Afleveringen

  • Ông Vương Đình Huệ là “trụ” thứ hai trong “Tứ trụ” chỉ trong hơn một tháng "xin thôi" giữ mọi chức vụ. Bộ Chính trị đã đồng ý ngày 25/04/2024 và quyết định được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đưa ra chiều thứ Sáu 26/04, ngay trước kỳ nghỉ lễ 5 ngày. Giới quan sát nước ngoài nhận định Việt Nam đang trong thời kỳ “xáo trộn chính trị chưa từng có” và "cuộc khủng hoảng kế nhiệm tổng bí thư càng trở nên trầm trọng".

    Tính từ tháng 12/2022, đã có hai chủ tịch nước, hai phó thủ tướng, một trưởng ban Kinh tế Trung ương và chủ tịch Quốc Hội thôi chức vì chiến dịch chống tham nhũng. Bộ Chính trị khóa XIII cũng “bị mất” 5 ủy viên, hiện chỉ còn 13 người.

    Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ “đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm”. Trước đó, ông Phạm Thái Hà, trợ lý thân cận của ông Vương Đình Huệ, kiêm phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội, đã bị bắt giam về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” trong vụ án tập đoàn Thuận An.

    Ban chấp hành Trung ương Đảng chấp nhận đơn xin từ chức vì “những vi phạm, khuyết điểm của ông Vương Đình Huệ đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông”. Trong khi đó, chỉ mới đầu tháng, chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ còn dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 07 đến 12/04 và tiếp kiến chủ tịch Tập Cận Bình. Chuyến công du được Reuters đánh giá là đáng chú ý vì sự nhạy cảm trong mối quan hệ giữa Việt Nam với nước láng giềng khổng lồ.

    Vậy nên hiểu như thế nào về sự kiện này, cũng như việc hai trong số “Tứ trụ” phải từ chức chỉ trong hơn một tháng ? Trả lời RFI Tiếng Việt qua thư điện tử ngày 28/04, giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (DKI APCSS), tại Hawaii, Hoa Kỳ, giải thích :

    “Ông Huệ đi thăm Trung Quốc là nằm trong chương trình trao đổi các đoàn cấp cao giữa hai nước. Sớm muộn ông cũng phải làm việc này. Còn việc bắt lãnh đạo doanh nghiệp sân sau và trợ lý của ông vào cùng thời gian có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên, cũng có thể là sự lợi dụng cơ hội lúc ông đang bận tập trung vào chuyến thăm.

    Việc trong vòng hơn một tháng, hai trong tứ trụ của Việt Nam phải từ chức, cho thấy cuộc đua quyền lực để chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIV đã bước vào giai đoạn hết sức khốc liệt”.

    Đây cũng là nhận định của một số nhà quan sát quốc tế được trang Nikkei Asia trích dẫn ngày 28/04. Hành động trên danh nghĩa là “từ chức” nhưng thực ra là “bị lật đổ”. Futaba Ishizuka, nhà nghiên cứu chuyên về chính trị Việt Nam tại Viện Kinh tế Phát triển Nhật Bản, đánh giá “cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay ngày càng trở thành một công cụ chiến tranh phe phái”. Việc tố giác và các hành động khác dường như thêm sôi động trước Đại hội Đảng dự kiến diễn ra đầu năm 2026.

    Tổng bí thư chống tham nhũng “chỉ cắt cành, tỉa ngọn”

    Theo báo điện tử Thanh tra Chính phủ, tháng 05/2012, Hội nghị Trung ương 5 khoá XI đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do tổng bí thư làm trưởng ban để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước. Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm hoạt động (2012-2022) ngày 30/06/2022, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “chống tham nhũng là chống giặc nội xâm, tức thói hư, tật xấu, suy thoái về phẩm chất, đạo đức ; tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công ; chặn tình trạng biếu xén cho, tặng, hối lộ tiền tài, của cải, vật chất với động cơ không trong sáng”.

    Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, gần 100 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật, theo số liệu được Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của đảng công bố sáng 13/03/2024. Chính tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức trưởng tiểu ban nhân sự. Theo giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM), khi trả lời RFI Tiếng Việt ngày 21/03, “ông Trọng cho thấy vẫn muốn có ảnh hưởng đến việc chọn người kế nhiệm khi ông nắm giữ chức trưởng tiểu ban nhân sự”. Tuy nhiên, những nhân vật được cho là có thể thay thế ông đều lần lượt phải ra đi. Liệu tổng bí thư đảng còn thực sự nắm quyền điều hành chiến dịch “đốt lò” hiện nay ? Giáo sư Alexander Vuving nhận định :

    “Rõ ràng là chiến dịch chống tham nhũng đã vượt tầm kiểm soát của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Phương châm của ông là “đánh chuột nhưng không làm vỡ bình”, do đó ông tìm mọi cách để giữ bình không bị vỡ, nhưng ông lại không nghĩ rằng trong số chuột cũng có cả những con cưng của ông”.

    Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kiên quyết “công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chịu bất cứ sức ép nào” khi phát biểu tại phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo Trung ương sáng 16/08/2023. Ngoài ra, còn một điểm mới trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, theo trang Quân đội Nhân dân, là “kiên quyết làm rõ trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý để xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng trong lĩnh vực được giao quản lý, phụ trách. Trên cơ sở đó, khuyến khích cán bộ từ chức, xin thôi chức vụ, kịp thời miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút”.

    Liệu tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có bị rơi vào chính chiếc bẫy chống tham nhũng, vì đến giờ ông chưa tìm ra được người kế nhiệm ? Giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye tại Haiwaii, nhận định với RFI Tiếng Việt :

    “Có thể nói là chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng đã tạo ra một chiếc bẫy mà chính ông bị rơi vào. Ông Trọng chống tham nhũng theo kiểu cắt ngọn, tỉa cành trong khi vẫn bón phân đầy đủ cho gốc rễ. Việc đó khiến cây tham nhũng vẫn tiếp tục sum suê, mặc dù một số cành, kể cả ngọn, bị cắt tỉa. Không ngờ việc cắt ngọn tỉa cành lại cắt luôn cả những cành và ngọn được ông Trọng chăm bẵm và kỳ vọng”.

    Định hướng chống tham nhũng phục vụ cho người thực sự chỉ đạo ?

    “Đảng lãnh đạo xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc”, theo một bài viết của báo điện tử đảng Cộng sản Việt Nam ngày 01/02/2024. Rút bài học Liên Xô tan rã, ông Trọng cho rằng “lý do chính để chủ nghĩa xã hội sụp đổ ở khối Liên Xô cũ và ở Đông Âu là những người kém cỏi được chọn để lãnh đạo đất nước”. Chống tham nhũng là một trong những cách bảo vệ tính chính danh của đảng. Chiến dịch “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” được công chúng ủng hộ rộng rãi, do tham nhũng tràn ngập vào chính trị và kinh doanh. Do đó, “lò” sẽ còn rực lửa vì vẫn chưa triệt được tận gốc tham nhũng. Giáo sư Alexander Vuving nhận định :

    “Chiến dịch chống tham những đã trở thành một bộ phận quan trọng trong văn hóa chính trị của Việt Nam. Nhà cầm quyền tin rằng nó là một cách quan trọng để lấy lại niềm tin của dân chúng, cũng như giữ sức khỏe cho chế độ. Đồng thời, nó cũng trở thành một công cụ hữu hiệu trong cuộc đấu tranh quyền lực trong nội bộ giới cầm quyền. Do đó việc chống tham nhũng sẽ vẫn tiếp tục. Có điều, định hướng của nó lại phụ thuộc vào những người dùng nó. Định hướng của nó sẽ tiếp tục thay đổi theo sự hữu hiệu của nó đối với cuộc đấu tranh quyền lực của giới cầm quyền”.

    Và “người dùng” hiện nay chính là bộ Công An. Giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện IRSEM tại Pháp, từng nhận định với RFI Tiếng Việt rằng “hiện giờ chiến dịch chống tham nhũng được điều hành trực tiếp từ bộ Công An, dưới trướng ông Tô Lâm”.

    Từ đầu năm 2024, nhắc đến Việt Nam là người ta chỉ nghĩ đến những đại án tham nhũng và hai trong số “Tứ trụ” lần lượt từ chức trong khi đất nước vẫn chưa giải quyết được những khó khăn tác động đến thu hút đầu tư nước ngoài, như thiếu điện, thủ tục chậm trễ vì cán bộ tránh ký quyết định vào thời điểm này, sợ bị kéo vào cuộc chiến quyền lực.

    Trang The Conversation ngày 24/04 đánh giá đại án Vạn Thịnh Phát là “vụ lừa đảo đặc biệt ở Việt Nam cho thấy những lỗ hổng cố hữu trong ngành ngân hàng”. Cuộc chiến giành chiếc ghế tổng bí thư được Reuters cho là có thể gây quan ngại về “ổn định chính trị” của Việt Nam, hiện là trung tâm sản xuất ở Đông Nam Á, phụ thuộc mạnh vào đầu tư nước ngoài và giao thương. Nhà nghiên cứu Nhật Bản Futaba Ishizuka cho rằng “việc các chính phủ và nhà đầu tư nước ngoài ngày càng trở nên lo lắng là điều không thể tránh khỏi”.

    Quốc Hội dự kiện bắt đầu họp phiên thường kỳ vào ngày 20/05. Ngoài việc bỏ phiếu để ông Vương Đình Huệ thôi giữ chức vụ, Quốc Hội có thể sẽ bầu ra chủ tịch Quốc Hội mới, cân nhắc vị trí chủ tịch nước. Chiếc ghế tổng bí thư, được quyết định trong kỳ Đại hội XIV, có lẽ sẽ còn gây ra nhiều bất ngờ. Bộ trưởng Công An Tô Lâm, 66 tuổi, một trong những ứng viên cho vị trí tổng bí thư, đã từ chối chức chủ tịch nước. “Trước đây, ông Tô Lâm luôn phải đối phó với ảnh hưởng rất mạnh của ông Nguyễn Phú Trọng”, theo nhà nghiên cứu về Việt Nam Benoît de Tréglodé, nhưng hiện giờ “bộ trưởng Công An gần như là chỉ huy chính những chiến dịch chống tham nhũng này”. Và cuộc chiến kế nhiệm, “lẽ ra phải xảy ra trong năm 2025, lại đến sớm hơn, ngay từ bây giờ”.

  • Theo báo chí trong nước, ngày 26/03/2024, trong một cuộc điện đàm, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã mời tổng thống Nga Vladimir Putin “sớm thăm chính thức Việt Nam” và ông Putin đã nhận lời. Cho đến nay, tổng thống Putin đã đến thăm Việt Nam 4 lần, gần đây nhất là nhân thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng năm 2017.

    Hiện giờ chưa biết khi nào ông Putin sẽ đi thăm Việt Nam. Theo thông cáo của Ban Đối ngoại Trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam, hai bên “sẽ phối hợp thu xếp thời điểm thích hợp” cho chuyến đi này.

    Trong cuộc điện đàm nói trên, lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam đã khẳng định Việt Nam vẫn “trân trọng sự giúp đỡ to lớn của Liên bang Nga trong Liên Xô trước đây cũng như ngày nay” cho Việt Nam. Ông Nguyễn Phú Trọng còn nhấn mạnh Việt Nam xác định quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Nga là “một trong những ưu tiên hàng đầu” trong chính sách đối ngoại của mình.

    Việt Nam và Nga đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1950 và đến năm 2012 đã nâng quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, mức cao nhất trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước.

    Cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina do tổng thống Vladimir Putin phát động vào tháng 2/2022 đã đặt Hà Nội vào thế khó xử, nhưng cho tới nay Việt Nam vẫn cố giữ thái độ trung lập, theo đúng chính sách ngoại giao được mệnh danh là ngoại giao "cây tre".

    Trong bài viết mang tựa đề “Việt Nam và chiến tranh Nga-Ukraina: “Ngoại giao cây tre” của Hà Nội thành công nhưng thách thức vẫn còn”, được đăng vào tháng 02/2024 trên trang mạng của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, nhà nghiên cứu cao cấp Ian Storey của Viện này ghi nhận:

    "Giữa hai bên tham chiến, duy trình quan hệ với Nga rõ ràng là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Nhưng để phù hợp với chính sách ngoại giao "cây tre" của mình, Hà Nội cũng đã cẩn thận để không làm mất lòng Kiev. Tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima vào tháng 5/2023, mà Nhật Bản mời cả Việt Nam và Ukraina, thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc gặp với tổng thống Volodymyr Zelensky đã nói rằng Việt Nam coi trọng mối quan hệ với Ukraina và về xung đột Nga-Ukraina, lập trường của Hà Nội là tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc."

    Việt Nam mời tổng thống Nga đến thăm mặc dù vào tháng 3 năm ngoái, Tòa án Hình sự Quốc tế đã phát lệnh bắt giữ ông. Trả lời RFI Việt ngữ ngày 18/04/2024, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, giải thích vì sao Việt Nam mời tổng thống Putin sang thăm trong lúc này mà không ngại phản ứng của các nước phương Tây, nhất là của Mỹ:

    "Bản thân tôi cũng cảm thấy khá bất ngờ với lời mời của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mời tổng thống Putin sang thăm Việt Nam trong bối cảnh Nga đang bị Mỹ và các nước phương Tây khác cấm vận và cô lập trên trường quốc tế. Có lẽ và bản thân ông Putin muốn phát triển quan hệ với các nước đối tác truyền thống như Việt Nam để giảm sức ép quốc tế để thể hiện nước Nga vẫn có bạn bè, đối tác và có thể vượt qua được các áp lực, cấm vận từ phương Tây.

    Trong bối cảnh ấy cũng dễ hiểu khi mà Nga chọn Việt Nam để tăng cường quan hệ. Chính vì vậy mà có lẽ Việt Nam cũng đã chịu một ít sức ép từ phía Nga trong việc gởi lời mời ông Putin sang thăm Việt Nam. Có lẽ Hà Nội cũng sẽ cảm thấy bất tiện khi mời ông Putin sang thăm lần này trong bối cảnh cuộc chiến Ukraina vẫn đang diễn ra như vậy và bản thân ông Putin cũng đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy nã.

    Bên cạnh sức ép của Nga thì có thể Việt Nam cũng cân nhắc các động lực khác, vì hiện nay Việt Nam cũng có một số lợi ích trong quan hệ với Nga mà Việt Nam muốn duy trì, như là Việt Nam vẫn sử dụng nhiều loại vũ khí có nguồn gốc từ Nga, hay là Việt Nam có các khoản đầu tư lớn vào Nga trong các lĩnh vực như năng lượng, hay nông phẩm.

    Chuyến thăm lần này không đơn thuần là nhằm tăng cường quan hệ hai nước, mà Việt Nam muốn có chuyến thăm nhằm giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quan hệ song phương. Chúng ta còn cần thời gian để xem, nhưng trước mắt, Việt Nam có thể là không hoàn toàn thoải mái với chuyến thăm này. Điều này được thể hiện qua việc Việt Nam vẫn cố gắng tuân thủ một số yêu cầu từ phương Tây trong việc trừng phạt Nga. Theo tôi hiểu thì hiện tại Việt Nam vẫn chưa nối lại các đường bay thẳng tới Nga kể từ khi Nga xâm lược Ukraina tháng 02/2022. Điều đó cho thấy vị thế của Việt Nam khá là nhạy cảm trong việc cân bằng quan hệ giữa Nga với các đối tác phương Tây, đặc biệt là Mỹ và các nước châu Âu."

    Trong bài viết nói trên, nhà nghiên cứu Ian Storey nhận định:

    “Cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraina vào tháng 2/2022 là một cuộc trắc nghiệm đối với chính sách ngoại giao 'cây tre' của Việt Nam, làm gia tăng căng thẳng giữa đối tác cũ của Hà Nội là Nga và các đối tác mới ở phương Tây, cũng như giữa phương Tây và đối thủ truyền thống của Việt Nam là Trung Quốc. Để đối phó với cuộc xâm lược, Việt Nam đã áp dụng quan điểm trung lập về cơ bản để tự bảo vệ mình khỏi các tranh chấp giữa các nước lớn phát sinh từ chiến tranh, duy trì mối quan hệ ổn định với tất cả các bên tham gia chính và các bên liên quan, đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.”

    Như vậy là cho tới nay, Việt Nam vẫn cố giữ lập trường trung lập đối với xung đột Ukraina - Nga, một phần cũng vì Hà Nội đều có quan hệ tốt với cả hai bên. Nhưng nếu chiến tranh kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm nữa, liệu lập trường đó có thể đứng vững được không? Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp nhận định:

    "Việt Nam vẫn có lợi ích rất lớn trong việc giữ lập trường trung lập trong cuộc chiến giữa Nga với Ukraina. Tuy nhiên, khi chiến tranh càng kéo dài, việc giữ vị thế trung lập ấy sẽ ngày càng khó khăn hơn do áp lực từ cả hai phía đối với Việt Nam ngày càng gia tăng.

    Trong thời gian đầu sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina thì có vẻ như Việt Nam đồng cảm với Nga hơn, nghiêng về Nga nhiều hơn. Nhưng theo thời gian thì Việt Nam dần dần quay lại vị thế trung lập. Không loại trừ khả năng là trong tương lại, khi cuộc chiến kéo dài, gây ra các thiệt hại về lợi ích, về hình ảnh, Việt Nam sẽ ngày càng giữ khoảng cách với Nga.

    Điều này xuất phát từ thực tế: cho dù Nga là đối tác truyền thống của Việt Nam đã hỗ trợ Nga rất nhiều trong quá khứ, nhưng hiện tại tầm quan trọng của Nga đối với Việt Nam, đặc biệt là về kinh tế, không lớn, đặc biệt là so sánh với các đối tác như Mỹ và châu Âu, những bạn hàng và thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Các nước phương Tây cũng là nguồn đầu tư mà Việt Nam rất mong muốn thu hút.

    Chính vì vậy mà Việt Nam sẽ không thể làm ngơ trước các áp lực ngoại giao của Mỹ và phương Tây nói chung trong quan hệ với Việt Nam. Phía Việt Nam cũng sẽ rất mong muốn Nga sẽ sớm kết thúc cuộc chiến Ukraina. Tuy nhiên điều này khó có thể xảy ra trong thời gian trước mắt. Cho nên, việc Việt Nam giữ thế trung lập của mình với Nga và phương Tây sẽ ngày càng khó khăn hơn và sẽ đòi hỏi rất nhiều kỹ năng khéo léo về mặt chiến lược của Việt Nam."

    Mặt khác, N ga hiện nay vẫn là nguồn cung cấp vũ khí chính yếu của Việt Nam. Việc Nga bị quốc tế trừng phạt, cấm vận có gây nhiều khó khăn cho Việt Nam trong việc hiện đại hóa quân đội, nhất là trong việc thay thế những vũ khí từ thời Liên Xô nay đã sắp hết hạn sử dụng, chẳng hạn như các chiến đấu cơ? Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp giải đáp:

    "Các vũ khí của Nga đã được Việt Nam sử dụng hàng chục năm nay, kể từ thời chiến tranh lạnh cho đến nay, cho nên kể cả khi Việt Nam không mua mới từ Nga thì Việt Nam vẫn phụ thuộc vào Nga về việc bảo trì, bảo dưỡng các trang thiết bị này. Ví dụ như Việt Nam trông thời gian qua đã có một số khó khăn trong việc bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa các tàu ngầm mà Việt Nam đã mua từ Nga. Trong một số lĩnh vực, Việt Nam phải phụ thuộc vào một số dịch vụ từ các bên thứ ba, ví dụ như Ấn Độ.

    Bây giờ làm sao giải quyết được vấn đề này trong quan hệ với Nga, vừa có thể giúp Việt Nam hiện đại hóa lực lượng của mình trong thời gian tới? Đó là một bài toán rất là khó đối với Việt Nam. Nếu Việt Nam tiếp tục mua vũ khí từ Nga thì sẽ vi phạm các lệnh cấm vận của phương Tây và có thể làm sứt mẻ quan hệ của Việt Nam với phương Tây. Còn nếu Việt Nam ngưng các hoạt động hợp tác quốc phòng với Nga thì sẽ không chỉ gây khó khăn cho quá trình hiện đại hóa quân đội Việt Nam và có thể ảnh hưởng đến các hoạt động bảo trì, bảo dưỡng các vũ khí của Nga mà Việt Nam đang sử dụng.

