy không bảo con phải sửa bồn chồn, không bảo con phải biết tại sao bồn chồn, làm sao biết được đâu vì có cả tỷ lý do, cả lý do về thời tiết nữa nên làm sao biết được. Lý do nào con nghĩ ra thì cũng chỉ là lý do tương đối thôi, trong khi sự thật rõ ràng nhất là con đang bồn chồn. Biết rõ con đang bồn chồn là sự thật còn tại sao con bồn chồn thì không phải. Hôm nay con nghĩ ra lý do này, mai con nghĩ ra cái khác và không bao giờ nghĩ đủ, con chỉ nhớ được đời này sao nghĩ được đời trước đúng không? Có những cảm xúc tiêu cực của con là đến từ dòng tâm thức đời trước, giống như đang ngồi tự nhiên buồn, hay như con nhìn qua cánh cửa tự nhiên thấy sợ. Thay vì phải tập trung vào sửa cái gì, thì chỉ biết thôi, cả ngày con chỉ biết. Nếu con tập tốt thì con trở nên rất sáng suốt, con trầm cảm mà sáng suốt.
Thông thường người ta biết đủ thứ nhưng lại không sáng suốt, họ không biết mình đang như thế nào mà chỉ biết cái mình muốn là thế nào thôi. Người không tu hành thì lúc nào cũng chỉ muốn là cái gì, lúc nào cũng biết là mình muốn cái gì, nhưng không biết mình đang là cái gì. Đói thì biết là mình muốn ăn nhưng không biết là mình đang đói. Ví dụ bồn chồn biết là mình đang muốn sửa cái gì đấy, biết là mình muốn đi đâu đấy, nhưng lại không biết được là mình đang bồn chồn, thì cái này nhấn mạnh vào phần biết hơn chứ không phải là nhấn mạnh vào phần làm.
Khi con không biết cái mình đang là thì con sẽ quan tâm đến việc mình phải là cái gì. Đời là thế, không biết là cái gì cả thì chỉ đi làm cái linh tinh thôi, còn biết cái mình đang là rồi thì con không cần phải làm gì, mà cái gì đến thì làm cái ấy. Đấy gọi là biết, còn người bình thường thì chỉ biết là mình cần phải làm và phải ép mình phải làm cho bằng được, chứ không biết là mình đang là như thế nào.
“Biết” là cái sẽ chiến thắng trầm cảm. Dần dần con sẽ trở nên rất sáng suốt, mà chắc chắn là con luôn biết!
-Trích từ bài giảng cho Nhóm Trầm Cảm - Buổi 2 ngày 06/01/2019: “Biết cái mình đang là”
Giọng đọc: Thuỳ Anh -
CÁCH SỐNG TRAO TRỌN CUỘC ĐỜI CỦA CON CHO BIẾT
Một bạn: Con vừa được Thầy giảng dạy cách thực hành Thiền với các bước như: Nhận ra Biết luôn ở đây, không có ai đang biết, không có vật nào được biết để đi đến kết luận rằng: “Chỉ có Biết”. Tuy nhiên, con chưa biết cách áp dụng vào đời sống hằng ngày như thế nào. Xin Thầy chỉ dạy giúp con.
Thầy Trong Suốt: Để tăng trưởng sự tự tin rằng tất cả chỉ có Biết hay còn gọi “Biết đang biết chính mình” thì ở ngoài thời thiền, con nên dùng một phương tiện hữu hiệu là không gian để nhận ra không gian vật lý này chính là Biết, thân thể con cũng chính là Biết.
Tiếp theo, con nên xác quyết rằng không có cái tôi nào ở đây cả. Đây là bước quan trọng vì khi con đi vào cuộc sống và tham gia vào nhiều hoạt động thì con lại có niềm tin rằng có cái tôi làm việc gì đó. Khi có ảo tưởng về cái tôi thì Biết sẽ bị che mờ nên con phải nhận ra một sự thật rằng Biết làm mọi thứ chứ không phải có cái tôi nào làm gì cả.
Khi con xác quyết rằng con không làm gì cả, Biết làm hết, thì mọi hành động như vung chân vung tay, hắt hơi sổ mũi…. đều là giác ngộ. Con phải dũng cảm sống như thế. Nếu con có loại dũng cảm như vậy thì cách sống của con sẽ phù hợp với Pháp và khi đó con sẽ hiểu thế nào là hành động không trù tính. Nếu không thì con vẫn thực hành Pháp mà cách sống của con lại không phù hợp với Pháp. Khi có lòng tin rằng Biết làm tất cả và con không có vai trò hay quyết định gì thì con sẽ vẫn sống như một người bình thường nhưng lại có sự thả lỏng từ bên trong, con không lập kế hoạch gì trong cuộc sống mà vẫn sống có trách nhiệm đối với những người xung quanh.