    Tuy nhiên, về dài hạn, Việt Nam sẽ phải tìm mọi cách để giảm sự phụ thuộc vào Nga. Trong bối cảnh đang bị cấm vận, năng lực của Nga cung cấp các vũ khí, các trang thiết bị mà Việt Nam mong muốn sẽ bị hạn chế. Vi phạm các lệnh trừng phạt của quốc tế cũng không phải là điều mà Việt Nam mong muốn. Chính vì Việt Nam hiện cũng đang tìm cách mở rộng quan hệ thương mại, quốc phòng với các đối tác mới, ví dụ như Israel, Hàn Quốc hay kể cả Mỹ, Nhật và các nước Đông Âu vẫn có các mặt hàng tương thích với các vũ khí của Nga mà Việt Nam đang sử dụng. Tuy nhiên, cũng có một số khó khăn về chi phí, đặc biệt là rất cao, nếu mua các vũ khí của Mỹ và châu Âu. Ngoài ra còn có vấn đề tương thích giữa các vũ khí, các hệ thống mới với các hệ thống của Nga mà Việt Nam đang sử dụng.

    Các triển lãm quốc phòng mà Việt Nam tổ chức gầy đây cho thấy ý định của Việt Nam đa dạng hóa các nguồn cung. Tuy nhiên Việt Nam cần có thêm thời gian để làm tốt việc này. Chính vì vậy, trong thời gian trước mắt, ít nhất là trong 5-10 năm tới, sự phụ thuộc của Việt Nam vào các vũ khí của Nga có thể sẽ không giảm quá nhanh và quá nhiều."

    Nhà nghiên cứu Ian Storey cũng cho rằng xung đột Nga-Ukraina đặt ra những thách thức về trung và dài hạn cho quân đội Việt Nam, vốn dựa nhiều vào vũ khí của Nga. Theo ông, xung đột này cũng ảnh hưởng đến tranh chấp kéo dài giữa Việt Nam với Trung Quốc ở Biển Đông, do Nga ngày càng phụ thuộc vào đối tác chiến lược Trung Quốc.

    Ông Ian Storey nhận định việc tăng cường quan hệ chiến lược Nga - Trung ảnh hưởng đến Việt Nam nhiều hơn bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào khác. Hà Nội lo ngại Bắc Kinh có thể sử dụng mối quan hệ với Matxcơva để làm suy yếu lợi ích của Việt Nam.

    Trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, như vậy liệu Việt Nam có thể đặt tin tưởng vào đối tác Nga? Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp nhận định:

    "Việc Nga ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc trong bối cảnh họ đang bị bao vây, cô lập, cấm vận của phương Tây là một rủi ro mà Việt Nam phải cân nhắc khi tăng cường hay duy trì quan hệ với Nga. Trung Quốc là đối tác lớn hơn Việt Nam rất nhiều đối với Nga, cho nên khi cần phải cân nhắc hay đánh đổi giữa quan hệ với Trung Quốc và quan hệ với Việt Nam, tôi tin chăc là Nga sẽ ưu tiên quan hệ với Trung Quốc và điều này phần nào được thể hiện qua thái độ của Nga đối với tranh chấp Biển Đông. Đã có một số lần phía Nga thể hiện lập trường ủng hộ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông làm phương hại đến các lợi ích của Việt Nam.

    Tôi nghĩ là động lực này sẽ không thay đổi, thậm chí rủi ro còn trở nên cao hơn đối với Việt Nam, nhất là khi mà chiến tranh Ukraina kéo dài và làm cho sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc ngày càng lớn và ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Nga ngày càng tăng. Đó là một lý do mà tôi nghĩ là Việt Nam cần phải nhanh chóng giảm sự phục thuộc vào Nga, đặc biệt là về nguồn cung vũ khí, để có thể có sự tự chủ chiến lược lớn hơn trong quan hệ với Nga và Trung Quốc. Nói chung Việt Nam cần phải thận trọng, thực tế hơn trong quan hệ với Nga, không nên để các yếu tố cảm tính át đi lý trí, vì suy cho cùng, đối với Việt Nam, lợi ích quốc gia vẫn là tối thượng trong việc định đoạt chính sách của mình đối với các quốc gia khác nói chung và với Nga và Trung Quốc nói riêng."

  • Zijn er afleveringen die ontbreken?

    Klik hier om de feed te vernieuwen.

  • Bắc Triều Tiên muốn “tăng cường hợp tác và thúc đẩy quan hệ song phương với Việt Nam lên một tầm cao mới”. Sau nhiều năm đóng cửa chống dịch Covid-19, Bình Nhưỡng dường như đang nối lại hoạt động ngoại giao với các nước bằng hữu trong vùng và ASEAN, trong bối cảnh “bị cô lập”, một phần là do phải đóng cửa nhiều cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài.

    Khi chọn đến thăm ba nước, Trung Quốc - đối tác hàng đầu, Việt Nam - nước có cùng hệ tư tưởng và Lào - nước chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2024, chính quyền Bình Nhưỡng muốn khẳng định “vẫn còn bạn”. Trưởng đoàn Kim Song Nam, ủy viên dự khuyết bộ Chính Trị kiêm trưởng ban Đối ngoại Trung ương đảng Lao Động Triều Tiên, nhấn mạnh mục đích chuyến thăm Việt Nam từ 25-28/03 là “nhằm tăng cường phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai đảng, hai nước”.

    Vấn đề hợp tác kinh tế được đề cập ở quy mô địa phương khi phái đoàn Bắc Triều Tiên thăm thành phố Hồ Chí Minh ngày 27/03. Theo trang Chính sách & Cuộc sống, bí thư thành ủy Nguyễn Văn Nên bày tỏ “mong muốn hợp tác”, “mở rộng đầu tư giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương Triều Tiên”. Theo dự kiến, vào tháng 06, một phái đoàn của thành phố Hồ Chí Minh sẽ đi thăm và làm việc tại Bắc Triều Tiên.

    Tuy nhiên, Hà Nội có thể hợp tác với Bình Nhưỡng trên những lĩnh vực nào trong bối cảnh Bắc Triều Tiên bị trừng phạt quốc tế, còn Việt Nam thắt chặt hợp tác với hai đối thủ của chế độ Kim Jong Un là Hàn Quốc và Hoa Kỳ ? Liệu Bắc Triều Tiên có thể trông cậy vào Việt Nam để phá vỡ bớt thế cô lập trên trường quốc tế ?

    RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang, trường Đại học Boston (Boston College), Hoa Kỳ, để hiểu thêm về vấn đề này.

    *

    RFI : Việt Nam là một trong ba nước (Trung Quốc và Lào) nằm trong chuyến công du của phái đoàn Bắc Triều Tiên do ông Kim Song Nam dẫn đầu. Mục đích của chuyến công du này là gì ?

    Vũ Xuân Khang : Bắc Triều Tiên vào cuối năm 2023 đã đóng cửa ít nhất 7 cơ quan đại diện ở nước ngoài, trong đó có một số cơ quan đóng ở các đối tác truyền thống như Uganda và Angola, hai quốc gia mà Bắc Triều Tiên duy trì hiện diện ở châu Phi. Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Bắc Triều Tiên cũng đóng cửa lãnh sự quán ở Hồng Kông.

    Việc đóng cửa các cơ quan đại diện ở nước ngoài cho thấy Bắc Triều Tiên đang gặp những khó khăn về kinh tế do cấm vận quốc tế và họ không còn nguồn tiền để duy trì các cơ quan đại diện được cho là không mang lại đủ lợi ích kinh tế cho đất nước. Cũng cần hiểu rằng do Bắc Triều Tiên bị cấm vận quốc tế nên từ trước đến nay, họ luôn dựa vào những cơ quan đại diện ở nước ngoài để mang ngoại tệ về nước. Cho nên việc đóng cửa những cơ quan này là một chỉ dấu cho thấy những biện pháp cấm vận của Liên Hiệp Quốc đang có hiệu quả rõ rệt và làm giảm số lượng cơ quan đại diện nước ngoài của Bắc Triều Tiên xuống còn 44.

    Đọc thêm : Hàn Quốc và Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao

    Có thể thấy là việc đóng cửa hàng loạt cơ quan đại diện đang đẩy Bắc Triều Tiên vào tình thế bị cô lập, trong khi nước đối địch là Hàn Quốc ngày càng mở rộng mạng lưới ngoại giao. Gần đây nhất, Seoul đã thành công trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba, một đồng minh ý thức hệ quan trọng của Bắc Triều Tiên. Nếu nhìn rộng hơn, khi so sánh giữa số lượng các nước mà Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên có quan hệ ngoại giao hoặc là có trụ sở đại diện nước ngoài thì Hàn Quốc có khoảng 180, trong khi Bắc Triều Tiên hiện chỉ còn 44.

    Việc Bắc Triều Tiên không đóng cửa cơ quan đại diện ở Việt Nam, cũng như Việt Nam nằm trong chuyến công du ba nước của phái đoàn Bắc Triều Tiên cho thấy rằng Bình Nhưỡng vẫn rất coi trọng mối quan hệ truyền thống với Hà Nội, rộng hơn là đối với các nước Cộng sản châu Á khác khi phái đoàn Bắc Triều Tiên cũng đến thăm Trung Quốc và Lào. Mục đích chính của chuyến thăm này là nhằm giảm bớt sự cô lập của chính quyền Bình Nhưỡng sau khi phải đóng cửa hàng loạt cơ quan đại diện ở nước ngoài.

    RFI : Vậy Bắc Triều Tiên đặt kỳ vọng gì khi thăm Việt Nam ?

    Vũ Xuân Khang : Quan hệ Việt Nam và Bắc Triều Tiên trên đà phát triển trong giai đoạn từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019 khi Bắc Triều Tiên có những chuyến thăm cấp cao đến Việt Nam và đỉnh điểm là chuyến thăm của chủ tịch Kim Jong Un đến Hà Nội vào cuối tháng 02/2019 để tham dự thượng đỉnh Mỹ - Bắc Triều Tiên với tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Đó cũng là lần đầu tiên một lãnh tụ tối cao của Bắc Triều Tiên đến thăm Việt Nam kể từ chuyến thăm Hà Nội năm 1964 của chủ tịch Kim Nhật Thành.

    Hai nước đã có những chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về đổi mới kinh tế, cũng như tăng cường giao lưu văn hóa và du lịch. Bắc Triều Tiên mong muốn thúc đẩy du lịch với Việt Nam và hai nước đã có những cuộc đối thoại về mở đường bay thẳng. Chương trình Cuộc đua kỳ thú phiên bản Việt Nam năm 2019 đã được Bắc Triều Tiên cấp phép quay một chặng đua ở Bình Nhưỡng để quảng bá hình ảnh Bắc Triều Tiên rộng rãi hơn đến khán giả Việt Nam. Đây cũng là một sự kiện chưa từng có tiền lệ khi mà Bắc Triều Tiên cho phép một chương trình truyền hình thực tế nước ngoài quay phim ở Bình Nhưỡng. Mặc dù chương trình truyền hình thực tế này không phải là quay trực tiếp nhưng đó cũng là một chỉ dấu rất lớn cho thấy Bắc Triều Tiên muốn mở cửa với thế giới và ít nhất là đối với những đối tác truyền thống như Việt Nam.

    Đọc thêm : Việt Nam – Bắc Triều Tiên : Tham vọng hợp tác văn hóa và đào tạo

    Nhưng sau đó, quan hệ Việt Nam-Bắc Triều Tiên bị chững lại sau năm 2019 do đại dịch Covid-19 khi cả hai nước đóng cửa biên giới. Bắc Triều Tiên mới chỉ mở lại biên giới một cách hạn chế từ giữa năm 2023 để đón phái đoàn từ Nga và Trung Quốc đến tham dự 70 năm ký kết hiệp định đình chiến hai miền Triều Tiên. Đầu năm nay (2024), Bắc Triều Tiên đã đón những đoàn khách du lịch quốc tế đầu tiên đến từ Nga sau hơn 4 năm chống dịch. Hiện giờ Bắc Triều Tiên cũng chỉ mới cấp lại visa đối với những thương nhân của Trung Quốc để nối lại kinh tế giữa hai nước.

    Bắc Triều Tiên cũng đang đẩy mạnh xây dựng các khu du lịch trong nước để sớm có thể mở rộng công nghiệp du lịch để đón khách nước ngoài. Cần phải nhắc lại rằng công nghiệp du lịch là một trong những nguồn thu không bị Liên Hiệp Quốc cấm vận, nhờ đó Bắc Triều Tiên có thể thu được ngoại tệ từ nước ngoài một cách hợp pháp.

    Có thể thấy Bắc Triều Tiên mong muốn nối lại hợp tác kinh tế và du lịch, được hai nước đã thỏa thuận trước dịch 2019, thông qua chuyến thăm của phái đoàn Bắc Triều Tiên do ông Kim Song Nam, ủy viên dự khuyết bộ Chính Trị, dẫn đầu. Với việc Bắc Triều Tiên đã đóng cửa một lượng lớn các cơ quan đại diện ở nước ngoài thì những nước mà họ vẫn còn giữ đại diện, như Việt Nam, sẽ càng trở nên quan trọng hơn trong chính sách ngoại giao của Bắc Triều Tiên trong thời gian tới.

    RFI : Hà Nội có thể làm được gì cho Bình Nhưỡng trong bối cảnh chế độ Kim Jong Un đang chịu lệnh trừng phạt của quốc tế, còn Việt Nam lại thắt chặt quan hệ với Mỹ, Hàn Quốc ?

    Vũ Xuân Khang : Thực ra, quan hệ Việt Nam - Bắc Triều Tiên đã không còn được như giai đoạn kháng chiến chống Mỹ khi Bắc Triều Tiên giúp đỡ chính quyền Hà Nội bảo vệ không phận miền Bắc trong các cuộc ném bom của Mỹ. Đặc biệt hơn, chính chủ tịch Kim Nhật Thành còn ngỏ ý với chính quyền Hà Nội lúc bấy giờ rằng Bắc Triều Tiên sẵn sàng gửi cả lính đánh bộ nếu như Hà Nội cho phép.

    Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc vào năm 1992, quan hệ Việt - Hàn đã phát triển nhanh chóng nhờ chia sẽ lợi ích về kinh tế. Trái lại, quan hệ Việt Nam - Bắc Triều Tiên bị chững lại do Bắc Triều Tiên gặp khủng hoảng kinh tế và họ theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân. Khủng hoảng kinh tế của Bắc Triều Tiên tồi tệ đến mức Bình Nhưỡng không đủ tiền để trả những khoản nợ mua gạo của Việt Nam vào năm 1996. Chính những điều này đã làm tổn hại đến quan hệ giữa hai nước.

    Đọc thêm : Mô hình kinh tế Việt Nam chưa hẳn có hấp lực với Bắc Triều Tiên

    Việt Nam nhận thấy có thể phát triển quan hệ kinh tế với Bắc Triều Tiên và giúp đỡ nước này tránh được các lệnh trừng phạt quốc tế nhờ sử dụng cảng biển của Việt Nam để trao đổi hàng hóa bị Liên Hiệp Quốc cấm vận, như than đá, dầu mỏ. Tuy nhiên, những triển vọng này đang ngày càng giảm khi cả Mỹ và Hàn Quốc đều nỗ lực thuyết phục Hà Nội thi hành các lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Triều Tiên trong các cuộc gặp cấp cao với lãnh đạo Việt Nam.

    Đơn cử là vào chuyến thăm của tổng thống Hàn Quốc vào tháng 06/2023, ông Yoon Suk Yeol đã trực tiếp kêu gọi Việt Nam, cũng như các nước Đông Nam Á khác, coi chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên là một mối đe dọa cho an ninh của khu vực. Tổng thống Hàn Quốc cũng mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam để kiềm chế mối đe dọa an ninh từ Bắc Triều Tiên.

    Trong hoàn cảnh hiện nay, Việt Nam cần phải “cân đo đong đếm” quan hệ, lợi ích kinh tế với Hàn Quốc và Mỹ so với Bắc Triều Tiên. Và rõ ràng hiện giờ mối quan hệ kinh tế của Việt Nam đối với Hàn Quốc vẫn mang lại nhiều lợi ích hơn là lợi ích kinh tế của Việt Nam với Bắc Triều Tiên. Do vậy, khả năng cao là Hà Nội vẫn sẽ chỉ giúp đỡ được Bình Nhưỡng trong khuôn khổ không làm tổn hại đến lợi ích kinh tế Việt Nam và Hàn Quốc.

    RFI : Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cử một phái đoàn đến Bình Nhưỡng vào tháng 06, có thể nhằm tăng cường hợp tác kinh tế. Việc cử một phái đoàn cấp địa phương liệucó phải để nhằm tránh ảnh hưởng đến mối quan hệ của Việt Nam với các nước đối tác như Mỹ, Hàn Quốc ?

    Vũ Xuân Khang : Thực ra, nếu như chính phái đoàn từ thành phố Hồ Chí Minh đến thăm Bình Nhưỡng thì cũng giống như một cuộc gặp đáp lễ cho chuyến công du của phái đoàn Bắc Triều Tiên do ông Kim Song Nam dẫn đầu. Thay vì chính quyền Hà Nội gửi một phái đoàn đến Bắc Triều Tiên mà chỉ là một phái đoàn từ thành phố Hồ Chí Minh có thể cho thấy rằng Việt Nam không muốn phá hoại quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với Hàn Quốc hoặc là quan hệ Việt Nam với Mỹ.

    Cần phải nói rõ việc gửi phái đoàn từ thành phố Hồ Chí Minh cho thấy Việt Nam ưu tiên phát triển kinh tế, nhất là về du lịch giữa Việt Nam và Bắc Triều Tiên và không gửi bất kỳ một tín hiệu nào là Hà Nội ủng hộ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân hay tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên.

    RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang, Đại học Boston (Boston College), Hoa Kỳ.

  • Là vựa lúa của Việt Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long đang bị ngập mặn ngày càng trầm trọng và nông dân trong vùng này nay buộc phải thích ứng với tình trạng đó.

    Tình trạng khô hạn và ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long lên đến mức mà tỉnh Tiền Giang vào ngày 06/04/2024 đã phải công bố "tình huống khẩn cấp" trong khu vực huyện Tân Phú Đông.

    Trước đó, bên lề hội thảo Bảo vệ, phục hồi và phát triển tài nguyên nước tại Hà Nội ngày 15/3, Viện Khoa học Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã công bố một nghiên cứu mới cho biết là bốn ngành lúa, thủy sản, cây ăn quả, hoa màu của đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm bị thiệt hại hơn 70.000 tỷ đồng, tương đương với khoảng 3 tỷ euro, do bị xâm nhập mặn.

    Báo cáo cũng dự đoán là thiệt hại do xâm nhập mặn sẽ tăng dần theo thời gian, với các kịch bản cho những năm 2030, 2040, 2050. Ông Trần Anh Phương, Viện Khoa học Tài nguyên nước, cho biết sự gia tăng của các dự báo tương ứng với kịch bản nước biển dâng, hoạt động phát triển kinh tế, xã hội cũng như khai thác tài nguyên nước thượng nguồn, đặc biệt là phát triển thủy điện và chuyển nước ra ngoài lưu vực.

    Đồng bằng sông Cửu Long là phần hạ lưu giáp biển của sông Mekong, có địa hình thấp và khá bằng phẳng với 2 vùng trũng lớn là Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên. Cùng với 2 dòng chính là sông Tiền và sông Hậu, đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống kênh rạch chằng chịt, cho nên dễ bị xâm nhập mặn do thủy triều đưa nước mặn vào sâu trong sông và nội đồng, đặc biệt trong mùa cạn, khi mà lưu lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong xuống thấp. Trả lời RFI Việt ngữ, giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam, nhắc lại lịch sử hình thành của đồng bằng sông Cửu Long:

    “Các nhà địa chất xác định tuổi carbon 14 của đồng bằng là được hình thành từ khoảng 10 ngàn năm trước. Khi đồng bằng sông Cửu Long mới hình thành, bờ biển nằm ở ranh giới Cam Bốt bây giờ. Qua những đợt nước biển lùi vài trăm năm rồi nước biển dâng trở lại vài trăm năm, cứ dâng và lùi như vậy, mỗi lần thay đổi mặt nước biển thì để lại vết tích là những dòng cát. Có hàng trăm dòng cát như vậy nằm song song với bờ biển hiện tại.

    Nói cách khác, đồng bằng sông Cửu Long không có lạ gì với hiện tượng nước biển dâng và lùi. Nhưng bây giờ các nhà khí tượng học dự đoán là những quy luật trước đây như vào thời “Năm Thìn bão lụt” thì bây giờ không còn như vậy nữa. Bây giờ muốn lụt lúc nào thì lụt, muốn hạn lúc nào thì hạn. Bên kia thì đang lụt, nhưng bên đây thì lại đang cháy rừng.”

    Thiếu nước ngọt trong mùa nắng nóng

    Trong hơn một tháng qua, miền Nam Việt Nam phải đối mặt với đợt nắng nóng kéo dài bất thường. Các nhà khí tượng học cảnh báo hiện tượng này có thể tiếp tục kéo dài với hậu quả làm trầm trọng thêm tình trạng xâm nhập của nước biển vào nước ngầm hoặc nước mặt. Hiện tượng, vẫn xảy ra hàng năm vào mùa khô, càng gia tăng do tác động của thời tiết nóng bức và mực nước biển dâng cao, cả hai đều chịu áp lực do biến đổi khí hậu. Độ mặn tăng ảnh hưởng đến cây trồng và khả năng tiếp cận nước sinh hoạt của người dân.