Cách sống như trên là đúng nhất và tuyệt vời nhất. Nhưng để làm được như vậy thì Kiến của con phải sâu sắc để xác quyết rằng Biết luôn ở đây và Biết làm hết nên con giao phó toàn bộ cuộc đời con cho Biết. Bước quan trọng cuối cùng con cần nhận ra rằng con có giác ngộ hay không là do Biết quyết định chứ không phải do cố gắng của con.
- Trích Buổi Dẫn thiền hai bước làm quen với Biết tại Đà nẵng ngày 24.9.2022
Giọng đọc: Tuệ Vân -
BẢN CHẤT CỦA NỖI SỢ LÀ GÌ?
Chất liệu của nỗi sợ là Biết, một nỗi sợ hiện ra trong mặt gương của Biết thì chính là một với mặt gương và không hại được mặt gương của Biết. Nếu con hiểu được bản chất nỗi sợ, con thấy rằng bản chất nó là vô hại sẵn rồi. Các con cần nhận ra là bản chất của nỗi sợ là vô hại vì nó là Biết, nó không thể nào làm hại đời ai được.
Khi nỗi sợ xảy ra, thay vì chạy theo nó con hãy nhận ra cái không gian nơi nỗi sợ xảy ra. Khi nỗi sợ xảy ra, con cho phép nó xảy ra và nhận thấy Biết đang ở đấy thì một lúc sau nỗi sợ sẽ biến thành Biết hoặc tan luôn vào Biết. Dù nỗi sợ có thể tan mất luôn, hoặc vẫn ở đấy thì cũng chẳng sao hết. Khi nỗi sợ xảy ra con nhìn vào bản chất của nỗi sợ, chính là Biết đang ở đấy. Thế là đủ rồi, con không cần làm thêm cái gì cả.
Trích bài: 2023.05.26 Cho phép nỗi sợ xảy ra (Sau xem phim Fast & Furious X, HN)
Giọng đọc: Xuân Hoà. -
HOÀ BÌNH THỰC SỰ ĐẾN TỪ SỰ ĐẦU HÀNG CỦA CÁI TÔI TRƯỚC BIẾT
Một bạn: Để mình hòa bình được với các thứ trong cuộc sống thì con thấy Thiền để nhận ra mọi thứ chỉ có Biết cũng là một cách. Ví dụ: con đang tức giận với ai đó thì con nên thiền theo cách này để thấy họ là Biết, con là Biết và cơn giận cũng là Biết để hòa bình với cái đang là.
Thầy Trong Suốt: Chính việc thực hành thiền để đi tìm họ và cơn giận là Biết thì sai hoàn toàn chứ không phải mang lại hòa bình. Dù cách thực hành này có thể cũng gây ra cảm giác bình an tạm thời khi có cảm xúc tiêu cực nhưng ẩn dưới đó là động cơ muốn tiêu diệt cái khổ - đó chính là mầm mống chiến tranh chứ không phải hòa bình. Khi thấy họ gây khổ cho con, vì không thể dùng phương pháp ngoài đời để đánh họ hay xua đuổi cơn tức giận thì con lại tìm cách thực hành tâm linh để thấy họ là Biết để tiêu diệt họ và nỗi khổ họ gây ra cho con. Cách thực hành này chỉ tăng trưởng cái tôi tâm linh, lợi thì ít mà hại thì nhiều, và vì thế kết quả không bền vững. Vì nếu con thực hành tốt thì con tạm thời hết khổ, nhưng vài ngày sau con thực hành không tốt thì con lại thấy họ là thật và nỗi khổ lại quay về.
Hòa bình thực sự mà Thầy muốn truyền đạt cho các con đến từ sự bất lực của cái tôi trước Biết nên nó không tăng trưởng cái tôi tâm linh. Khi hiểu sâu sắc rằng mọi việc là biểu diễn của Biết nên con chỉ đơn giản thừa nhận rằng con không hề có vai trò hay quyết định gì với sự đến hay đi của nỗi khổ. Con thấy khổ không thể hết được, con tự nhắc mình câu thần chú: “Này bạn tức giận ơi, bạn đến lúc nào cũng được, đi lúc nào cũng được, ở lại bao lâu cũng được. Vì tôi nhận ra rằng, cả tôi, bạn và người gây ra nỗi khổ này là sự biểu diễn tự nhiên của Biết”. Khi cái tôi hoàn toàn mất đi sức mạnh trước Biết thì con vẫn sẽ bình an ngay cả khi con thực hành Pháp kém.
Còn cách Thiền để nhận ra tôi, mọi người và thế giới đều cùng một chất liệu là Biết thì đó là cách làm quen với Biết chứ không phải hòa bình.
Trích Buổi Dẫn thiền hai bước làm quen với Biết tại Đà nẵng ngày 24.9.2022
Giọng đọc: Minh Phương -
XÁC QUYẾT TRÊN MỘT THỨ THÌ NỖI BUỒN TỰ GIẢI PHÓNG
Một bạn: Khi được Thầy hướng dẫn cách thực hành Thiền, con đã xác quyết rằng mọi thứ chỉ là Biết, không hề có cái tôi nào và cũng không hề có thế giới xung quanh. Nhưng con thắc mắc liệu đã xác quyết nếu tất cả là Biết làm,...nỗi sợ, cách sống, định mệnh hay giác ngộ cũng là Biết làm thì chúng ta học Pháp Biết có lợi ích gì?Thầy Trong Suốt: Sóng là trò chơi của biển, tu hành là trò chơi của Biết. Mỗi người sinh ra đều có một sứ mệnh riêng, nếu con có sứ mệnh của tu hành giác ngộ thì vào một thời khắc cụ thể, con tham gia học lớp Biết này và con giác ngộ. Sự thật thì con là Phật đang chơi trò chơi “Tôi quên mất mình là ai!”. Vì trò chơi này vẫn tiếp diễn nên tôi gặp một vị Thầy nhắc cho tôi nhớ lại tôi thực sự là ai và thân tâm này chỉ đơn giản là trò chơi của Biết.
Về bản chất thì Biết làm, Biết chịu. Nhưng vì chưa chứng ngộ và vẫn còn ngã chấp nên dù thừa nhận Biết làm nhưng khi nỗi khổ xảy đến thì con vẫn tin con là người chịu đựng. Vì thế nên con cần thực hành theo trình độ của mình, ở trình độ thấp thì phải cẩn thận lúc làm, trình độ cao hơn thì con sẽ có sự thả lỏng bên trong, còn khi con đã tiến xa trên con đường thì con nhận ra toàn bộ hành động và mọi thứ trên thế giới này chỉ có Biết, Biết làm hết thì con tự do hoàn toàn và khi đó bất kỳ suy nghĩ, lời nói hay hành động nào của con cũng chỉ làm lợi ích cho những người xung quanh.
Trước đây, dù miệt mài tập Pháp nhưng khi nỗi buồn đến con vẫn tìm mọi cách tiêu diệt nỗi buồn đi. Giờ nhận ra nỗi buồn là một với Biết, cùng chất liệu với Biết, xuất hiện và tan biến vào trong Biết thì con thấy chỉ có cái đang là, không hề có cái tôi nào chịu sự dày vò mà nỗi buồn mang lại. Khi ấy, con không cần phải làm gì thì nỗi buồn cũng tự giải thoát.
- Trích Buổi Dẫn thiền hai bước làm quen với Biết tại Đà nẵng ngày 24.9.2022
Giọng đọc: Minh Phương -
BIẾT NHƯ KHÔNG GIAN ÔM TRỌN MỌI THỨ
Khi những trận trận cuồng phong của cảm xúc đến, con cho phép nó xảy ra, con chỉ cần làm một việc duy nhất là Biết. Cơn cuồng phong nào rồi cũng qua đi để lại một bầu trời trong trẻo. Khi trong trẻo, sáng suốt rồi thì thường quyết định của mình sẽ đúng chánh kiến hơn. Còn con ở trong cuồng phong rồi chống lại cuồng phong thì quay cuồng ngay, đúng không?Biết cuồng phong là cách để cuồng phong không làm hại được con. Nó rất cuồng loạn nhưng nó đến rồi sẽ đi. Khi bắt đầu trong trẻo mình bắt đầu đem chánh kiến vào soi xem cái gì trong cái đống cuồng phong này.
Lúc đó, bên trong con bắt đầu có một khoảng không gian, con có một khoảng trống để bình tĩnh xem. Còn nếu con tập ít thì thói quen con sống vẫn chạy theo tiêu cực thì sẽ mong manh lắm. Con tập nhiều lên, cái này đơn vị phải đo bằng năm. Khi tập phải đến đơn vị năm, bên trong con mới có khoảng trống, con cho phép cuồng phong xảy ra rồi tan ngay bên trong con, lúc đầu con chạy theo cuồng phong, đánh nhau với cuồng phong nhưng dần dần Biết chính là khoảng cách. Biết giống như không gian, ôm trọn lấy mọi thứ và nó chẳng đánh nhau với cái gì. Không gian này có từ chối cái gì không, bảo không được có bão, chỉ có ánh nắng được không, hay nó ôm trọn mọi thứ? Biết giống như không gian, con bắt đầu có cảm giác mình giống không gian.