    Trong số 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau có mức độ thiệt hại lớn nhất, tiếp đến là Bến Tre. Hãng tin Pháp AFP ngày 20/03/2024 đã có bài phóng sự tại Bến Tre, nơi đang bị một đợt nắng nóng kéo dài và xâm nhập mặn đe dọa nền kinh tế địa phương. Nói với AFP, nông dân Nguyễn Hoài Thương than thở: "Thật lãng phí khi bỏ ruộng lúa vì chúng tôi không có nước ngọt. Thay vào đó tôi phải nuôi bò".

    Tại Bến Tre, các cánh đồng vốn được trồng lúa nay đã bị nứt nẻ do hạn hán, nắng nóng. Do thiếu mưa, gia đình nông dân Nguyễn Hoài Thương phải mua nước sinh hoạt của hàng xóm với giá gần 500.000 đồng (20 euro) vào tháng 2 vừa qua. Ông Nguyễn Hoài Thương giải thích: “Chúng tôi không có nguồn nước ngọt ngầm và nước mặt thì mặn”. Nông dân Phan Thành Trung, người trồng lúa cùng làng với Nguyễn Hoài Thương, cho biết: “Tôi phải giảm vụ từ ba vụ xuống chỉ còn hai vụ một năm. Nước ở vùng tôi quá mặn nên không thể sử dụng được”. Người hàng xóm Nguyễn Văn Hùng thì đã tận dụng đợt nắng nóng để kiếm thêm thu nhập từ nguồn nước ngọt dồi dào dưới lòng đất. Ông cho biết: “Khi có những đợt hạn hán, xâm nhập mặn, tôi bán nước ngọt cho hàng xóm, nhưng nói thật là tôi cũng không vui. Thời tiết bất lợi thực sự ảnh hưởng nặng nề đến chúng tôi.”

    Đa dạng hóa nông nghiệp để thích ứng

    Gần đây, các tổ chức quốc tế và các chương trình của chính phủ đã khuyến khích đa dạng hóa nông nghiệp nhằm hướng tới khả năng phục hồi kinh tế và khí hậu tốt hơn. Cụ thể là nông dân nên duy trì các đồng lúa trong mùa mưa, khi sông Mekong có thể cung cấp đủ nước ngọt, sau đó chuyển những cánh đồng đó sang nuôi tôm hoặc nuôi tôm vào mùa khô.

    Giáo sư Võ Tòng Xuân cũng đưa ra khuyến cáo tương tự:

    “Những vùng nào mà mình biết đã nhiễm mặn thì đừng ngăn mặn và đem nước ngọt về “ngọt hóa” để trồng lúa làm gì, đã có nhiều lúa lắm rồi. Bây giờ mình làm theo nghị quyết của chính phủ năm 2017, nghị quyết mà tôi đã hết sức đấu tranh để nhà nước chấp nhận thả ra, không còn ép buộc trồng lúa mọi lúc, mọi nơi. Sau nghị quyết 2017, nông dân được hướng dẫn là ở vùng ven biển không trồng lúa trong mùa nắng, trong mùa nước mặn nữa, mà chỉ trồng lúa trong mùa mưa thôi. Sau khi hết mưa rồi, thu hoạch lúa xong thì mình cho nước mặn vào rồi nông dân bắt đầu nuôi tôm, cua biển, hoặc cá kèo. Khi mùa mưa tới nữa thì mình lại trồng lúa.

    Mình cũng khuyến cáo bà con nông dân rất kỹ: Khi vừa thu hoạch lúa xong, đất ruộng còn ướt, đưa nước mặn vào thì nước mặn chỉ nằm bên trên thôi. Tức là khi đưa nước mặn vào thì đất ruộng phải còn ướt, còn sình lầy, như vậy đất sẽ không bị nhiễm mặn, mùa tới khi mưa trở lại thì có thể trồng lúa như bình thường.

    Ở vùng giữa ( đồng bằng sông Cửu Long ), bây giờ bà con được khuyến cáo là chỉ trồng một vụ lúa thôi, còn lại thì trồng những loại cây trồng cạn, như cây bắp, cây sorgho, cây mía...Có vùng thì họ lên liếp hết, trồng cây ăn quả ở trên, còn ở dưới mương thì nuôi cá hay dùng giống như hồ chứa nước trong mùa mưa để tưới cho cây trồng trong mùa nắng.

    Còn nguyên một vùng nằm dọc theo biên giới Cam Bốt, nơi mà sông Cửu Long bắt đầu đến Việt Nam, thì mình lấy nước ở đoạn sông đó để dẫn vào hệ thống thủy lợi dọc theo vùng phía trên Đồng Tháp Mười để phân bổ nước ngọt của sông Hậu Giang cho vùng Tứ Giác Long Xuyên. Diện tích tổng cộng của vùng này là khoảng 1 triệu 500 ngàn hecta, là vùng luôn luôn có nước ngọt, nước mặn không bao giờ lên đến đó. Đây là vùng mà tôi gọi là “sống chung với biến đổi khí hậu”, tức là không bị ảnh hưởng”.

    Mô hình "không bền vững"?

    Trong một bài viết trên trang mạng The Diplomat của Nhật Bản ngày 09/02/2024, bà Quinn Goranson, một nhà nghiên cứu về khí hậu và chuyển đổi năng lượng ở Canada, đã cảnh báo về những hậu quả của mô hình nói trên, vì theo bà, người ta ít chú ý đến các tác động tiêu cực đến môi trường của quá trình chuyển đổi hàng loạt sang nuôi tôm, một hành động mà thật ra theo bà là "không bền vững". Giáo sư Võ Tòng Xuân trấn an về cảnh báo nói trên:

    “ Đất ruộng để nuôi tôm không bao giờ sử dụng hóa chất, cho nên loại múa ST25 là loại gạo ngon nhất Việt Nam được trồng ở những ruộng tôm này là tốt nhất, vừa đạt tiêu chuẩn quốc tế, vừa an toàn cho người dân ăn. Đó là tại vì người ta biết là xài hóa chất cho lúa thì sẽ ảnh hưởng đến tôm nuôi. Còn khi nuôi tôm thì bây giờ người ta cũng sản xuất tôm giống rất là kỹ. Khi nuôi trong ruộng nếu tôm bệnh thì người ta dùng các loại thuốc vi sinh, tức là probiotique, chứ không phải là antibiotique.”

    Tuy nhiên, trong bài viết nói trên, nhà nghiên cứu Quinn Goranson lo ngại một cái vòng luẩn quẩn của tác động tiêu cực từ mô hình đó:

    “Nông dân theo mô hình trồng lúa/nuôi tôm đã bắt đầu nhận thấy tác động lâu dài của các ao nuôi tôm đối với chất lượng đất, vì biến đổi khí hậu hạn chế khả năng xả muối của sông Mê Kông, khiến đất kém màu mỡ. Cuối cùng, khi tình trạng xâm nhập mặn trở nên trầm trọng hơn do mực nước biển dâng cao và sụt lún mặt đất liên tục, độ mặn sẽ vượt quá mức có thể chấp nhận được ngay cả đối với những loài tôm này. Cho nên người ta đã khuyến khích việc khai thác nước ngầm để làm loãng độ mặn của ao nuôi tôm. Sự suy giảm tầng chứa nước đã góp phần gây ra tình trạng sụt lún đất ở đồng bằng sông Cửu Long trong nhiều thập kỷ, đẩy nhanh tốc độ sụt lún chưa từng thấy của đồng bằng ở mức 18 cm trong 25 năm qua.”

    Tình trạng sụt lún đất cũng chính là một trong những nguyên nhân ban đầu dẫn đến xâm nhập mặn. Cho nên nhà nghiên cứu Quinn Goranson đề nghị cần có những nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ hơn về tác động lên hệ sinh thái đồng bằng sông Cửu Long.

  • Việt Nam và Úc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện đánh dấu thành công mới trong chiến lược “ngoại giao cây tre” của Hà Nội. Trong thông cáo chung ngày 07/03/2024, hai nước “chia sẻ tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, “không bị ép buộc, nơi độc lập, chủ quyền và luật pháp quốc tế được tôn trọng”. Dù không nêu đích danh Úc và Việt Nam nhưng Trung Quốc đã cảnh báo về nguy cơ “ưu tiên đối đầu, lập liên kết độc quyền”.

    Nếu được ký trong năm 2023, đúng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, “niềm vui sẽ được trọn vẹn”, theo nhận định của tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, giảng viên cao cấp về chính trị học và quan hệ quốc tế tại Đại học Vin, Hà Nội. Tuy nhiên, lịch trình đã được dãn ra. Phải chăng để tránh chọc giận Bắc Kinh ? Tháng 09/2023, Việt Nam đón tổng thống Joe Biden và nâng cấp quan hệ với Mỹ lên ngang tầm quan trọng với Trung Quốc vì “đối với Mỹ, thời điểm đó không thể trì hoãn hơn”.

    Nhưng lùi sang năm 2024 không có nghĩa là làm giảm ý nghĩa chiến lược và lòng tin của hai bên, đặc biệt là Úc là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, và duy trì “mối quan hệ thân hữu”, theo ca ngợi của thủ tướng Scott Morrison trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 08/2019.

    Trên đây là một trong số những nhận định khi trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt của tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, giảng viên cao cấp thỉnh giảng về chính trị học tại Đại học Công nghệ Queensland, phó giáo sư thỉnh giảng về chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Sunshine Coast ở Úc.

    RFI : Năm 2023, thủ tướng Anthony Albanese, tiếp theo là ngoại trưởng Penny Wong thăm Việt Nam. Từ ngày 04-08/03/2024, thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính dự thượng đỉnh Úc-ASEAN, sau đó thăm chính thức Úc. Chuyến công du của ông Chính có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ giữa hai nước ?

    Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải : Tôi cho rằng cả hai nước đều thực sự muốn nâng cấp quan hệ bởi vì cả hai nước đều nhìn thấy được vai trò, vị trí chiến lược của nhau, tầm quan trọng của mỗi nước đối với vấn đề phát triển và an ninh của nhau. Ngay từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 50 năm, phía Úc đã nhìn thấy vị trí, vai trò chiến lược của Việt Nam trong toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Chính vì thế, ngay cả khi chiến tranh thời đó chưa kết thúc, Úc cũng sẵn sàng tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao với một nước vốn là cựu thù, với một nước vốn còn chiến tranh với cả một đồng minh của họ, đó chính là Mỹ vào thời điểm đó.

    Ngược lại, Việt Nam cũng nhìn nhận Úc khác với cả những nước phương Tây khác. Mặc dù Úc cũng đưa quân tham chiến, giống như một số đồng minh khác của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, nhưng cách tiếp cận cũng khá độc lập, khá tiến bộ và khá thân thiện với Việt Nam. Cho nên việc nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, tức là mức quan hệ ngoại giao cao nhất của Việt Nam đối với một đối tác nước ngoài, là điều được cả hai bên rất mong đợi. Tôi chỉ tiếc rằng việc này diễn ra hơi trễ một chút, lẽ ra các bên đều mong đợi nâng cấp từ năm ngoái (2023).

    Đọc thêm : Việt Nam và Úc tố cáo Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông

    Việc nâng cấp quan hệ như vậy sẽ tạo điều kiện cho hai nước thực hiện những bước đi mang tính chiến lược hơn, kể cả từ góc độ kinh tế hay từ góc độ hợp tác quốc phòng-an ninh, cũng như một số lĩnh vực mới nổi khác như chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, đổi mới-sáng tạo… Đặc biệt là trong việc chống biến đổi khí hậu, cả Úc và Việt Nam đều đặt mục tiêu là đến năm 2050 giảm lượng phát thải về 0. Cả hai nước đều đặt mục tiêu đầy tham vọng như vậy, cho nên thiết lập mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện sẽ tạo điều kiện cho cả hai nước hỗ trợ cho nhau được tốt hơn.

    Đặc biệt như chúng ta thấy thủ tướng Phạm Minh Chính đã tổng kết lại việc nâng cấp quan hệ từ Đối tác Chiến lược lên Đối tác Chiến lược Toàn diện ở 6 “hơn” : tin cậy hơn về mặt chính trị, hợp tác sâu sắc hơn, hợp tác mạnh mẽ hơn, hợp tác thực chất hơn và gắn kết hơn. Tất cả những cái đó cho thấy sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên.

    Cho tới nay, mặc dù Việt Nam đã thiết lập Đối tác Chiến lược Toàn diện với cả 7 nước, bao gồm cả Úc, nhưng qua nghiên cứu, theo dõi của tôi thì tôi cho rằng mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam và Úc sẽ thực chất và toàn diện đúng với nghĩa so với một số mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện khác của Việt Nam.

    RFI : Việt Nam và Úc đều mong đợi nâng cấp từ năm 2023, nhân kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Vậy mối quan hệ song phương được phát triển như thế nào trong suốt nửa thế kỷ qua ?

    TS Nguyễn Hồng Hải : Như tôi vừa nói, khi chiến tranh Việt Nam còn chưa kết thúc, Úc đã mạnh mẽ và sẵn sàng, dũng cảm - tôi hay dùng là “quyết định một cách dũng cảm” của các nhà chính trị, các nhà ngoại giao của cả hai bên - phải thừa nhận như vậy - tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 26/02/1973.

    Trong suốt 50 năm, từ cựu thù, theo từng bước, hai nước tiến tới mối quan hệ thực sự tin cậy, chiến lược : từ cựu thù chuyển sang bạn bè, đối tác, đối tác toàn diện, đối tác chiến lược và bây giờ là đối tác chiến lược toàn diện. Không dễ dàng thấy được một mối quan hệ nào lại phát triển nhanh như vậy, và tôi nghĩ rằng không chỉ có ý nghĩa song phương mà còn ảnh hưởng đến cả khu vực. Mối quan hệ đó phát triển theo toàn bộ chiều rộng và chiều sâu, từ kinh tế đến giáo dục, quốc phòng, an ninh, thương mại và đầu tư. Tất cả những mục tiêu mà hai nước đặt ra trong từng giai đoạn của sự phát triển quan hệ ngoại giao đều đạt được cả.

    Ví dụ trước khi hai nước thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác kinh tế của hai nước cũng đã phát triển nhưng chưa phải là những đối tác hàng đầu với nhau. Tôi nhớ là năm 2017, Việt Nam là đối tác thương mại đứng thứ 15 của Úc. Còn với Úc, Việt Nam là đối tác thương mại đứng thứ 12 hoặc 13. Nhưng khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2018, cả hai nước đặt mục tiêu sớm trở thành 1 trong 10 đối tác hàng đầu của nhau. Thậm chí là một năm sau đó, Úc đã trở thành đối tác lớn thứ 10 của Việt Nam. Còn Việt Nam đương nhiên chậm hơn một chút. Đến năm 2023, lần đầu tiên hai nước đã trở thành 1 trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của nhau : Việt Nam là đối tác lớn thứ 10 của Úc, Úc là đối tác lớn thứ 7 của Việt Nam.

    Đọc thêm : Những kỳ vọng về quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện" giữa Việt Nam và Úc

    Hơn nữa, hai nước đã thiết lập những cơ chế hợp tác ở tất cả các lĩnh vực, kể cả trong lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, an ninh, chính trị. Ví dụ hai nước đã thiết lập cơ chế hội nghị bộ trưởng Ngoại Giao thường niên từ năm 2018, hội nghị bộ trưởng Quốc Phòng thường niên, hội nghị đối thoại chiến lược quốc phòng thường niên cấp thứ trưởng. Vừa qua, khi nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, lần đầu tiên hai nước cũng đã tổ chức hội nghị bộ trưởng Thương Mại thường niên lần thứ nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng cường hợp tác kinh tế và đầu tư.

    Nhìn vào đối ngoại của Việt Nam với các nước phương Tây, khó có một mối quan hệ đối tác nào mà thiết lập các cơ chế toàn diện đến như vậy và có sự tin cậy cao đến như vậy. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến cụm từ “tin cậy thực sự” : Hai chế độ chính trị khác nhau, hai hệ thống chính trị khác nhau, lại vốn là cựu thù của nhau nhưng hai nước đã vượt qua tất cả những khó khăn của quá khứ, tất cả rào cản kể cả về mặt ý thức hệ để tiến tới mối quan hệ chặt chẽ, cao nhất như vậy. Tôi nghĩ là phải nói đến lòng dũng cảm, lòng tin cậy một cách thực sự đối với nhau. Tôi vẫn luôn nói là ở Việt Nam khó tìm được một đối tác phương Tây nào thân thiện và tốt như là Úc với Việt Nam.

    RFI :Trong ngày khai mạc thượng đỉnh ASEAN-Úc, ngoại trưởng Penny Wong thông báo tài trợ 64 triệu đô la Úc cho vấn đề an ninh hàng hải ở Biển Đông, cũng như sông Mêkông. Dù không nêu chi tiết nhưng bà ca ngợi nỗ lực “xác định lãnh hải” của bốn nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia. Vậy Úc có thể hỗ trợ Việt Nam như thế nào trong vấn đề an ninh hàng hải, bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông ?

    TS Nguyễn Hồng Hải : Khoản tài trợ này dành cho chương trình “Sáng kiến đối tác hàng hải Đông Nam Á của Úc” (Australia’s Southest Asia Maritime Partnerships Initiatives). Mục tiêu là nhằm tăng cường sự hỗ trợ của Úc trong việc nâng cao năng lực hàng hải và tăng cường việc bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực. Chúng ta hiểu rằng khoản tài trợ này không dành riêng cho một đối tác cụ thể nào, tức là các nước trong khu vực đó đều có thể được thụ hưởng và tham gia vào sáng kiến đó. Đương nhiên Việt Nam nằm trong Đông Nam Á, bây giờ có thể coi là một trong những thành viên chủ chốt trong ASEAN, cũng sẽ được hưởng lợi từ sáng kiến này.

    Chúng ta thấy là còn thiếu thông tin để xác định ưu tiên cụ thể của việc hỗ trợ của Úc đối với sáng kiến này. Ví dụ có thể diễn giải rằng Úc sẽ hỗ trợ việc nâng cao năng lực chấp pháp biển có được không ? Hoặc là hỗ trợ các nước trong việc thăm dò khai thác tài nguyên biển có được không ? Tuy nhiên, bộ trưởng Ngoại Giao Penny Wong thông báo sáng kiến này trong bối cảnh, theo phát biểu của bà, là Úc đang hợp tác với ASEAN để nâng cao khả năng đối kháng. Tôi dùng cụm từ “đối kháng”, ở đây rõ ràng là đối kháng hành động cưỡng ép để đảm bảo các tuyến hàng hải phục vụ lợi ích chung và luôn rộng mở, đi lại dễ dàng.

    Đồng thời, theo bà, sự hợp tác này sẽ góp phần vào an ninh, thịnh vượng và quản lý hoạt động hàng hải trong khu vực. Đặt trong bối cảnh như thế, rõ ràng là sáng kiến này của Úc sẽ tập trung hỗ trợ cả về vật chất và đào tạo nhằm nâng cao năng lực chấp pháp trên biển, xây dựng và phát triển hệ thống thông tin, chia sẻ thông tin để quản lý hoạt động hàng hải và ứng phó với những thách thức trên biển.

    Đọc thêm : Hợp tác an ninh hàng hải giữa Úc với Việt Nam sẽ “không phô trương” như với Philippines

    Chúng ta biết rằng là Việt Nam và Úc lâu nay cũng có sự hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, đặc biệt là hai bên đã có những cơ chế hợp tác ổn định. Nhưng sự hợp tác hàng hải cụ thể là nâng cao năng lực chấp pháp biển thì giữa hai bên chưa có. Nếu đọc tuyên bố chung, chúng ta cũng thấy rằng trong đó nhấn mạnh đến việc tăng cường hợp tác an ninh hàng hải - đây cũng là điều rất mới - tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý hàng hải giữa hai nước, bao gồm cả vấn đề về chia sẻ thông tin tình báo và quản lý bền vững tài nguyên biển, chống đánh bắt cá trái phép.

    Như vậy, có thể thấy rằng Úc có thể sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng cường an ninh hàng hải, trong khuôn khổ sáng kiến về hợp tác hàng hải Đông Nam Á nói ở trên và hợp tác cả trong khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện mới được nâng cấp. Tôi cho rằng Việt Nam và Úc đều là hai quốc gia biển, cả hai nước đều đặt mục tiêu là phát triển, mạnh vì biển, nên chắc chắn là hai nước không có lý do gì không phát triển mạnh vì biển và trở thành cường quốc biển.

    Tôi mong đợi rằng sự hợp tác giữa Việt Nam và Úc trong thời gian tới, đặc biệt là trong khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện mới được nâng cấp này, sẽ mở rộng ra các hoạt động huấn luyện và tuần tra hải quân chung. Hy vọng rằng chúng ta sẽ chứng kiến các tàu hải quân của Việt Nam có thể sẽ viếng thăm Úc và giao lưu với lực lượng hải quân hoàng gia Úc, thậm chí là thường xuyên hơn. Hiện nay chúng ta mới chỉ thấy tàu chiến Úc đến thăm các cảng biển của Việt Nam, chứ chưa có chiều ngược lại. Tôi hy vọng trong thời gian tới có sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa lực lượng hải quân hai nước.

    RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải.

  • Chưa đầy hai năm, Việt Nam lại tìm chủ tịch nước lần thứ ba. Ông Võ Văn Thưởng, người được ông Nguyễn Phú Trọng che chở, không thoát khỏi chiến dịch “đốt lò” dù trước đó ông đã được tổng bí thư “cứu” một lần. Trái với người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc, ông Võ Văn Thưởng ra đi với những lời chỉ trích gay gắt của Đảng : Những vi phạm, khuyết điểm của ông “đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân”.

    Tại sao lần này ông Thưởng không qua được cửa ải ? Một trong những lý do gián tiếp có lẽ là tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng. Tổng bí thư dường như bị những người giúp ông làm trong sạch bộ máy đảng tiếm quyền. Trên đây là một trong những nhận định của giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM) trong buổi phỏng vấn với RFI Tiếng Việt ngày 21/03/2024.

    RFI : Ông Võ Văn Thưởng là chủ tịch nước thứ hai phải từ chức trong vòng hơn một năm. Đây là chuyện vô cùng hiếm trong lịch sử Việt Nam. Nên hiểu hiện tượng này như thế nào ?

    Benoît de Tréglodé : Trước hết phải nói rằng đây là một sự kiện có nhiều ý nghĩa. Ông Võ Văn Thưởng, người thân cận và được tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng che chở, đã được vạch cho một sự nghiệp xán lạn từ năm ngoái (2023). Mọi người đều cho rằng ông sẽ nắm giữ những vị trí quan trọng, kể cả chức tổng bí thư Đảng thay ông Nguyễn Phú Trọng vào thời điểm thích hợp. Ông Thưởng có cả một quá trình công tác, một sự nghiệp hoàn toàn phù hợp với những gì mà ông Trọng trông đợi ở một nhà lãnh đạo cấp cao cho Nhà nước Việt Nam. Vậy mà bỗng dưng ông Thưởng “ngã ngựa”, lại vào lúc chưa đầy hai năm nữa là tới kỳ Đại hội Đảng.

    Vậy có thể rút ra những bài học gì từ sự kiện này ? Trước mắt, tôi thấy được ba bài học. Thứ nhất, kể cả người được ông Trọng bảo vệ cũng “ngã ngựa”, có nghĩa là ông Trọng không còn mạnh như trước đây, cho nên các đối thủ của ông tự cho phép đánh bật ông Võ Văn Thưởng. Vì vậy, bài học rút ra, đó là chủ tịch nước bị buộc thôi chức cũng đồng nghĩa với việc ông Nguyễn Phú Trọng không còn đủ khả năng ngăn cản việc này. Nên nhớ là cách đây ít lâu, đích thân ông Trọng đã can thiệp vào bộ máy Nhà nước để bảo vệ ông Võ Văn Thưởng vì một vài rắc rối liên quan đến gia đình. Nhìn từ khía cạnh này thì đây là một điểm rất đáng quan tâm.

    Yếu tố thứ hai, để buộc chủ tịch nước Việt Nam từ chức, người ta lôi lại một vụ tham nhũng từ cách đây 12 năm khi ông Võ Văn Thưởng làm bí thư tỉnh Quảng Ngãi. Hậu quả vụ tham nhũng bất ngờ ập xuống sau 12 năm. Cho nên, có thể thấy đây chỉ là một cái cớ chính trị để hạ gục một người hiện trở thành mối nguy hiểm cho những mục tiêu và tham vọng của một số người khác.

    Điểm thứ ba, tôi cho là vô cùng quan trọng, đó là những chiến dịch chống tham nhũng đang dần thoát khỏi tầm kiểm soát của ông Nguyễn Phú Trọng trong khi ông vốn là một trong những người đấu tranh mạnh mẽ chống tệ nạn này ngay từ nhiệm kỳ đầu vào năm 2011. Hiện giờ, chiến dịch chống tham nhũng được điều hành trực tiếp từ bộ Công An, dưới trướng ông Tô Lâm và bộ trưởng Công An gần như là chỉ huy chính những chiến dịch này. Trước đây, ông Tô Lâm luôn phải đối phó với ảnh hưởng rất mạnh của ông Nguyễn Phú Trọng.

    Đây là ba bài học từ việc chủ tịch nước bị lật đổ mà theo tôi, mang đầy tính chính trị và tình thế.

    Đọc thêm : Thanh trừng chống tham nhũng : Ban lãnh đạo Việt Nam sẽ nghiêng về Trung Quốc nhiều hơn?RFI : Với tư cách là một nhà nghiên cứu, quan sát nước ngoài, ông nhận định như thế nào về việc hai chủ tịch nước bị buộc từ chức chỉ trong hơn một năm ?

    Benoît de Tréglodé : Trước tiên phải nói là tôi không quá bất ngờ. Đúng là cách đây vài tháng, thậm chí là vài tuần, nhiều nhà quan sát về tình hình chính trị Việt Nam, cũng như nhiều người Việt mà tôi vẫn trao đổi, đều tin vào tương lai sự nghiệp của ông Võ Văn Thưởng. Vậy mà ông bất ngờ bị hạ bệ, một cách khá tàn bạo.

    Đối với tôi, nếu nhìn vào ba bài học đã đề cập ở trên thì thời thế đã thay đổi và cuộc chiến thừa kế trong Đảng đã bắt đầu. Có thể là một số người trong vòng quyền lực thứ nhất biết được tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng và tự cho phép khơi mào cuộc chiến hay còn gọi là cuộc đấu tranh nội bộ để giữ những vị trí cao nhất trong bộ máy Nhà nước Việt Nam. Có nghĩa là cuộc tranh giành kế thừa ông Trọng đã được phát động. Nếu tình trạng sức khỏe của tổng bí thư Đảng không suy yếu như hiện nay thì chuyện lẽ ra phải xảy ra trong năm 2025 thì lại đến sớm hơn, ngay từ bây giờ. Cuộc chiến kế thừa sẽ không chờ đến tháng 01/2026 vào kỳ Đại hội Đảng sắp tới.

    Một điểm khác cần lưu ý, khi tổng bí thư Đảng nắm giữ chức trưởng tiểu ban nhân sự, ông Nguyễn Phú Trọng cho phần còn lại của giới lãnh đạo thấy rằng ông chưa tìm được người kế nhiệm rõ ràng. Ông cho thấy là vẫn muốn có ảnh hưởng đến việc chọn người kế nhiệm. Tuy nhiên, hiện giờ, việc ông Võ Văn Thưởng bị loại cho thấy ông Trọng không còn ảnh hưởng đến việc bổ nhiệm người kế nhiệm tương lai.

    Tại sao chiến dịch chống tham nhũng, không biết lần thứ bao nhiêu, dường như lại loại bỏ chính người được ông Trọng bảo vệ ? Tại sao lại viện đến cái cớ cũ rích là một vụ tham nhũng ở tỉnh Quảng Ngãi cách đây 12 năm để loại ông Thưởng ? Đối với tôi, rõ ràng sự kiện này cho thấy khởi đầu của một cuộc đấu đá nội bộ giành quyền kế vị giữa các phe phái đang chi phối quyền lực Nhà nước Việt Nam.

    Đọc thêm : Chủ tịch nước từ chức: Lo ngại bất ổn chính trị ảnh hưởng đến kinh tế Việt NamRFI : Việc thay đổi một vị trí trong "Tứ trụ" trong khoảng thời gian ngắn như vậy sẽ tác động như nào đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế ?

    Benoît de Tréglodé : Trong số 18 ủy viên Bộ Chính Trị, thực ra, theo tôi hiểu giờ còn 14, nếu căn cứ vào điều lệ Đảng để có thể được bầu vào vị trí tổng bí thư, thì có lẽ chỉ còn 4 ứng cử viên có thể đủ điều kiện. Có thể thấy là có sự thắt chặt và thay đổi khá rõ ràng.

    Liên quan hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, tôi cho là tác động sẽ ở mức vừa phải trong thời gian đầu. Tất cả các nhà quan sát, kể cả thuộc các tổ chức công hay tư đều biết rằng bộ máy chính trị Nhà nước sẽ có biến động trước kỳ Đại hội Đảng tới. Dĩ nhiên, chuyện lại xảy ra sớm hơn dự kiến vì như tôi nói, điều được cho là có thể xảy ra vào năm 2025 lại xảy ra ngay năm 2024. Nhưng giới quan sát đã đoán được chuyện đó.

    Tuy nhiên, những xáo trộn trong nội bộ không có nghĩa là bộ máy Nhà nước Việt Nam sụp đổ, mà ngược lại, lại được củng cố. Đây chỉ là cuộc tranh giành những vị trí trống và để biết được thực sự rằng liệu nhân vật quyền lực hiện nay - tôi nghĩ chủ yếu đến bộ trưởng Công An - có đạt được mục tiêu của ông trong khuôn khổ tái cơ cấu các vị trí quyền lực đứng đầu Đảng hay không, nếu thực sự là sức khỏe của tổng bí thư tiếp tục suy yếu.

    Theo tôi, hình ảnh của Việt Nam sẽ bị tác động vừa phải bởi vì điều quan trọng là tăng trưởng của Việt Nam, đúng là thấp hơn một chút so với mong đợi nhưng vẫn ở mức đáng ngạc nhiên. Nền kinh tế Việt Nam được lợi rất nhiều từ các chính sách giảm thiểu rủi ro với Trung Quốc. Tôi tin chắc là các chuyên gia về rủi ro chính trị của những đại tập đoàn, những nhà đầu tư nước ngoài lớn không thấy mầm mống bất ổn trong nước cho nên tác động kinh tế từ những biến cố chính trị sẽ ở mức vừa phải.

    RFI : Việt Nam luôn ca ngợi và lấy “sự ổn định chính trị” làm lý do thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, chuyện hai chủ tịch nước lần lượt phải từ chức có đi ngược lại với khẳng định này không ?

    Benoît de Tréglodé : Trước tiên, quyết định tước chức vụ chủ tịch nước của ông Thưởng không phải được đưa ra trong hỗn loạn hay bất cẩn. Chúng ta biết là trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng, ông Lê Hoài Trung, đã thăm Trung Quốc trong hai ngày 18-19/03. Tại tỉnh Cát Lâm, ông hội đàm với ông Lưu Kiến Siêu, trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc. Đây là người đối thoại của đảng Cộng Sản Việt Nam trong trường hợp cần trao đổi với nước láng giềng. Có thể hình dung là vấn đề cách chức chủ tịch nước Việt Nam đã được bàn thảo ở Cát Lâm ngay hôm 18/03.

    Giữa Trung Quốc và các nước láng giềng có một truyền thống chính trị, đó là đề cập, trao đổi các vấn đề chính trị quan trọng. Đây hoàn toàn không phải là chuyện giới hạn chủ quyền. Cuộc gặp hôm thứ Hai (18/03) ở Cát Lâm có ý nghĩa quan trọng, cho thấy là các nhà lãnh đạo Việt Nam biết là họ đi về đâu. Quyết định không được đưa ra trong hoảng loạn mà được tham vấn kỹ càng. Quyết định đó hướng tới một mục tiêu đã xác định, đó là cân nhắc đến việc tổ chức lại các vị trí lãnh đạo, có thể sẽ được thực hiện trước dịp Đại hội Đảng lần tới vào năm 2026.

    Sự ổn định này là mục tiêu trước tiên của tầng lớp chính trị Việt Nam. Họ biết tăng trưởng kinh tế là mục tiêu đầu tiên của đảng Cộng Sản. Họ biết đất nước giầu mạnh là một dữ liệu căn bản để tạo ra sự ổn định về kinh tế, xã hội của đất nước. Mục tiêu này sẽ không bị ảnh hưởng vì chủ tịch nước đột ngột từ chức.

    Đọc thêm : Cải tổ chính trị để không bỏ lỡ cơ hội thành nước giàu, Việt Nam có dám ?RFI : Liệu sắp tới chuyện gì có thể xảy ra ?

    Benoît de Tréglodé : Chuyện này phức tạp, đó là điều mà giới chuyên gia về vấn đề chính trị ở Việt Nam thường mượn từ “Criminologie”, tức một kiểu “tin đồn, tin nói hớ” để hiểu được chuyện sẽ xảy ra như nào. Tôi là một nhà nghiên cứu về Việt Nam đương đại, tôi không nằm trong nội bộ guồng máy quyền lực Việt Nam nên dĩ nhiên đối với tôi, tất cả những đồn đại này chỉ là các giả thuyết.

    Một trong những giả thuyết, đó là sẽ chọn ra được một ứng viên thay thế ông Võ Văn Thưởng từ nay đến tháng Năm. Nhưng nhiều nhà quan sát nghi ngờ là liệu quyền chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân có giữ luôn thêm một thời gian chức vụ này hay không.

    Ngoài ra cũng có giả thuyết là gộp hai chức chủ tịch nước và tổng bí thư, như ông Nguyễn Phú Trọng đã giữ từ 2018 đến 2021, chuyện này cũng có thể xảy ra. Đúng là một số người có thể nghĩ rằng ông Trọng sẽ kiêm nhiệm hai chức vụ nhưng tôi cho rằng một trong những lý do lật ông Võ Văn Thưởng có thể là do sức khỏe của ông Trọng xấu đi, dù chúng ta không có bất kỳ thông tin y tế nào để nắm rõ. Trong trường hợp này, ông Trọng có lẽ không đủ sức khỏe để giữ cả hai vị trí về lâu dài.

    Trong số những ứng viên được nêu lên, người ta cũng nhắc đến nhân vật quyền lực hiện nay ở Việt Nam là bộ trưởng Công An có thể cũng muốn kiêm nhiệm cả hai chức tổng bí thư và chủ tịch nước. Đừng quên là ông Tô Lâm đã từ chối nếu chỉ giữ một mình chức chủ tịch nước. Nhìn vào ảnh hưởng của ông trong bộ máy Nhà nước, điều quan trọng đầu tiên đối với ông Tô Lâm, có lẽ là phải tìm ra được người kế nhiệm. Đã có một vài tên tuổi và có một người thân cận mà ông muốn giao trọng trách đứng đầu bộ Công An. Vị trí này có tầm quan trọng đối với ông Tô Lâm bởi vì phải để những chiến dịch chống tham nhũng trong tương lai không “động” đến ông ấy. Cho nên ông Tô Lâm thực sự cần đến một trợ thủ đắc lực, sau đó để ông có thể rảnh rang giữ chức vụ mà ông có nhiều khả năng sẽ được giao. Nhưng đó chỉ là những giả thuyết !

    Điều chắc chắn là ông Tô Lâm hiện là nhân vật trung tâm của công tác bổ nhiệm các lãnh đạo lớn sắp tới của bộ máy Nhà nước Việt Nam nên ông ấy sẽ cân nhắc và tính toán. Và có thể nói chắc chắn chính ông đã khéo léo can thiệp đến chuyện xảy ra hôm nay (21/03) với sự từ chức bất ngờ của chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

    RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).

  • Trong lúc tình hình tại Biển Đông vẫn chưa lắng dịu, thì một vùng biển khác, Vịnh Bắc Bộ, phải chăng đang có nguy cơ trở thành một điểm nóng thứ hai giữa Việt Nam và Trung Quốc? Ngày 01/03/2024, Trung Quốc đã chính thức công bố đường cơ sở mới nêu rõ yêu sách lãnh thổ của họ ở phía bắc Vịnh Bắc Bộ, khu vực chung với Việt Nam.

    Thông báo trên trang mạng của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nêu lên 7 điểm cơ bản mà khi được kết nối sẽ tạo thành đường cơ sở cho các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Vịnh Bắc Bộ. Thông báo đó đã làm dấy lên nhiều lo ngại về ý đồ của Bắc Kinh đối với vùng biển mà hai nước đã phân định ranh giới sau rất nhiều đàm phán.

    Nhiều ngày sau khi đường cơ sở mới được phía Trung Quốc công bố, Việt Nam mới lên tiếng vào ngày 14/03, qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Phạm Thu Hằng. Hà Nội đề nghị Trung Quốc “tôn trọng và tuân thủ hiệp định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ ký năm 2000, cũng như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982".

    Đường cơ sở là đường ranh giới phía trong của lãnh hải và là ranh giới phía ngoài của nội thủy, do nước ven biển quy định trên cơ sở Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

    Theo Công ước này, các quốc gia ven biển được hưởng lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa kéo dài tới 350 hải lý. Tuy nhiên, Vịnh Bắc Bộ, một vịnh nửa kín, bao quanh là Trung Hoa lục địa, Việt Nam và đảo Hải Nam của Trung Quốc, có chiều rộng tối đa không quá 180 hải lý. Cho nên có sự chồng chéo hoàn toàn về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của cả hai quốc gia trong vùng Vịnh, nếu chiếu theo Công ước UNCLOS

    Vào năm 2000, Trung Quốc và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận vạch ra ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở Vịnh Bắc Bộ. Cả hai bên đều coi thỏa thuận này là "công bằng", đánh dấu ranh giới trên biển đầu tiên của Trung Quốc. Nhưng dù đã đạt thỏa thuận này, tranh chấp vẫn tiếp diễn do vẫn văn bản chưa phân định rõ ranh giới hướng ra biển.

    Trả lời RFI Việt ngữ, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Sài Gòn nhận định đường cơ sở mới mà Trung Quốc vừa công bố là "chưa thuyết phục":

    " Về Vịnh Bắc Bộ thì Việt Nam và Trung Quốc đã trải qua rất nhiều cuộc đàm phán và cuối cùng đã ký Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ, gọi đầy đủ hơn là "Hiệp định Phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tại Vịnh Bắc Bộ". Hiệp định được ký kết năm 2000 và có hiệu lực từ năm 2004, nay đã tròn 20 năm. Trước đó thì đương nhiên là Trung Quốc chưa bao giờ công bố đường cơ sở trong khu vực Vịnh Bắc Bộ, vì đây là vùng vốn có tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc. Cho nên có thể nói đây là lần đầu tiên Trung Quốc công bố một đường cơ sở trong khu vực Vịnh Bắc Bộ.

    Trung Quốc sử dụng phương pháp "đường cơ sở thẳng" đối với cả đường cơ sở trong Vịnh Bắc Bộ. Điều này có lẽ là chưa thuyết phục được nhiều người. Thứ nhất, Công ước về Luật Biển có quy định rằng ở những nơi mà vùng biển khúc khuỷu, lồi lỏm thì có thể áp dụng phương pháp "đường cơ sở thẳng". Trong trường hợp này thì khu vực của Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bắc Bộ không phải là một khu vực khúc khuỷu lồi lỏm. Cho nên việc Trung Quốc áp dụng "đường cơ sở thẳng" là chưa hẳn thuyết phục. Điểm thứ hai là một số điểm cơ sở của Trung Quốc trong đường cơ sở thẳng này quá xa bờ và điều này làm dấy lên lo ngại là Trung Quốc không tuân thủ đúng Công ước về Luật Biển khi công bố đường cơ sở ở Vịnh Bắc Bộ."

    Bắc Kinh đã từng nói là những tranh chấp đó sẽ được giải quyết thông qua một quy trình phân định mới, nhưng chưa ai hiểu lý do vì sao Trung Quốc lại công bố đường cơ sở mới vào thời điểm này. Để trấn an Hà Nội, bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định đường cơ sở mới được vạch ra “sẽ không tác động tiêu cực đến lợi ích của Việt Nam hay của bất kỳ quốc gia nào khác”, mà trái lại, “sẽ thúc đẩy hợp tác hàng hải quốc tế giữa Trung Quốc và các nước liên quan và đóng góp vào sự phát triển chung của hàng hải toàn cầu”.

    Nhưng trong tuyên bố ngày 14/03, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã chỉ trích việc chính phủ Trung Quốc đưa ra 7 "điểm cơ sở" khi nối với nhau tạo thành một đường cơ sở mới nhằm tuyên bố "lãnh hải" ở Vịnh Bắc Bộ. Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao, "các điểm này không tồn tại trong 49 điểm cơ sở mà Trung Quốc công bố ngày 15/5/1996 để tính chiều rộng lãnh hải từ Hải Nam tới Thanh Đảo".

    Bà Hằng cho biết Việt Nam "đã và sẽ tiếp tục trao đổi quan điểm với Trung Quốc về vấn đề này trên tinh thần hữu nghị, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau".