Các con không nên tập như kiểu có một suy nghĩ là xông vào đánh nó, đuổi nó đi. Con cứ biết đã, thì chuyện gì cũng trôi qua. Khi trôi qua xong thì chánh kiến đến. Ngày xưa các con có một suy nghĩ đến là con chạy theo, làm theo nó ngay. Bây giờ con biết nó. Biết chính là con có khoảng cách, giống như con biết cái điện thoại này thì con con phải có khoảng cách với nó.
Khi con biết một cái gì đó nghĩa là con đã có khoảng cách với nó rồi. Con chưa biết, khả năng cao là con đang dính chặt vào nó. Nó đến mình xông vào đánh, đuổi nó đi, nghĩa là mình không biết suy nghĩ đấy, nghĩa là mình đã dính chặt vào suy nghĩ đấy. Khi con nhìn một suy nghĩ tiêu cực nghĩa là con đã có khoảng cách với nó rồi. Vậy nếu con không nhìn rõ thì ngày xưa là cứ đánh nhau, cứ mãi cưỡi trên suy nghĩ A sang suy nghĩ B. Bây giờ mình có khoảng cách như thế này rồi làm sao nó làm hại được mình nữa. Nên pháp Biết này rất là quan trọng!
- Trích buổi nói chuyện với lớp Trầm cảm, buổi 5 ngày 18.01.2020 HN
Giọng đọc: Thuỳ Anh -
BIẾT HƠI THỞ - CÁCH ĐỂ NHỚ KHÔNG GIAN CỦA BIẾT ĐANG Ở ĐÂY
Một học trò trầm cảm hỏi: Thưa Thầy, có những lúc con không định tâm được để tập BIết thì mình làm thế nào ạ?
Thầy Trong Suốt: Trầm cảm xảy ra ở suy nghĩ hay xảy ra ở Biết? Biết nó có trầm cảm không? Cái Biết có bị trầm cảm đi hay hưng cảm lên được không? Biết không trầm cảm, hưng cảm, không bị ảnh hưởng bởi trầm cảm hay hưng cảm hay bất cứ cái gì cả. Không gian của Biết bằng nhau ở một người tâm thần hay một người thường. Môn Biết là môn cần cần cù, con tập Biết nhiều lên, con thấy rằng không gian của Biết lúc nào cũng ở đây, là cái thực sự có thật. Còn những thứ đi qua đi lại này thì không luôn ở đây. Dần dần con thấy là những thứ này không quan trọng nữa, cái Biết quan trọng hơn.
Vì vậy một cách rất quan trọng để nhắc là tập thói quen biết hơi thở. Biết hơi thở vừa dễ vừa tạo cho mình cách nhắc. Không gian của Biết hiển lộ rõ ràng hơn với con khi con biết hơi thở. Tất cả các con nên tập biết hơi thở, bằng cách hít vào, niệm "Om Ma Ni", thở ra niệm "Pê Mê Hung". Nếu con biết hơi thở thì không gian của Biết mở rộng dần ra. Đấy là lý do hít vào "Om Ma Ni”, thở ra "Pê Mê Hung", con làm đúng như vậy là tốt nhất.
Nếu con không làm được như vậy thì con tìm cách nào đó không niệm "Om Ma Ni", vì nhiều bạn bảo là hít thở "Om Ma Ni Pê Mê Hung" khó quá, thì tìm cách nào chỉ biết hơi thở thôi, mà không cần niệm "Om Ma Ni Pê Mê Hung". Nếu con không tập được thì con cải biến cách đấy sao cho vẫn biết được hơi thở, mà không cần hít thở "Om Ma Ni". Vì lý do chính của Pháp đấy không phải là câu thần chú, mà làm cho con lúc nào cũng biết hơi thở, hít vào thở ra đều biết, tâm con đang ở đây, đầy nhận biết. Đấy gọi là biết hơi thở.
Đấy là cách căn bản mở rộng không gian của Biết. Và không gian của Biết mở rộng từ từ, cứ nhích dần từng tý một chứ không ngay lập tức được. Sẽ có nhiều lúc con rối loạn quá, mình không làm được, tập được, thì thói quen biết hơi thở sẽ giúp con. Lúc đấy chỉ cần biết hơi thở thôi, thế là không gian Biết xuất hiện trở lại, lại mở rộng ra.
-Trích buổi nói chuyện Vòng xoáy trầm cảm và cách tập biết (HN, 21.12.2020)
Giọng đọc: Minh Trang - Laat meer zien