    Nhà nghiên cứu Hoàng Việt nhận định về những phản ứng nói trên của Việt Nam:

    "Đây là tuyên bố thường thấy của Việt Nam. Có lẻ vì thấy dư luận đang thắc mắc và có những ý kiến lo ngại về đường cơ sở mới của Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ, nên Việt Nam buộc phải lên tiếng. Phát biểu này không có gì mới hơn so với những gì mà Việt Nam và Trung Quốc đã cam kết thực hiện. Việt Nam vẫn luôn kêu gọi Trung Quốc phải tuân thủ Công ước về Luật Biển 1982.

    Nhưng như đã nói ở trên, đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc công bố có lẽ có một số điểm chưa phù hợp với tinh thần Công ước về Luật Biển. So với đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc công bố năm 1996, thì đường cơ sở mới bao trọn eo biển Quỳnh Châu, hay còn gọi là eo biển Hải Nam nằm trong nội thủy của Trung Quốc. Cái này cũng không phải là mới, vì trước đây, từ năm 1958, đến năm 1992 và đến khi công bố đường cơ sở năm 1996, Trung Quốc cũng đã từng tuyên bố eo biển Quỳnh Châu nằm trong nội thủy Trung Quốc.

    Năm 1996, Trung Quốc đã từng tuyên bố đường cơ sở có hai hệ thống, một hệ thống nằm trong thềm lục địa của Trung Quốc và kéo dài đến đảo Hải Nam, hệ thống thứ hai là đường cơ sở thẳng bao quanh quần đảo Hoàng Sa. Năm đó thì Việt Nam đã ra tuyên bố phản đối với hệ thống đường cơ sở thẳng bao quanh Hoàng Sa, vì nó không hoàn toàn phù hợp với Công ước về Luật Biển năm 1982. Tuyên bố của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao cũng đã nhắc lại phản đối này."

    Shashank S. Patel, một nhà phân tích địa chính trị theo dõi sát các hoạt động ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhận định với EurAsian Times: “Việc công bố một đường cơ sở mới có vẻ quá đáng trên bản đồ sẽ tác động sâu hơn đến vùng đặc quyền kinh tế và vùng tiếp giáp lãnh hải của Việt Nam, nơi cung cấp các vùng đánh cá chính cho Trung Quốc.”

    Ông nói: “Việc đơn phương phân định đường cơ sở mới của Trung Quốc là một nỗ lực nhằm hạn chế các yêu sách của Hà Nội đối với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các vùng nước sâu. Khu vực nằm trong đường cơ sở mới của Trung Quốc chiếm hơn 60% diện tích, vi phạm trắng trợn Công ước UNCLOS. Hy vọng Việt Nam không để vấn đề này leo thang lên mức cao nhất, nhưng nếu không làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến quyền đánh bắt cá, chuỗi cung ứng và tuyến đường biển của Việt Nam trong thời gian tới”.

    Nhưng đối với nhà nghiên cứu Hoàng Việt, đường cơ sở mới mà Trung Quốc vừa công bố không làm thay đổi những gì đã được phân định giữa hai nước:

    "Với câu hỏi nó có tác động gì hay không thì tôi trả lời là không, bởi vì hai bên đã ký kết Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ từ năm 2000, có hiệu lực từ 2004, tức là 20 năm rồi. Dù Trung Quốc có vẽ đường cơ sở nào đi chăng nữa thì nó cũng không làm thay đổi sự phân định giữa hai bên theo hiệp định năm 2000. Tôi đã đọc một số ý kiến cho là Trung Quốc có mưu đồ lấn chiếm, nhưng tôi nghĩ Trung Quốc không thể lấn chiếm được khi Vịnh Bắc Bộ đã được phân định rõ ràng rồi

    Hiệp định đã phân định xong rồi. Trung Quốc có quyền tuyên bố một đường cơ sở trong khu vực của họ. Và ngược lại, Việt Nam cũng có quyền tuyên bố một đường cơ sở trong phần của Việt Nam ở Vịnh Bắc Bộ. Hiện nay, ngoài đường cơ sở thẳng mà Việt Nam tuyên bố tháng 11/1982, cũng cần phải tuyên bố thêm, như nhắc nhở của một số người trước đây, vì đường cơ sở thẳng của Việt Nam chưa được khép kín, khi còn bỏ trống một điểm cơ sở ở khu vực trong Vịnh Thái Lan vào khu vực Vịnh Bắc Bộ. Hai nơi này chưa được phân định.

    Khu vực Vịnh Bắc Bộ đã phân định từ rất lâu mà Việt Nam vẫn chưa công bố một đường cơ sở trong vùng biển này. Nếu hỏi hai bên có thể đàm phán lại được hay không, thì câu trả lời là “không thể”, bởi vì hai bên đã đàm phán xong rồi và đàm phán đã rất là khó khăn, và muốn thay đổi gì thì phải có sự đồng ý của hai bên. Một điều khoản trong Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ nói rõ như vậy. Tôi nghĩ rằng khả năng thay đổi rất khó vì Việt Nam không muốn thay đổi, mà Trung Quốc chắc cũng không muốn thay đổi. Điều này cho thấy là Việt Nam cũng phải sớm tuyên bố một đường cơ sở ở Vịnh Bắc Bộ trong khu vực của Việt Nam để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở vùng biển này.".

    Nhưng nhìn vấn đề xa hơn, trên trang mạng EurAsian Times, nhà phân tích Patel nhấn mạnh: "Đường cơ sở mới có thể cản trở quyền tự do hàng hải, nghiên cứu khoa học, lắp đặt cáp và đường ống cũng như các nỗ lực cải tạo đảo". Patel lưu ý: “Nếu Việt Nam, theo đường lối của Philippines, đưa vấn đề ra Tòa Trọng tài Thường trực, Trung Quốc sẽ lại bác bỏ phán quyết, cho rằng phán quyết đó bất hợp pháp và vô hiệu.”

  • Việt Nam và Úc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện ngày 07/03/2024 đưa Úc trở thành một trong 7 đối tác quan trọng nhất của Việt Nam. Quốc phòng và an ninh nằm trong số những lĩnh vực được tăng cường hợp tác trong khuôn khổ thỏa thuận mới.

    Đối với Úc, Việt Nam trở thành cửa ngõ để dấn sâu vào khu vực Đông Nam Á lục địa trong bối cảnh Canberra xoay trục sang ASEAN. Còn Việt Nam có thể đặt « niềm tin », trông cậy vào việc « Úc ủng hộ thượng tôn pháp luật quốc tế ở khu vực và giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982 », theo phát biểu của thủ tướng Phạm Minh Chính.

    Tuy nhiên, hợp tác an ninh quốc phòng song phương sẽ « không phô trương » như hợp tác giữa Úc và Philippines, đặc biệt tại Biển Đông. Đây là một trong những nhận định trong buổi phỏng vấn với RFI Tiếng Việt của nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, chuyên về an ninh hàng hải và các vấn đề hải quân, Đại học New South Wales, Canberra, Úc.

    RFI : Việt Nam và Úc tổ chức cuộc họp cấp thứ trưởng về hợp tác an ninh lần thứ 3 vào tháng 02/2023. Mối quan hệ song phương về lĩnh vực này được hình thành và phát triển như thế nào ?

    Nguyễn Thế Phương : Đặt trong bối cảnh 50 quan hệ song phương, mối quan hệ hợp tác an ninh quốc phòng giữa Việt Nam và Úc chỉ là một mảng rất mới, và nổi bật chắc từ tầm 2019-2020, khi đó Việt Nam bắt đầu chú trọng việc tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực, đặc biệt là với các nước trung cường.

    Cho tới trước khi hai nước nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, điểm nổi bật nhất trong hợp tác an ninh quốc phòng song phương là Úc hỗ trợ Việt Nam trong các vấn đề liên quan tới gìn giữ hòa bình, thông qua hỗ trợ tài chính, huấn luyện, đặc biệt là dạy tiếng Anh cho quân nhân Việt Nam. Ngoài ra, Úc cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc di chuyển quân nhân Việt Nam tới những khu vực mà Việt Nam làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.

    Hợp tác quốc phòng giữa hai bên còn có một số điểm nhưng không đến mức nổi bật. Ví dụ, Úc cũng bán lại cho Việt Nam một số vật tư kỹ thuật để Việt Nam có thể kéo dài tuổi thọ của một số loại vũ khí thuộc hệ Mỹ và châu Âu trong biên chế của quân đội Việt Nam, bởi vì từ sau chiến tranh năm 1975, Việt Nam kế thừa rất nhiều vũ khí của Mỹ. Trong hơn 30 năm sử dụng, những vũ khí đó cũ đi và cần phải thay thế, bảo trì. Úc cũng có kinh nghiệm sử dụng vũ khí Mỹ, nên họ hỗ trợ một phần trong việc Việt Nam duy trì và bảo dưỡng một số loại vũ khí, khí tài.

    Ngoài ra, hai nước có một số hợp tác nhỏ trong an ninh hàng hải, những trao đổi, thăm viếng lẫn nhau… nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó. So với những quốc gia khác, như Ấn Độ, mảng hợp tác an ninh quốc giữa Việt Nam và Úc còn nhiều tiềm năng hợp tác trong tương lai, đặc biệt là sau khi hai nước nâng quan hệ lên hàng Đối tác Chiến lược Toàn diện.

    RFI : Sau khi nâng cấp quan hệ thì trong tương lai, hai nước có thể khai thác quan hệ hợp tác này như thế nào về mặt an ninh quốc phòng ?

    Nguyễn Thế Phương : An ninh quốc phòng là một trong những mặt hợp tác tiềm năng giữa Việt Nam và Úc trong tương lai và được đặt trên một nền tảng, đó là « niềm tin » về mặt chính trị giữa hai nước đã được thiết lập. Nhìn vào tuyên bố chung thì tăng cường « niềm tin chính trị » rất là quan trọng, bởi vì trong hợp tác an ninh quốc phòng, đặc biệt là giữa Việt Nam và các quốc gia khác, « niềm tin chính trị » đóng vai trò nút thắt rất lớn.

    Nếu có « niềm tin chính trị » và hai bên sẵn sàng cởi mở với nhau thì sẽ mở khóa những mảng an ninh quốc phòng có chiều sâu và thực chất hơn. Ví dụ, trong tương lai, cả hai bên có thể hợp tác trong công nghiệp quốc phòng. Đây là một trong những lĩnh vực mà quân đội Việt Nam đang chú trọng rất nhiều và đầu tư rất nhiều. Nếu có niềm tin thì hai bên mới có khả năng chia sẻ với nhau về công nghệ, đầu tư và những chia sẻ khác có liên quan tới vũ khí hoặc thông tin tình báo.

    Thứ hai là mở rộng hơn nữa hợp tác trong an ninh hàng hải, có thể liên quan tới huấn luyện, chia sẻ thông tin tình báo, thăm viếng lẫn nhau. Tần suất và số lượng về mảng hợp tác này giữa Việt Nam và Úc sẽ tăng lên.

    Thứ ba, Việt Nam và Úc sẽ tăng cường trao đổi quân nhân với nhau. Việt Nam sẽ cử sang học ở Úc, đặc biệt là học trong các Học viện Quốc phòng cũng như trong các trường đại học lớn có những chương trình về an ninh quốc gia có tiếng. Trước đây đã có hoạt động này nhưng sau khi tăng cường mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, Việt-Úc sẽ đẩy mạnh mảng này hơn nữa, không chỉ liên quan đến quân nhân mà cả dân sự nữa.

    Từ khoảng 2-3 năm nay, Việt Nam đã cử cán bộ cấp trung qua Úc học rất nhiều, thay vì qua Singapore hoặc Trung Quốc như ngày xưa. Đây cũng là một điểm chứng tỏ rằng nếu như có « niềm tin chính trị », thì thông qua niềm tin đó, biên giới những mặt hợp tác sẽ được mở rộng ra và đào sâu hơn rất nhiều so với trước đây khi mà « niềm tin chiến lược » chưa đủ mức độ.

    RFI : Lần đầu tiên Úc tổ chức tuần tra chung trên biển và trên không với Philippines ở Biển Đông vào tháng 11/2023. Liệu Úc có thể tiến hành tương tự với Việt Nam ?

    Nguyễn Thế Phương : Hiện tại, khả năng Úc tiến hành hoạt động tuần tra chung với Việt Nam, với quy mô và tính chất tương tự với Philippines, là không có. Bởi vì chính sách của Việt Nam hiện nay vẫn khá dè dặt trong việc tham gia các hoạt động mang tính tuần tra hoặc là tập trận chung với một lực lượng quân sự của một nước khác, ngay cả song phương giữa Việt Nam với các nước ASEAN còn chưa có. Việc Việt Nam tiến hành các hoạt động tương tự thì sẽ rất khó, ít nhất là về mặt ngắn hạn.

    Hợp tác về an ninh hàng hải và an ninh quốc phòng giữa Việt Nam và Úc nói riêng và với các quốc gia phương Tây nói chung, ngay cả Hàn Quốc và Nhật Bản, sẽ không mang tính phô trương theo kiểu Philippines, hiện tại mà chỉ mang tính « mềm » đằng sau, như huấn luyện, trao đổi thông tin. Ví dụ Úc sẽ hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, hoặc Việt Nam sẽ tham gia cùng với Úc bên trong một cơ chế mang tính đa phương. Đó là cách thức Việt Nam sẽ tiến hành những hoạt động mang tính an ninh quốc phòng với các quốc gia khác, đặc biệt là với các nước trung cường, chứ không có quy mô và mức độ như những gì mà Úc và Philippines đang làm.

    RFI : Úc tuyên bố là tương lai của Úc là nằm trong khu vực. Ổn định hàng hải trong khu vực cũng sẽ liên quan đến nước này. Vậy Canberra có thể đóng vai trò như thế nào ?

    Nguyễn Thế Phương : Việc tăng cường quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam và Úc đến từ nhu cầu nội sinh của cả hai bên. Đặc biệt là với Úc, Đông Nam Á là một khu vực trọng tâm về mặt phát triển kinh tế, cũng như là an ninh quốc phòng, bởi vì hướng đe dọa mà hiện giờ Úc lo ngại nhất vẫn là từ phía Trung Quốc.

    Ngoài khu vực Đông Nam Á, khu vực truyền thống của Úc từ trước đến nay là khu vực các đảo ở Nam Thái Bình Dương. Nhưng hiện tại, Úc bắt đầu dịch chuyển trọng tâm chiến lược của họ từ các đảo Thái Bình Dương sang khu vực Đông Nam Á. Đó là lý do tại sao mà Úc quan tâm như vậy tới khu vực. Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của Úc ở Đông Nam Á, cả về hợp tác kinh tế lẫn hợp tác về những mảng khác, như giáo dục, văn hóa, con người…

    Úc cũng mong muốn có một ảnh hưởng nhất định nào đó ở khu vực Đông Nam Á lục địa. Vì từ trước đến nay, họ quan tâm nhiều hơn tới Đông Nam Á hải đảo, ví dụ với Philippines, Malaysia, Singapore, Indonesia, bây giờ họ mong muốn mối quan hệ và sự hiện diện của Úc ở cả khu vực Đông Nam Á lục địa nữa, trong đó Việt Nam được coi là một cửa ngõ, một bản lề để Úc có thể xâm nhập sâu hơn vào Đông Nam Á lục địa. Đó là tầm nhìn tương đối chiến lược của Úc đối với Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là một mắt xích quan trọng.

    Từ việc xem Đông Nam Á như là một trọng tâm chiến lược thứ hai, Úc mong muốn có một khả năng bao quát mang tính phòng thủ với những gì mà Trung Quốc đang làm, đặc biệt là ở khu vực Biển Đông. Những chuyển động gần đây từ AUKUS, từ việc Úc bắt đầu coi Trung Quốc như là một mối đe dọa an ninh lớn, tăng cường quan hệ với các trung cường, như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc…, cho thấy tư duy của Úc hiện nay ngày càng tương đồng với Mỹ, với các quốc gia đồng minh của Mỹ, xem Trung Quốc làm một mối đe dọa lớn.

    ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cách thức Úc sẽ đối phó với quá trình trỗi dậy của Trung Quốc trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc lan ngày càng gần tới Úc hơn, đe dọa an ninh quốc gia của Úc hơn bao giờ hết từ Đông Nam Á cho tới cả vấn đề nội bộ của Úc, cũng như ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực các đảo quốc ở Thái Bình Dương. Do đó, vai trò của ASEAN sẽ rất quan trọng.

    RFI : Song song đó, chúng ta cũng thấy là Canberra đang tìm cách cải thiện quan hệ ngoại giao và thương mại với Trung Quốc, đối tác lớn của Úc. Liệu đây có phải là một điểm hạn chế trong phạm vi hoạt động hợp tác của Úc với các nước ASEAN có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc ?

    Nguyễn Thế Phương : Việc Úc cố gắng tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc sẽ không làm ảnh hưởng mối quan hệ hiện nay với ASEAN và đặc biệt, cũng sẽ không tác động lớn tới việc Úc xích lại gần Mỹ, cũng như với những dự án an ninh của Úc với Mỹ cùng các đồng minh, như AUKUS.

    Dù gì Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia có trọng lượng kinh tế lớn nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Không một quốc gia nào trong khu vực có thể loại bỏ được ảnh hưởng này của Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh Úc cũng có một chính sách không hoàn toàn tách ra khỏi Trung Quốc, ví dụ về mặt khai khoáng, hoặc những mặt hàng nông sản của Úc vẫn cần thị trường Trung Quốc.

    Cho nên việc Úc tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc một mặt giúp cho mối quan hệ giữa Úc và Trung Quốc ổn định hơn, từ đó sẽ giúp cho Úc tìm kiếm, định hình lại lợi ích của Úc với Trung Quốc. Việc đó giúp cải thiện một số yếu tố kinh tế cũng như chính trị trong nội bộ Úc. Và đó chỉ là một phần trong quá trình tái định hình chính sách của Úc và sẽ không ảnh hưởng nhiều tới mối quan hệ của Úc với ASEAN, với Việt Nam, cũng như là với các nước khác ngoài khu vực.

    RFI Tiếng Việt xin trân thành cảm ơn nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, Đại học New South Wales, Canberra, Úc.

  • Đảng và Nhà nước coi tham nhũng là "giặc nội xâm". "Công cuộc đốt lò" năm 2023 đã buộc "9 cán bộ diện Trung ương quản lý thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác" (1), trong đó có chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ba bộ trưởng liên quan đến các vụ Việt Á, “chuyến bay giải cứu” tại Cục lãnh sự, bộ Ngoại Giao. Năm 2023, số vụ phạm tội tham nhũng và chức vụ được phát hiện tăng 51,63%, theo số liệu được bộ trưởng Công An Tô Lâm công bố (2).

    Năm 2024 được đánh dấu với đại án Trương Mỹ Lan - tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị đưa ra xét xử trong hai tháng 3 và 4 liên quan đến nhiều cán bộ Nhà nước. Báo mạng Gavroche-thailande nhận định vụ Vạn Thịnh Phát, với số tiền chiếm đoạt lên tới 304.000 tỷ đồng (12,4 tỷ đô la), có lẽ là vụ tham nhũng lớn nhất trong lịch sử Đông Nam Á, vượt qua cả vụ biển thủ 4,4 tỷ đô la từ quỹ 1MDB ở Malaysia.

    Tình trạng tham nhũng và chống tham nhũng tại Việt Nam được thể hiện qua hai ý trong câu hỏi được nêu trong hội thảo ngày 18/10/2023 của Ban Nội chính Trung ương ở Hà Nội : "Chúng ta đã quyết liệt xử lý cán bộ, vì sao vẫn xảy ra nhiều vụ án tham nhũng lớn ?". Chủ trương chống tham nhũng trong năm 2024 sẽ "tiếp tục tinh thần của tổng bí thư" là "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai", với chủ trương 6 "hơn", trong đó có "năm nay phải tốt hơn năm trước".

    Đọc thêm : Việt Nam: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc buộc từ chức

    Tuy nhiên, một số nhà quan sát e rằng chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt tác động đến ổn định về kinh tế. Nhiều lãnh đạo địa phương hoặc cán bộ "ngại" ký các hợp đồng đầu tư vào cơ sở hạ tầng do sợ bị cáo buộc tham nhũng. Một số khác, được trang Gavroche trích dẫn, cho rằng các cuộc điều tra tham nhũng trong lĩnh vực tư nhân tác động đáng kể đến lòng tin của các doanh nghiệp ở Việt Nam, dẫn đến tâm lý lo ngại chung về các cuộc điều tra và giám sát của đảng Cộng sản (3).

    Một hệ quả khác của "công cuộc đốt lò" là hiện giờ, dường như ông Nguyễn Phú Trọng chưa tìm được người thay thế dù đã già yếu và giữ chức tổng bí thư ba nhiệm kỳ liên tiếp. Đây là một trong những nhận định của giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược (IRSEM), Trường Quân sự Pháp, khi trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt.

    RFI : Trong cuộc họp ngày 01/02/2024, Ban Chỉ đạo Trung ương nhấn mạnh “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực : Năm nay phải tốt hơn năm trước”. Ngay đầu năm đã có hàng loạt đại án tham nhũng. Liệu 2024 sẽ là “năm chống tham nhũng” của Việt Nam ?

    Benoît de Tréglodé : Trước tiên, việc gia tăng chống tham nhũng ở Việt Nam cho thấy một điều, đó là cuộc chiến kế thừa vị trí của ông Nguyễn Phú Trọng giờ đã được khởi động. Thường thì cuộc đua diễn ra vào năm trước kỳ Đại hội Đảng, giờ còn đến hai năm nữa, nhưng điều này diễn ra trong bối cảnh tình trạng sức khỏe khó lường của tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như những tin đồn về sức khỏe của ông.

    Năm trước mỗi kỳ Đại hội Đảng, thay đổi thành phần lãnh đạo Nhà nước, là năm đầy những chiến dịch chống tham nhũng. Cũng cần biết là khi chính quyền Việt Nam tung một chiến dịch chống tham nhũng thì ẩn sau những phát biểu tốt đẹp thường còn có ý đồ làm mất uy tín hoặc bỏ tù những nhân vật chủ chốt của phe cạnh tranh chính trị.

    Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 14 dự kiến tổ chức tháng 01/2026. Hiện có nhiều thắc mắc về tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng, cho nên, nếu nhìn từ khía cạnh này thì chiến dịch chống tham nhũng rầm rộ hiện nay là chuyện bình thường. Nhưng để hiểu thực sự về việc tăng cường mạnh mẽ chiến dịch này, câu hỏi đặt ra : Ai là người kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng ?

    Đọc thêm : Việt Nam Đại hội XIII: Tận dụng triệt để "thành công" trong năm 2020 để duy trì tính chính đáng của Đảng

    Chúng ta thấy tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa 13 tháng 10/2023, ông Nguyễn Phú Trọng quyết định đứng đầu Tiểu ban Nhân sự (chuẩn bị Đại hội lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương đảng). Điều vô cùng ngạc nhiên là ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu tiểu ban này. Việc này có thể diễn giải là thứ nhất, sức ảnh hưởng của ông vẫn rất lớn ; thứ hai là ông chưa tìm được những người kế nhiệm rõ ràng tại hội nghị tháng 10/2023.

    Cuối cùng, tôi cho rằng việc gia tăng chống tham nhũng trong năm 2024 còn cho thấy, vì chưa có người kế nhiệm nên ông Nguyễn Phú Trọng cần khẩn trương tìm ra một lãnh đạo tương lai nếu nhìn vào tình trạng sức khỏe của ông hiện nay. Nói một cách khác, những gì diễn ra trong năm nay (2024) là điều lẽ ra đến năm tới (2025) mới diễn ra.

    RFI : Trong một hội thảo được Ban Nội chính Trưng ương tổ chức ngày 18/10/2023 tại Hà Nội, một câu hỏi đã được đặt ra : "Chúng ta đã quyết liệt xử lý cán bộ, vì sao vẫn xảy ra nhiều vụ tham nhũng lớn, tiêu cực lớn, gây bức xúc trong dư luận ?" Vậy đâu là nguyên nhân của hiện tượng này ?

    Benoît de Tréglodé : Tôi không muốn sa vào đánh giá chung hoặc mang tính khiêu khích, nhưng ở Việt Nam là "phải tham nhũng". Để làm chính trị ở Việt Nam thì phải có tiền, phải có sự hậu thuẫn của một doanh nhân, phải có ngân sách lớn để có thể thăng tiến trong môi trường chính trị.

    Ngược lại, để làm ăn, để kinh doanh ở Việt Nam thì cũng cần sự ủng hộ của một chính trị gia. Nhìn chung, giống như ở Trung Quốc, người ta thường thấy trong guồng máy chính trị hiện tượng mua quan bán chức và phải có tiền. Hiện tượng này làm lưu thông những khối lượng tiền lớn và gây bức bối bên trong hệ thống chính trị.

    Đọc thêm :Thanh trừng chống tham nhũng : Ban lãnh đạo Việt Nam sẽ nghiêng về Trung Quốc nhiều hơn?

    Tôi muốn nói đến hệ quả thứ hai của hiện tượng này, đó là những tranh cãi trên thượng tầng Nhà nước cho thấy cạnh tranh về lợi ích kinh tế giữa các cá nhân, giữa các phe phái, các nhóm nhưng không hẳn thể hiện rằng hệ thống bị suy yếu. Không phải vì có những chiến dịch chống tham nhũng, vì có những trường hợp tham nhũng, mà hệ thống kinh tế bị suy yếu. Ngược lại, ở một khía cạnh nào đó và đây cũng là điều nghịch lý, chế độ chính trị lại được củng cố hơn nhờ những vụ tham nhũng này.

    Công cuộc "hiện đại hóa đất nước" diễn ra thông qua việc tham nhũng đại trà ở mọi tầng lớp trong xã hội. Mức lương vẫn còn thấp trong khu vực hành chính và tư nhân, số người giàu trong xã hội đã tăng lên, cho nên tiền phải đến từ đâu đó.

    RFI : Chiến dịch chống tham nhũng có quy mô lớn này mang lại những kết quả nào cho Đảng và Nhà nước ?

    Benoît de Tréglodé : Khi theo dõi đời sống chính trị Việt Nam, người ta nhận thấy có một khái niệm quan trọng, đó là các cuộc khủng hoảng được coi là có lợi cho chính quyền để có thể tiếp tục tồn tại, vững mạnh hơn và trường tồn.

    Nhìn từ khía cạnh này, trên bình diện quốc tế, từ lâu người ta vẫn nhắc đến những tranh chấp hàng hải ở Biển Đông. Đây là một cuộc khủng hoảng có lợi cho chính quyền Việt Nam, bởi vì những vụ tranh chấp đó làm tăng tính chính đáng của đảng Cộng sản, được coi là người đang bảo vệ đất nước, bảo vệ người dân khỏi những vụ tấn công của nước ngoài.

    Về chính trường trong nước, các chiến dịch chống tham nhũng thực sự là một cuộc khủng hoảng có lợi cho lãnh đạo Nhà nước, cho tổng bí thư đảng Cộng sản, để thể hiện với nhân dân rằng đảng Cộng sản đang ở đây bảo vệ họ, đảng ở đây để thường xuyên tóm những con cá lớn, bảo vệ lợi ích của những người thấp cổ bé họng, dù đều là ảo tưởng. Rất ít người Việt Nam tin hoàn toàn vào thực tế của những chiến dịch chống tham nhũng trong giới chính trị.

    Đọc thêm : Chống tham nhũng trên thượng tầng : Việt Nam không để tác động đến lực hút đầu tư nước ngoàiRFI : Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng tại vị cho đến năm 2026. Tương lai của chiến dịch chống tham nhũng sẽ ra sao, trong khi dường như ông hiện là người đấu tranh nhiệt thành duy nhất ?

    Benoît de Tréglodé : Trước hết, rất khó đưa ra được bất kỳ dự đoán nào trong bầu không khí bí hiểm như hiện nay. Điều gần như chắc chắn hiện nay là ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục giữ chức tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam cho đến hơi thở cuối cùng. Khi đứng đầu Tiểu ban Nhân sự ở Đại hội tháng 10/2023, ông đã cho thấy rằng kế nhiệm ông là một vấn đề nhạy cảm và nhân vật đó chưa được chọn.

    Ông Nguyễn Phú Trọng thực sự muốn đích thân tác động đến việc lựa chọn người lãnh đạo tương lai của Đảng. Như vậy, khi kiểm soát các chiến dịch chống tham nhũng mới, hiện rất mạnh mẽ trong năm 2024, ông còn cho thấy chính ông là người sẽ quyết định tương lai của Việt Nam.

    Điểm tương đối mới hiện nay, đó là chúng ta chưa thấy những gương mặt nổi trội có tiềm năng kiêm nhiệm cùng lúc 3, 4 chức vụ quan trọng trong bộ máy Đảng và Nhà nước Việt Nam. Thứ nhất, đó là vì ông Nguyễn Phú Trọng vẫn có trọng lượng và ảnh hưởng rất lớn trong đời sống chính trị Việt Nam. Tiếp theo, cũng là vì ngày càng có ít thông tin rò rỉ ở Việt Nam kể từ khi luật an ninh mạng được áp dụng năm 2019. Luật này rất linh hoạt và quản lý rất nghiêm ngặt mọi rò rỉ chính trị về vấn đề nhân sự này.

    RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược (IRSEM), Trường Quân sự Pháp.

    (1) Báo Điện tử Chính phủ, "Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Năm nay phải tốt hơn năm trước".

    (2) Nhân dân, "Số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện tăng 51,63% trong 12 tháng".

    (3) Gavroche-thailande.

  • Việt Nam và Philippines muốn khôi phục niềm tin và giảm thiểu các sự cố có thể xảy ra giữa hai nước khi thông qua hai bản ghi nhớ an ninh ký ngày 30/01/2024 về “ngăn ngừa sự cố ở Biển Đông” và “hợp tác trên biển”. Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, không nên coi sự kiện đó thể hiện lập trường thống nhất giữa Manila và Hà Nội trong việc đẩy lùi các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

    Philippines có lập trường cứng rắn hơn, trông cậy vào liên minh với Mỹ nhiều hơn kể từ khi ông Marcos Jr. làm tổng thống. Sự xoay trục này có thể có lợi cho Việt Nam, nhưng Hà Nội không có chung cách tiếp cận với Manila. Việt Nam thận trọng, khẳng định chủ quyền nhưng không rầm rộ phản đối theo cách của Philippines. Đây là một trong những nhận định với RFI Tiếng Việt của giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh Đông Nam Á Daniel K. Inouye (DKI APCSS) tại Hawai, Mỹ.

    RFI : Việt Nam và Philippines ký hai bản ghi nhớ về an ninh về “ngăn ngừa sự cố ở Biển Đông” và “hợp tác trên biển” giữa lực lượng tuần duyên hai nước. Hai văn bản này có lợi ích như nào cho hai nước cũng có tranh chấp chủ quyền đối với một số thực thể ở Biển Đông ?

    GS. Alexander Vuving : Tôi nghĩ là bất kỳ sự hợp tác nào giữa Việt Nam và Philippines trên biển đều tốt cho cả hai nước bởi vì hai nước có đòi hỏi chủ quyền chồng lấn lên nhau, đặc biệt là ở khu vực quần đảo Trường Sa, một phần lớn khu vực đó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Khi Việt Nam đòi hỏi chủ quyền trên một số đảo-đá ở đó thì có sự chồng lấn, rất dễ gây ra những sự cố, những tranh chấp. Bất kể một thỏa thuận nào về hợp tác trên biển giữa lực lượng tuần duyên hai nước, ngăn ngừa sự cố đều hết sức có lợi cho hai quốc gia.

    Đặc biệt hơn, Việt Nam và Philippines là hai nước mà không nước nào lớn hơn hẳn nước kia để có thể “bắt nạt” nước kia. Có nghĩa là khi Việt Nam và Philippines ngồi lại đàm phán với nhau thì đó là một cuộc đàm phán tương đối bình đẳng. Cho nên kết quả cuộc đàm phán nói chung là tương đối công bằng cho cả hai bên. Tôi nghĩ là những bản ghi nhớ vừa ký giữa lực lượng tuần duyên của hai nước, dù không rõ nội dung cụ thể là gì vì họ không công bố, nhưng có thể hiểu rằng thỏa thuận sẽ có lợi cho cả hai nước. Đồng thời có thể nói rằng họ có những thỏa thuận về cách thức để cho hai bên hành xử như thế nào đó để giữ được hợp tác, ngăn ngừa những sự cố thì đó cũng có thể coi là bước đầu tiên tiến tới một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

    Như chúng ta biết là từ hàng chục năm nay, các nước ASEAN và Trung Quốc đã thương thảo Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông và không đi đến được thỏa thuận nào cụ thể. Tôi nghĩ là bởi vì trong trường hợp này, Trung Quốc đòi hỏi quá xa và gần như vi phạm nguyên tắc cơ bản của Luật Biển Quốc Tế, trong khi một số nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam và Philippines muốn rằng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông phải đi đúng tinh thần của luật quốc tế, nhất là Luật Biển Quốc Tế. Ở đây, chúng ta có Việt Nam và Philippines cùng đồng ý dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.

    Tôi hy vọng những thỏa thuận của hai nước là những bước tiến thực chất và tiến bộ trong việc hình thành Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông, trước hết là song phương giữa Việt Nam và Philippines, sau này có thể mở đa phương với một số nước khác ở Đông Nam Á.

    RFI : Trung Quốc đòi hầu hết chủ quyền đối với Biển Đông, chồng lấn với Việt Nam và Philippines. Nhưng hai nước Đông Nam Á này lại có cách cư xử khác nhau đối với Trung Quốc !

    Alexander Vuving : Mỗi một nước có cách cư xử khác nhau, kể cả ngay bản thân mỗi nước lại có cách cư xử khác nhau trong từng thời kỳ. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự cư xử này. Thứ nhất là hoàn cảnh khác nhau khiến người ta cư xử khác nhau. Thứ hai, ngay trong bản thân nội bộ mỗi nước lại có cách hiểu hoàn cảnh khác nhau khi lãnh đạo thay đổi một chút.

    Một điểm quan trọng nữa là mỗi nước có kinh nghiệm lịch sử khác nhau. Việt Nam có kinh nghiệm lịch sử với Trung Quốc rất khác với Philippines. Cho nên cách ứng xử trên cơ sở kinh nghiệm lịch sử cũng rất khác nhau. Thêm nữa, ngay bản thân mỗi nước, tuy họ chung một kinh nghiệm lịch sử nhưng mỗi một cá nhân, một nhóm lãnh đạo lại rút ra những bài học khác nhau từ cùng một kinh nghiệm lịch sử cho nên họ có cách cư xử khác nhau.

    RFI : Philippines thể hiện cứng rắn hơn trong hành động và lời nói, lên án những hành động hăm dọa của tầu thuyền Trung Quốc trong những vùng biển Manila đòi chủ quyền, đặc biệt trong thời gian gần đây. Tuần duyên Philippines hiện giờ cố tỏ ra minh bạch hơn, cập nhận thông tin thường xuyên hơn với báo chí về hoạt động của tầu Trung Quốc. Nhưng dường như Việt Nam không theo chủ trương này ?

    Alexander Vuving : Hành xử của Philippines đối với Trung Quốc hiện nay, đặc biệt là ở trong khu vực Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), phải nói thẳng là khác hẳn với chính cách cư xử của Philippines trong thời kỳ tổng thống Duterte bởi những lý do tôi nói ở trên về cách hiểu của lãnh đạo, cách lãnh đạo rút ra bài học từ cùng một kinh nghiệm lịch sử.

    Tuy nhiên, cách cư xử hiện nay của Philippines ở Bãi Cỏ Mây lại tương đối giống cách hành xử của Việt Nam cách đây khoảng 10 năm vào thời kỳ giàn khoan Hải Dương 981. Theo tôi hiểu, lãnh đạo hiện nay của Philippines, đặc biệt là tổng thống Marcos Jr., đã học được những bài học lịch sử từ những cách ứng xử của Philippines, kể cả của Việt Nam với Trung Quốc trong một, hai thập niên qua. Đặc biệt tôi nghĩ rằng họ cũng đã học được bài học từ chính cách hành xử của Việt Nam đối với Trung Quốc trong thời kỳ giàn khoan Hải Dương 981.

    Chính thời đó, Việt Nam, cũng tương tự Philippines hiện nay, giữ thế của mình, không để Trung Quốc lấn lướt, tìm cách minh bạch. Thậm chí, Việt Nam còn đưa phóng viên quốc tế trên tầu cảnh sát biển Việt Nam ra tận nơi để chứng kiến, thu hình, nghi âm và viết bài, đưa thành một vấn đề quan trọng, nóng hổi trong thời sự quốc tế. Philippines hiện nay cũng tương tự như vậy, có những chuyến tầu đưa phóng viên quốc tế ra tận nơi để ghi lại những sự kiện đó, họ minh bạch thông tin.

    Thế nhưng hiện nay, Việt Nam không hành xử kiểu như vậy nữa. Cách hành xử của Việt Nam gần như đi ngược lại cách ứng xử thời kỳ giàn khoan 981. Tức là suốt từ khoảng năm 2017 trở lại đây, Trung Quốc liên tục đưa tầu tầu hải cảnh, tầu dân quân biển vào sách nhiễu hoạt động kinh tế ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trong những vùng khoan dầu khí của Việt Nam, thậm chí có những lúc khiến Việt Nam hủy bỏ hợp đồng, tốn kém đến cả tỉ đô la bồi thường cho các công ty. Thiệt hại rất lớn cho Việt Nam nhưng chính phủ không hề đưa thông tin ra ngoài như thời giàn khoan 981. Công luận Việt Nam gần như không động đậy gì. Đó là sự khác biệt rất lớn. Chúng ta không biết cụ thể tại sao. Tuy nhiên, có thể có một vài giải thích như sau.

    Thứ nhất, Việt Nam học được bài học. Tức là từ cùng một sự kiện giàn khoan 981, có người rút ra bài học : Muốn giữ được chủ quyền với Trung Quốc thì phải kiên quyết đối với họ, không được lùi bước, phải giữ những gì mình có quyền chiểu theo Luật Biển quốc tế, đồng thời phải hết sức minh bạch, đưa các nhà báo quốc tế, đưa công luận quốc tế vào để cho thế giới trông thấy sự thật. Đó là một bài học mà có thể một số người ở Việt Nam và ở Philippines đã rút ra và họ áp dụng hiện nay ở Bãi Cỏ Mây.

    Ngoài ra, người ta cũng có thể rút ra một bài học khác nữa. Bởi vì trong thời kỳ giàn khoan đó, ở Việt Nam đã xảy ra những sự kiện, biểu tình dẫn đến việc sát hại một số công nhân Trung Quốc, ví dụ làm việc ở khu vực Hà Tĩnh, rồi hàng loạt vụ phá hoại những công xưởng có chữ Hoa. Hồi đó đại đa số những công xưởng bị đập phá là của Đài Loan, chứ không phải Trung Quốc. Điều đó gây ra những bất ổn rất ghê gớm, gây rất nhiều thiệt hại về tài sản cho các công ty nước ngoài ở Việt Nam.

    Từ đó, có thể có một số người rút ra bài học : Nếu căng thẳng với Trung Quốc mà thông tin được đưa ra thì nhân dân sẽ bị lợi dụng và có thể dẫn đến những phản ứng quá khích, gây hậu quả xấu ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh ở Việt Nam, thậm chí ảnh hưởng đến quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc… Bài học rút ra : Từ giờ, nếu có chuyện gì xảy ra ở Biển Đông, trừ trường hợp Trung Quốc đi quá vạch đỏ, như đặt một giàn khoan, còn nếu họ chỉ sách nhiễu, đưa tàu bè vào quấy nhiều thì thôi, cố gắng im lặng để tránh gây ra những sự kiện như thế.

    Còn một vấn đề nữa được gọi là “những ưu tiên chiến lược của lãnh đạo”. Như đã nói ở trên, Philippines thời tổng thống Duterte có những ưu tiên chiến lược khác với tổng thống Marcos Jr. hiện nay. Ông Duterte rất là nhũn với Trung Quốc. Khi Trung Quốc gây hấn thì ông không làm mạnh vì sợ gây ra chiến tranh bởi vì ưu tiên chiến lược của ông Duterte, về mặt quốc nội là chống ma túy, về đối ngoại là hướng tới thế ngoại giao cân bằng hơn. Ông Duterte không tin tưởng vào Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Philippines và Mỹ, ông nghĩ đó chỉ là tờ giấy lộn và Mỹ không thực sự cam kết với thỏa thuận đó.

    Đây cũng là một kinh nghiệm lịch sử của ông Duterte đối với những gì mà tổng thống Mỹ Obama hành xử với Philippines năm 2012 khi có tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc ở khu vực bãi cạn Scarboroug. Khi đó Mỹ, thay vì đứng ra bảo vệ Philippines, lại đề xuất làm trung gian hòa giải. Chính vì thế Philippines mất Scarborough về tay Trung Quốc. Nhưng hiện nay, tổng thống Marcos Jr. lại có suy nghĩ khác và nhận thấy Mỹ đã có những cam kết mạnh mẽ hơn đối với Hiệp ước phòng thủ song phương cho nên ông ấy đã thể hiện cứng rắn hơn ở trong khu vực Bãi Cỏ Mây.

    Phải nói là ưu tiên chiến lược của mỗi lãnh đạo khác nhau. Rất có thể lãnh đạo Việt Nam bây giờ có những ưu tiên chiến lược khác so với thời kỳ năm 2014. Tuy cùng một tổng bí thư nhưng thủ tướng khác, rồi hoàn cảnh điều kiện khác.

    RFI : Việt Nam hiểu rằng tranh chấp ở Biển Đông sẽ kéo dài và tìm cách tránh xung đột quân sự. Vậy Việt Nam có chiến lược cụ thể như nào để có thể bảo vệ đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông ?

    Alexander Vuving : Về mặt chính thức, Việt Nam có mấy “K”, tức là “kiên quyết”, “kiên trì”… Còn cụ thể, chiến lược của Việt Nam ở Biển Đông, tôi tạm gọi là “mỗi thứ một chút”. Tức là Việt Nam sử dụng hầu như các công cụ từ quyền lực cứng đến quyền lực mềm để ứng xử với Trung Quốc ở Biển Đông.

    Quyền lực cứng như là tìm cách tăng cường lực lượng quân sự, đặc biệt trong chiến lược quân sự của Việt Nam có vấn đề hiện đại hóa quân đội, nhất là các binh chủng Hải quân và Không quân - những lực lượng sử dụng nhiều ở Biển Đông - thì đi trước một bước, tức là mua sắm nhiều trang thiết bị, tăng cường khả năng phòng thủ. Ngoài ra còn trang bị thêm cho những lực lượng bán quân sự như hải cảnh, dù không được bằng Trung Quốc nhưng dùng phương pháp “chiến tranh nhân dân” trên biển.

    Ngoài những biện pháp quân sự như vậy, Việt Nam còn thông qua những biện pháp phi quân sự, như giữ vững chủ quyền ở khu vực đặc quyền kinh tế bằng những hoạt động kinh tế, đặc biệt là khai thác dầu khí. Việt Nam cũng rất chú trọng đến hợp tác với các công ty dầu khí nước ngoài, của những nước lớn đứng sau, chẳng hạn của Nga, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản để giữ chủ quyền ở Biển Đông. Có thể nói đây là một hình thức phần nào “quốc tế hóa”, dùng lực lượng phi quân sự từ bên ngoài răn đe Trung Quốc ở Biển Đông.

    Tiếp theo, trên các diễn đàn quốc tế, Việt Nam rất chịu khó đưa vấn đề Biển Đông ra cho các nước bàn thảo và để lôi kéo về phía mình, đặc biệt là giương cao ngọn cờ luật pháp quốc tế. Chẳng hạn Việt Nam lập ra một nhóm bạn bè ủng hộ Công ước Quốc tế về Luật Biển ở Liên Hiệp Quốc. Lúc đầu có khoảng hơn 10 nước, trong đó Việt Nam và Đức đồng chủ trì, hiện nay đã có 110-120 nước, có cả Nga và Trung Quốc.

    Ngoài ra, mỗi khi có tuyên bố chung giữa lãnh đạo Việt Nam với các nước, đều có câu nói về vấn đề Biển Đông. Việt Nam tìm mọi cách, phương pháp ngoại giao để lôi kéo các nước ủng hộ lập trường của mình ở Biển Đông rằng tuân thủ luật pháp quốc tế, hợp tác về kinh tế để đưa các nước vào nhằm tạo sự đan xen lợi ích của nước ngoài với mình, kể cả với Trung Quốc để làm cho họ bớt hung hăng, bớt chèn ép. Đó cũng là một phương pháp. Có hiệu quả hay không lại là một chuyện khác. Việt Nam cũng dùng cả tình đoàn kết anh em giữa hai đảng Cộng sản, một hình thức “quyền lực mềm” để làm Trung Quốc bớt hung hăng.

    Tóm lại, Việt Nam tìm mọi cách, mỗi thứ một chút, từ cứng cho đến mềm. Tuy nhiên, có thể hiểu là chiến lược của Việt Nam có rất nhiều mũi tên theo rất nhiều hướng. Nhưng mũi tên đó lúc dài lúc ngắn tùy theo thời kỳ. Về hiệu quả, cũng có lúc hiệu quả hơn, cũng có lúc kém hiệu quả.

    RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh Đông Nam Á tại Hawai, Hoa Kỳ.

  • Sau bộ phim đầu tay “Once upon a bridge in Vietnam“ ( Ngày xưa có một nhịp cầu ở Việt Nam ), từng đoạt giải Phim tài liệu ngắn tại Los Angeles (Mỹ), đạo diễn trẻ mang hai dòng máu Pháp Việt François Bibonne vào tháng 11 vừa qua đã trở lại Việt Nam với dự án phim tiếp theo cũng về sự giao thoa giữa Pháp và Việt Nam, nhưng lần này nói về bóng đá, môn thể thao mà dân Việt Nam rất mê. Đó là bộ phim “The Symphony Wins” ( Bản giao hưởng chiến thắng ).

    Trả lời RFI Việt ngữ, đạo diễn Francois Bibonne trước hết giải thích vì sao anh chọn đề tài bóng đá cho bộ phim tài liệu thứ hai của mình:

    “Tôi đã từng nghe nói về bóng đá Việt Nam, đầu tiên là về đội tuyển bóng đá nữ, mà ngay cả báo chí Pháp cũng đã nói đến khi họ lọt vào vòng chung kết Cúp thế giới. Tiếp đến, ông Philippe Troussier, trước đây là huấn luyện viên đội tuyển bóng đá quốc gia của Nhật Bản, đã được chọn để dẫn dắt đội tuyển nam của Việt Nam. Có rất nhiều yếu tố thúc đẩy tôi tìm hiểu về vai trò của môn bóng đá ở Việt Nam. Tôi muốn tiếp tục khám phá văn hóa Việt Nam, nhưng lần này là không phải là qua âm nhạc, mà là qua bộ môn bóng đá. Đúng là có rất nhiều điều thú vị.

    Đây quả là môn thể thao được ưa chuộng nhất ở Việt Nam, gây rất nhiều phản ứng cuồng nhiệt. Khắp nơi đều có các đội bóng đá, không chỉ ở thành phố mà ở thôn quê người ta cũng chơi bóng đá. Người dân tộc thiểu số cũng chơi môn này. Tóm lại cả nước chơi bóng đá!

    Họ còn nắm rất rành về bóng đá quốc tế, hơn cả tôi. Họ theo dõi sát các trận của giải bóng đá Anh Premier League, thuộc tên từng cầu thủ trong đội PSG… Nói chung là dân Việt Nam rất “trung thành” với bóng đá.

    Tôi cũng thấy là ở có nhiều trường dạy bóng đá và có nhiều cầu thủ từ các nước khác đến đá trong các câu lạc bộ của Việt Nam ở Hà Nội hay ở Sài Gòn, nhờ vậy trình độ của bóng đá Việt Nam cũng được nâng cao.

    Tôi thấy Việt Nam là một quốc gia gia rất đoàn kết, một quốc gia còn rất trẻ và có thể nói bóng đá là một trong những cột trụ chính của đất nước.

    Bộ phim đầu tiên của tôi là nói về âm nhạc với yếu tố căn bản là dàn nhạc, còn lần này chính là đội tuyển bóng đá. Ở Pháp, khi đội tuyển quốc gia thi đấu chúng tôi rất hứng khởi, nhưng ở Việt Nam sự hứng khởi có lẽ lớn hơn nhiều, vì người dân rất ủng hộ đội tuyển quốc gia, ngay cả ở các vùng nông thôn và các vùng sắc tộc thiểu số.”

    Chính nhờ đã được biết đến nhiều ở Việt Nam qua bộ phim đầu tay “ Once upon the bridge in Vietnam”, cho nên François Bibonne đã được sự trợ giúp của giới báo chí trong nước để tiếp cận được huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam Philippe Troussier:

    “Tôi đã tiếp xúc với Philippe Troussier bằng cách nhắn tin trên mạng Facebook nhờ người tìm dùm. Khi đọc được tin nhắn này, một số nhà báo Việt Nam đã liên lạc ngay với tôi và qua trao đổi thông tin, tôi đã có được địa chỉ email của Philippe Troussier, rồi có được số điện thoại của ông ấy. Sau mấy lần trao đổi với ông ấy, tôi đã có thể đến Liên đoàn Bóng đá Việt Nam để làm việc cho bộ phim.

    Tôi cũng được cấp thẻ phóng viên cùng với người bạn Louis, đi cùng với tôi trong chuyến quay phim đầu tiên, nên cả hai chúng tôi đã được phép vào xem các buổi tập luyện, quay phim và phỏng vấn, rồi từ đó tiếp cận được những người khác.

    Philippe Troussier là một huấn luyện viên khác hẳn những người tiền nhiệm. Ông nhậm chức vào thời điểm khó khăn đối với ông, bởi vì đội tuyển Việt Nam vừa giành chiến thắng trong giải SEA Games dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên người Hàn Quốc Park Hang Seo. Kế thừa một đội tuyển như vậy không đơn giản chút nào. Ông đã cải tổ lại cơ cấu đội tuyển, thay đổi rất nhiều tuyển thủ, điều mà không phải ai cũng hài lòng. Ông đã dám làm như thế vì ông không sợ làm những thay đổi lớn trong đội tuyển Việt Nam, như ông đã làm đối với đội tuyển Nhật Bản. Ông đã gặt hái nhiều thành công ở Nhật và rất tin tưởng đi theo cùng con đường đó.

    Không chỉ là huấn luyện viên, Troussier còn là một người rất trí thức, có thể nói về nhiều chủ đề và chính ông đã khiến tôi mong muốn đem vào phim một tầm mức nghệ thuật. Tôi đã phỏng vấn ông ấy về âm nhạc, thậm chí hỏi ông ấy có tự xem mình là như một nhạc trưởng mà các nhạc sĩ chính là các cầu thủ hay không? Tôi rất thích sự so sánh đó. Ông không chỉ là một huấn luyện viên bóng đá, mà là một nhân vật độc đáo.”

    Như tên gọi của dự án phim tài liệu thứ hai, “The Symphony Wins”, trong phim, François Bibonne lồng vào đó rất nhiều giai điệu, đặc biệt là những làn điệu nhạc dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên:

    “Điều thấy rõ nhất, đó là khi xem các trận đấu bao giờ cũng có tiếng nhạc kèm theo, có những cổ động viên khua trống, có các đội kèn đồng, có những người hát quốc ca. Nhưng ngoài những điều đó, tôi muốn làm một cái gì đó mang tính nghệ thuật, dùng hình ảnh để gắn liền âm nhạc dân tộc Việt Nam với thể thao, mà ở đây là bóng đá. Tôi đặc biệt muốn nêu bật các nhịp điệu qua những nhạc cụ gõ như cồng chiêng của dân tộc thiểu số, như dân tộc Ba Na. Tôi đã quay người dân tộc Ba Na đánh cồng chiêng. Ta có thể ghép tiếng cồng chiêng với âm thanh khi cầu thủ chạm quả bóng. Nhưng không chỉ có tiếng chân cầu thủ chạm vào quả bóng, mà còn có nhảy cao, chạy nhanh, tung hứng như những nghệ sĩ xiếc, nhảy múa, …

    Ngoài bóng đá ở Việt Nam, tôi muốn nói đến bóng đá nói chung, để cho thấy cái đẹp của nó, không chỉ là một môn thể thao rất được ưa chuộng.”

    Cũng chính là qua một tháng ở Việt Nam để thực hiện bộ phim mà chàng trai mang hai dòng máu Pháp Việt đã một lần nữa được trở về nguồn và nhất là được khám phá văn hóa của các sắc tộc thiểu số:

    “Tôi đã bắt đầu ở Hà Nội, rồi sau đó đã đến Kon Tum và Pleiku. Tôi đến Pleiku vì ở đó có trường dạy bóng đá nổi tiếng với một phương pháp khá đặc biệt. Cũng nhân dịp này tôi tìm hiểu về các sắc tộc thiểu số ở vùng này. Gặp gỡ người dân sắc tộc Ba Na gây ấn tượng mạnh cho tôi, vì họ là những người rất gắn bó với văn hóa Pháp, thậm chí đã yểm trợ quân đội Pháp trong thời gian Chiến tranh Đông Dương. Họ là những người rất cởi mở, tôi đã ăn uống với họ, trải qua những buổi tối với họ, tôi thậm chí đã đi dự lễ với họ lúc 4 giờ 30 sáng để quay thánh lễ, thu âm những bài hát bằng tiếng Ba Na thật hay, cũng như thu âm tiếng cồng chiêng. Một lần nữa tôi giống như đang một lần nữa trở về nguồn gốc của mình, hiểu thêm về văn hóa Việt Nam. Cũng nhờ chuyến đi này mà phim của tôi có thêm một chút gì đó mang tính phiêu lưu, không chỉ đến các sân bóng đá, mà còn đi sâu vào các vùng quê để biết thêm về văn hóa địa phương.

    Dĩ nhiên là thực hiện một bộ phim tài liệu đòi hỏi rất nhiều thời gian, một tháng ở Việt Nam hoàn toàn không đủ để François Bibonne hoàn tất những gì đã dự kiến. Hơn nữa, theo anh, đề tài bóng đá khó hơn là âm nhạc:

    “Khó khăn đầu tiên của tôi là về thời gian, vì tôi đã chỉ có một tháng, cả tháng 11, trong khi lúc tôi làm bộ phim đầu tiên, do bị kẹt vì đại dịch Covid, tôi đã ở Việt Nam đến 15 tháng. Lần này tôi đã dự trù một tháng, nhưng thời gian đã không đủ để tôi làm tất cả những gì tôi muốn. Nhưng cũng chính điều đó đã thôi thúc tôi phải thực hiện bộ phim nhanh nhất có thể được. Một khó khăn khác là về thời điểm, vì các tuyển thủ có những trận đấu vào những ngày cố định và không phải lúc nào cũng có thể tiếp cận được các tuyển thủ, họ phải được sự cho phép của đội thì mới trả lời phỏng vấn được.

    Nói chung là việc thực hiện phức tạp hơn rất nhiều so với bộ phim đầu tiên. Đề tài bóng đá khó hơn là âm nhạc. Cho nên tôi sẽ phải quay lại Việt Nam để tiếp tục quay phim, phỏng vấn và tìm hiểu thêm về bóng đá Việt Nam. Làm phim tài liệu đòi hỏi nhiều thời gian, không thể làm hết mọi việc trong một lần. Nhưng nói chung, tôi gặp nhiều thuận lợi hơn là trở ngại trong đợt quay phim đầu tiên.”

    Thật ra thì khó khăn lớn nhất đối với François Bibonne chính là vấn đề tài chính, vì anh chưa được một công ty nào bảo trợ, hay đúng hơn là anh quá hào hứng với dự án của mình nên đã không chờ đến khi có bảo trợ rồi mới làm. Nhưng François Bibonne cho biết, trước khi thực hiện tiếp dự án phim, anh sẽ kêu gọi đóng góp tài chính, có thể là qua hình thức crowdfunding ( huy động vốn cộng đồng ), tức là mọi người có thể đóng góp tài chính trên trang mạng của anh www.studiothikoan.com để giúp cho dự án được hoàn thành và “gặt hái được thành công lớn hơn bộ phim đầu”

    Bộ phim tài liệu đầu tay của François Bibonne "Once upon a bridge in Vietnam" chính là dự án đầu tiên được thực hiện bởi studio Thi Koan mà François Bibonne lập ra và đặt theo tên của bà nội Nguyễn Thị Khoan. Nhà đạo diễn trẻ đã ở Việt Nam trong suốt 15 tháng giữa đại dịch Covid-19, đến dự những buổi hòa nhạc, biểu diễn âm nhạc truyền thống, những buổi tập luyện của các nghệ sĩ, hay đến thăm làng làm kèn đồng ở Nam Định, làng vĩ cầm ở Bắc Giang, tìm hiểu về việc duy trì dân ca quan họ ở Bắc Ninh, về ca trù tại Hà Nội…

    Thành công đã vượt quá sự mong đợi của nhà đạo diễn trẻ. Không chỉ đoạt giải Phim tài liệu ngắn hay nhất tại Liên hoan Phim Los Angeles, "Once upon a bridge in Vietnam" còn đã được trình chiếu ở rất nhiều nơi tại Việt Nam, Pháp và Hoa Kỳ. Nhân dịp Tết Nguyên đán, vào ngày 22/02/2024, bộ phim của François Bibonne cũng sẽ được chiếu tại tòa thị chính quận 13 Paris, vào lúc 19 giờ.

  • Tổng giám mục Ba Lan Marek Zalewski, đại diện thường trú đầu tiên của Vatican tại Việt Nam, nhậm chức ngay đầu năm 2024. Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt, cho thấy những nỗ lực không ngừng của Tòa Thánh và Việt Nam trong suốt ba thập niên.

    Kết quả của quá trình cải thiện quan hệ song phương còn được thể hiện qua chuyến công du Vatican của chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tháng 07/2023, tiếp theo là phái đoàn của đảng Cộng sản Việt Nam tháng 01/2024. Sắp tới, Việt Nam dự kiến lần lượt đón ngoại trưởng Tòa Thánh - tổng giám mục Paul Richard Gallagher và hồng y quốc vụ khanh Pietro Parolin.

    Trả lời RFI Tiếng Việt ngày 25/01/2024, giảng viên Trần Thị Liên Claire, chuyên về lịch sử tôn giáo ở Việt Nam, Đại học Paris Cité, nhấn mạnh đến vai trò, sự kiên nhẫn bền bỉ của ba nhân tố : Vatican, chính phủ Việt Nam và Giáo hội Việt Nam trong suốt hơn ba thập niên cải thiện quan hệ song phương.

    RFI : Vatican bổ nhiệm một đại diện thường trú ở Việt Nam. Hai bên đã trải qua một chặng đường như thế nào để đi đến được quyết định này ?

    Trần Thị Liên Claire : Quyết định này là kết quả của một quá trình khá dài, bắt đầu từ năm 1989 trong thời kỳ Đổi mới, lần đầu tiên một đại diện của giáo hoàng Gioan Phaolô II lúc đó là hồng y Etchegaray đã đến thăm Việt Nam. Kể từ đó, Hà Nội luôn duy trì mối quan hệ, trao đổi với đại diện của Tòa Thánh. Kinh tế lúc đó khó khăn và Việt Nam muốn mở cửa. Đến năm 1998, tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đặt điều kiện hỗ trợ và mở cửa kinh tế với tự do tôn giáo. Cho nên có thể nói vì lý do kinh tế, Việt Nam đã cố gắng cởi mở về tôn giáo.

    Đọc thêm : Hồng y Roger Etchegaray qua đời

    Từ năm 2009, một tổ công tác hỗn hợp thường xuyên gặp nhau lúc ở Hà Nội, lúc ở Roma để tìm cách tái lập quan hệ ngoại giao. Năm 2011, tổng giám mục Girelli được bổ nhiệm làm đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam. Năm 2023 đánh dấu một chặng mới. Tổng giám mục Zalewski, sứ thần Tòa Thánh ở Singapore kiêm đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam, đã được bổ nhiệm làm đại diện thường trú của Tòa Thánh ở Hà Nội. Và đây là sự kiện đầu tiên kể từ năm 1976 sau khi khâm sứ Tòa Thánh cuối cùng bị trục xuất khỏi Việt Nam.

    Trong số những nước Cộng sản còn lại trên thế giới, chỉ có Cuba là có một đại diện như vậy, từ khá sớm, năm 1975 và ba giáo hoàng đã đến Cuba. Việt Nam là nước Cộng sản duy nhất ở châu Á có một đại diện thường trú của Tòa Thánh. Theo tôi, sự kiện này rất đặc biệt và quan trọng đối với cả châu Á, chứ không chỉ riêng Việt Nam.

    RFI : Có thể thấy là quá trình đàm phán kéo dài vài chục năm. Vậy đâu là những trở ngại để đến bây giờ mối quan hệ được cải thiện ?

    Trần Thị Liên Claire : Tôi nghĩ các cuộc đàm phán kéo dài trước tiên là vì hai phía có một quá khứ khó khăn và nhiều bất đồng. Nhưng quan trọng hơn cả là hai bên muốn đối thoại nên cần thời gian để lắng nghe, thấu hiểu nhau.

    Theo tôi, có rất nhiều trở ngại bởi vì kể từ năm 1975, mối quan hệ giữa Giáo hội và chính phủ Việt Nam rất căng thẳng. Ban Tôn giáo kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động tôn giáo, không đến mức đóng hết chủng viện, nhưng đi lại rất khó khăn, nhiều linh mục bị bắt, như linh mục Thuận, cháu của ông Ngô Đình Diệm, bị bắt ngay sau năm 1975. Đến năm 1989 thì mở cửa. Do bị khủng hoảng kinh tế trầm trọng nên Việt Nam phải thoát khỏi thế cô lập, nhất là sau khi quân đội Việt Nam tham chiến ở Cam Bốt, phải tái nhập vào cộng đồng quốc tế, gia nhập Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (OMC), trong khi Mỹ lại là nước quyết định. Do đó, đạo luật International Religious Freedom Act - IRFA của tổng thống Bill Clinton năm 1998 đã buộc Việt Nam phải cải thiện, phải tỏ thiện chí. Điều này cũng giải thích cho việc Hoa Kỳ công bố báo cáo thường niên về tự do tôn giáo ở Việt Nam.

    Đọc thêm : Vatican được bổ nhiệm đại diện thường trú ở Việt Nam, một bước tiến quan trọng giữa hai nước

    Tôi nghĩ mối quan hệ được cải thiện là kết quả của ba yếu tố. Thứ nhất, ngoài lý do kinh tế, Việt Nam muốn thể hiện rằng khi trở lại trường quốc tế, họ cởi mở và sẵn sàng trao đổi với tất cả các bên. Đó chính là mong muốn tái hội nhập vào cộng đồng quốc tế, chứ không phải là muốn thể hiện khác với Trung Quốc. Nhưng phải nói rằng khả năng đối thoại của Hà Nội với Vatican cao hơn hẳn so với Bắc Kinh.

    Yếu tố thứ hai là từ thời giáo hoàng Phaolô VI trong thập niên 1960, Vatican có chính sách hòa dịu với khối Cộng sản Đông Âu “Ostpolitik”. Theo đó, ưu tiên đối với Vatican là giáo dân, chiếm thiểu số ở những nước này nên phải sẵn sàng đối thoại với đảng Cộng sản. Giáo hoàng Phaolô VI kêu gọi chấm dứt chiến tranh Việt Nam và phải đối thoại với chính phủ Việt Nam. Có thể thấy ông khá dấn thân trong bối cảnh chiến tranh lạnh. Vì vậy, giám mục Parolin, hiện là quốc vụ khanh Vatican, đã đóng vai trò rất lớn trong tất cả các cuộc đàm phán. Ông là người đầu tiên đến Việt Nam năm 2004, cách đây 20 năm, và hiểu rất rõ Việt Nam do theo dõi các cuộc đàm phán trong suốt thời gian qua. Phía Việt Nam cũng biết ông rất rõ. Tôi cho rằng chính sự kiên nhẫn và khả năng trao đổi của ngoại trưởng và đặc biệt là của hồng y Parolin - người cũng theo dõi mối quan hệ với Trung Quốc - đã mang lại kết quả.

    Yếu tố cuối cùng là vai trò của Giáo hội Việt Nam, đã quen đối thoại với đảng Cộng sản từ năm 1975 để Cộng đoàn có thể tiếp tục thể hiện đức tin. Sau thời gian dài khó khăn đến năm 1989, nhiều linh mục đã có khả năng đàm phán và mang lại kết quả. Ví dụ năm 2008, hội Caritas của Giáo hội chuyên về các vấn đề xã hội, bị đóng cửa sau năm 1975, đã được mở cửa trở lại. Nhờ đó Giáo hội tham gia nhiều hơn vào hoạt động xã hội, như chăm sóc người mắc sida, người tàn tật, người nghiện hoặc trong suốt đại dịch Covid-19. Do đó, có thể thấy ba nhân tố chính giúp đạt được kết quả này : chính phủ Việt Nam, Vatican và Giáo hội Việt Nam.

    RFI : Việc bổ nhiệm một đại diện thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam có ý nghĩa như thế nào đối với Hà Nội, cũng như với Vatican ?

    Trần Thị Liên Claire : Đối với Việt Nam, đó là kết quả cho thấy rằng Việt Nam có thể tiến lên trong quan hệ ngoại giao, khác với trường hợp của Trung Quốc, hiện vẫn rất phức tạp. Thậm chí người ta nói rằng hồng y Parolin muốn dùng mô hình Việt Nam để thử cải thiện mối quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc, ví dụ trong tiến trình bổ nhiệm giám mục. Trước đây ở Việt Nam cũng không dễ dàng gì nhưng theo tiến trình hiện nay, Vatican đề xuất 3 tên và chính phủ Việt Nam đưa ra ý kiến. Chỉ khi nào có đồng thuận thì giám mục mới được bổ nhiệm. Có thể thấy Bắc Kinh và Vatican không có khả năng đối thoại như vậy, bởi vì Trung Quốc có Hội Công giáo Yêu nước, được thành lập năm 1957, độc lập với Tòa Thánh.

    Đây cũng là điểm đặc biệt của Việt Nam, có nghĩa là chưa bao giờ có Giáo hội ly khai. Có lẽ là đảng Cộng sản Việt Nam cũng muốn nhưng không thành. Điểm khác biệt lớn so với Trung Quốc mang lại cho Việt Nam hình ảnh một đất nước cởi mở, có khả năng đàm phán với một Nhà nước tôn giáo, cũng như liên kết với Cộng đoàn, và cho thấy rằng chính phủ đối thoại với Vatican, đặc biệt là lời mời giáo hoàng tông du Việt Nam của chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hôm 14/12/2023. Đây cũng là cách để giáo dân đánh giá cao quyết định này. Lần tiên sẽ có một giáo hoàng đến thăm một nước Cộng sản châu Á.

    Đọc thêm : Việt Nam và Vatican đồng thuận mở văn phòng đại diện thường trực của Tòa Thánh tại Hà NộiRFI : Trong thư gửi đến Giáo hội Việt Nam tháng 09/2023, giáo hoàng Phanxicô kêu gọi các tín hữu sống đúng tinh thần của “tín hữu tốt và công dân tốt”, nói một cách khác là hài hòa với chính sách của Nhà nước. Đây có phải là chủ ý của giáo hoàng ?

    Trần Thị Liên Claire : Tôi nghĩ đó là một chiến lược có từ rất lâu của Vatican. Vào khoảng thế kỷ 18 và 19, một giáo hoàng cử các nhà truyền đạo luôn nhắc nhở rằng “các vị không phải là đại diện cho một nước, các vị đến đó để truyền đạo và các vị phải tuân thủ chính quyền sở tại”. Điều này không có gì là mới.

    Theo suy luận của tôi, lịch sử Công giáo Việt Nam cho thấy giáo dân bị coi là đồng minh với thực dân Pháp, sau đó là với Mỹ. Cho nên ngay năm 1975, cha Bình, tổng giám mục Sài Gòn lúc đó, nói là sẽ hợp lực tái thiết quốc gia sau cuộc chiến kéo dài. Giáo hội Việt Nam chiếm số ít, chỉ 7% và muốn cho thấy là tuân thủ chính quyền. Ở Pháp cũng vậy, Giáo hội và mọi tôn giáo khác đều phải tôn trọng nước Cộng Hòa. Cho nên tôi không ngạc nhiên về yêu cầu của Vatican.

    Điều giáo hoàng muốn truyền tải là giáo dân tham gia vào đời sống xã hội, đồng thời cũng muốn nói là Vatican không đưa ra thông điệp chính trị. Tôi nghĩ rằng đây cũng là cách giải thích của Vatican đến giáo dân Việt Nam rằng giáo dân chúng ta là công dân của một đất nước và Giáo hội không kêu gọi phản đối chính phủ này. Điều này không chỉ đúng với mỗi Việt Nam mà còn với nhiều nước khác, nơi có những thiểu số tôn giáo khác. Đó là cách giáo hoàng muốn trấn an chính phủ Việt Nam rằng Giáo hội là một lực lượng năng động góp phần vào hài hòa xã hội.

    RFI : Trong tương lai, Việt Nam và Vatican có thể tiếp tục thảo luận về những chủ đề nào ?

    Trần Thị Liên Claire : Giáo dục là một vấn đề rất nhạy cảm vì người Công giáo không được thành lập trường học. Cho đến năm 1975, ở miền nam Việt Nam có rất nhiều trường học do nhà thờ quản lý nhưng sau đó bị đóng hết. Một trong hai thách thức trong những năm tới, đó là có thể mở được trường học không, trước tiên là tiểu học, rồi trung học cơ sở. Năm 2016, chính phủ Việt Nam đã chấp nhận thành lập Học Viện Công giáo, nhưng đó không phải là trường đại học như ở Paris, nơi dạy tất cả các môn. Dù vẫn chưa thực sự phát triển mạnh nhưng cho thấy là ý tưởng đã được thực hiện. Chúng ta chờ xem. Còn hiện giờ, giáo dục vẫn là lĩnh vực độc quyền của đảng Cộng sản.

    Chủ đề thứ hai cần được thảo luận là tài sản của Giáo hội, tương tự vấn đề tài sản với những tôn giáo khác. Đây là chủ đề rất phức tạp và sẽ phải được giải quyết theo từng trường hợp, chứ không chung chung. Tôi lấy một ví dụ về việc tịch thu tài sản của nhà thờ. Cuộc Cách mạng Pháp cũng đã tịch thu rất nhiều tài sản của Giáo Hội trong vài chục năm. Rất nhiều tài sản chưa bao giờ được trả lại cho Giáo hội. Do đó vấn đề không chỉ giới hạn ở Việt Nam, mà ở Pháp cũng vậy. Một ví dụ khác là tất cả các nhà thờ ở Pháp thuộc sở hữu của nhà nước và nếu một nhà thờ bị hỏng, nhà nước phải trùng tu.

    Đọc thêm : Quan hệ Việt Nam - Vatican còn nhiều trở ngại

    Theo tôi, Vatican thực dụng và sẽ không đòi lại hết. Vatican, Giáo hội Việt Nam và chính phủ Việt Nam có thể trao đổi về từng trường hợp để có những tiến bộ từng bước. Việc có một đại diện thường trú của Vatican chắc chắn sẽ hỗ trợ Giáo hội Việt Nam thảo luận với chính quyền. Chúng ta chờ xem diễn biến tiếp theo khi tổng giám mục Zalewski đến Hà Nội : Sự kiện đó sẽ thay đổi mối quan hệ song phương, cũng như cách giải quyết các vấn đề như thế nào ? Và đặc biệt là chuyến viếng thăm của giáo hoàng.

    RFI : Liệu chuyến thăm của giáo hoàng có thể sớm diễn ra ?

    Trần Thị Liên Claire : Tôi nghĩ là có thể. Cách đây không lâu tôi đến Roma theo lời mời phỏng vấn của đài phát thanh Radio Vatican. Giáo hoàng bị ốm, không chắc là sức khỏe của ngài cho phép ngài tông du Việt Nam ngay. Nhưng điều chắc chắn là Việt Nam đã mời. Đó là lời mời đầu tiên mà Vatican đề nghị từ rất lâu. Giáo hoàng đã đến nhiều nước châu Á, nhưng lại chưa đến Việt Nam, nước đông giáo dân nhất, dĩ nhiên là trừ trường hợp Philippines. Việt Nam có 7% dân theo Công giáo, Hàn Quốc là 11% nhưng dân số Việt Nam đông hơn. Trong mỗi chuyến tông du của giáo hoàng ở những nước có rất ít giáo dân như Thái Lan, Mông Cổ, Miến Điện, luôn có một phái đoàn Việt Nam tham dự.

    Ngoài ra, tôi muốn nhấn mạnh đến thông báo mời giáo hoàng, được đưa ra ngày 14/12, ngay sau khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rời Hà Nội. Tôi tin là chuyến thăm sẽ diễn ra. Nếu không phải là giáo hoàng Phanxicô thì sẽ là người kế nhiệm, nhất là từ giờ còn có một đại diện trường trú của Tòa Thánh ở Hà Nội. Chuyến tông du sẽ là một sự kiện rất quan trọng cho những giáo dân trông đợi từ rất lâu, cũng như cho đảng Cộng sản. Chuyến tông du sẽ mang lại lợi ích về mặt chính trị, cho thấy sự cởi mở của chính phủ vì chúng ta biết là hiện còn rất nhiều tồn đọng ở Việt Nam. Theo tôi, có thể là vào năm 2024, cùng lắm là 2025 nếu mọi chuyện tốt đẹp. Như tôi nói ở trên, Vatican muốn áp dụng mô hình Việt Nam cho mối quan hệ với Trung Quốc.

    RFI : Vậy chính phủ Việt Nam đánh dấu khác biệt với Trung Quốc trong cách xử lý vấn đề Công giáo và quan hệ với Vatican như thế nào ?

    Trần Thị Liên Claire : Tôi là nhà sử học nên tôi ngược dòng thời gian một chút để nhắc lại rằng trong văn hóa Nho giáo và trước thời kỳ thực dân, nước Đại Việt có Bộ Lễ quản lý vấn đề tôn giáo. Như vậy trong truyền thống xa xưa, chính quyền cũng quản lý các tôn giáo và điều này hoàn toàn phù hợp với Nho giáo. Tương tự tại Pháp, cũng có bộ Nội Vụ kiểm soát xem các tôn giáo hoạt động có phù hợp với nền Cộng hòa không. Điểm khác nhau, như tôi nói ở trên, là chỉ có 1% dân Trung Quốc theo Công giáo, còn Việt Nam là 7% và họ rất năng động.

    Đối với Việt Nam, lịch sử cho thấy rằng vấn đề Thiên Chúa giáo quan trọng hơn. Để chống quân Hán, rồi Pháp và Mỹ, Việt Nam luôn thúc đẩy đoàn kết dân tộc và đoàn kết dân tộc chính là tất cả mọi người, kể cả giáo dân. Trung Quốc không cần điều này. Tôi cho rằng Việt Nam khác hẳn với Trung Quốc về điểm này.

    Điểm khác biệt thứ hai là Trung Quốc có Giáo hội Yêu nước từ năm 1957, không có liên hệ chính chức với Vatican. Còn Việt Nam, dù trải qua một giai đoạn khó khăn từ năm 1975 đến 1989, nhưng chưa bao giờ cắt đứt quan hệ với Vatican. Và điểm này làm thay đổi rất nhiều trong đối thoại.

    Điểm thứ ba là Nhà nước do đảng Cộng sản lãnh đạo kiểm soát mọi hoạt động tôn giáo ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam. Nhưng như đề cập ở trên, truyền thống đoàn kết dân tộc ở Việt Nam cho rằng người theo đạo cũng có một vị trí, tích cực tham gia các hoạt động xã hội...

    Một điểm khác biệt nữa, đó là từ năm 1989, Việt Nam cho phép chủng sinh, linh mục ra nước ngoài học tập, như ở Roma, Pháp, Philippines, Hoa Kỳ. Họ được đào tạo bài bản, kết nối hơn với thế giới và theo những chương trình đào tạo trình độ cao về thần học và còn giảng đạo tại giáo xứ ở nhiều nước khác. Trung Quốc thì ngược lại. Chủng sinh, linh mục không được phép tu nghiệp ở nước ngoài, phải ở lại Trung Quốc và khá bị hạn chế về trình độ. Đó chính là sự khác biệt về tinh hoa tôn giáo.

    RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn bà Trần Thị Liên Claire, giảng viên Đại học Paris Cité.

  • Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. ngày 29/01/2024 bắt đầu chuyến viếng thăm cấp Nhà nước Việt Nam đến ngày 30/01. Riêng về vấn đề Biển Đông, nhân chuyến đi này, Marcos Jr. có lẽ sẽ cố thuyết phục Việt Nam ủng hộ đề xuất của ông về một bộ quy tắc ứng xử riêng giữa Philippines với Việt Nam và Malaysia. Nhưng nói chung Hà Nội vẫn dè dặt với những sáng kiến của Manila về vùng biển tranh chấp với Trung Quốc.

    Ngay trước khi kết thúc chức chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN năm 2023, Indonesia đã huy động các ngoại trưởng của khối này đưa ra tuyên bố riêng về Biển Đông ngày 30/12 trong bối cảnh căng thẳng leo thang, đặc biệt là giữa Philippines và Trung Quốc. Bày tỏ “mối quan ngại”, tuyên bố của các ngoại trưởng ASEAN kêu gọi các quốc gia tranh chấp ở Biển Đông “ tự kiềm chế” và “tránh những hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình”. Đặc biệt ASEAN đã đề cập đến “khu vực hàng hải của chúng ta” và tái khẳng định “sự thống nhất và đoàn kết” giữa các thành viên, trong đó có Philippines, một quốc gia sáng lập ASEAN đã có nhiều xung đột với Trung Quốc xung quanh khu vực Bãi Cỏ Mây ( Second Thomas Shoal ) trong vài tháng qua.

    Tuy nhiên, ASEAN đã không chỉ trích đích danh Trung Quốc, một đối tác thương mại lớn của khối và cũng không đưa ra bất kỳ trợ giúp cụ thể nào cho Philippines, ngoài việc nhắc lại cam kết về các cuộc đàm phán dường như không bao giờ kết thúc với Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC. Một số nhà lãnh đạo ASEAN còn gián tiếp chỉ trích lập trường cứng rắn hơn của Philippines trong vùng biển tranh chấp với Trung Quốc. Vì thấy không thể trông chờ vào sự hỗ trợ của ASEAN, Philippines dường như đang muốn dựa vào liên minh chiến lược với các nước láng giềng có cùng chí hướng, đặc biệt là Việt Nam.

    Vào ngày 20/11/2023, ông Marcos Jr. tuyên bố Philippines đã tiếp cận các nước láng giềng như Việt Nam và Malaysia để xây dựng một “Bộ quy tắc ứng xử” (COC) ở Biển Đông riêng giữa ba nước, trong khi chờ bộ quy tắc ứng xử giữa ASEAN với Trung Quốc mà tiến trình đàm phán vẫn diễn ra quá chậm.

    Đây không phải là lần đầu tiên tổng thống Marcos Jr. kêu gọi thúc đẩy các cuộc đàm phán COC riêng với các nước láng giềng của Philippines, vì ông muốn tận dụng ảnh hưởng tập thể để phản đối các điều khoản có lợi cho Trung Quốc trong bộ quy tắc ứng xử đang đàm phán với ASEAN. Đồng thời thông qua việc đe dọa đưa ra một COC riêng, tổng thống Philippines cố gây áp lực buộc Trung Quốc phải nhượng bộ trong hồ sơ này.

    Trả lời RFI Việt ngữ ngày 17/01/2024, nhà nghiên cứu Biển Đông Hoàng Việt nhận định về sáng kiến của tổng thống Marcos Jr.:

    “Philippines là một quốc gia nổi tiếng xưa nay có rất nhiều sáng kiến. Ngay cả sáng kiến đầu tiên về bộ quy tắc ứng xử COC từ những năm 1990 là bắt đầu từ phía Philippines. Chính vì vậy Philippines đã rất năng nổ trong việc tìm kiếm một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Nhưng Philippines là một nền dân chủ, một tổng thống chỉ nắm quyền một nhiệm kỳ tối đa là 6 năm và chính sách có thể thay đổi rất nhiều, cho nên lập trường của Philippines về vấn đề này luôn luôn thay đổi. Dưới thời tổng thống Aquino III, Philippines đã khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực. Nhưng đến 2016, khi Duterte trở thành tổng thống thì Manila lại xoay trục về phía Trung Quốc, hoàn toàn muốn thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc. Đến thời tổng thống Marcos Jr. thì lại có thay đổi.

    Có lẽ đây là một sáng kiến tốt của Philippines? nhưng thành công của nó thì chúng ta còn phải cân nhắc và chờ xem. Chưa kể là từ 2012, các nước ASEAN đã thống nhất với nhau một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, gọi là bản dự thảo bộ quy tắc ứng xử số 0, do Indonesia khởi thảo. Tức là trước đó, do sự rất chậm trễ của tiến trình đàm phán về bộ quy tắc ứng xử, đã có những ý kiến rằng nên chăng các nước ASEAN tự mình đưa ra một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, rồi sau đó mới đưa Trung Quốc vào? Toàn bộ các nước ASEAN đã đồng ý với bản dự thảo của Indonesia. Sau đó, ASEAN đã mời Trung Quốc tham gia, nhưng Trung Quốc từ chối.

    Bản dự thảo bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông đó đã bị vứt vào sọt rác. ASEAN và Trung Quốc phải làm lại từ đầu trong tiến trình đàm phán về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, tại vì trong bộ quy tắc ứng xử này, Trung Quốc là bên tham gia cực kỳ quan trọng, bởi Trung Quốc hiện là cường quốc lớn nhất khu vực, cả về kinh tế và về quân sự. Nếu không có sự đồng ý của Trung Quốc thì rất khó. Mười quốc gia ASEAN đã đồng ý một bản dự thảo bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông thế mà vẫn chưa thể buộc Trung Quốc tham gia, thì liệu 3 quốc gia như Việt Nam, Malaysia, Philippines có thể khiến Trung Quốc chấp nhận ngồi vào bàn để đàm phán các điều khoản đó hay không? Tôi nghĩ là không chỉ Việt Nam, mà cả Malaysia đều phải cân nhắc kỹ vấn đề này.”

    Ngay sau tuyên bố của tổng thống Marcos Jr. về việc soạn thảo một bộ quy tắc ứng xử riêng, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh đã cảnh báo rằng “bất kỳ hành động nào rời xa khuôn khổ và tinh thần của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC đều sẽ vô hiệu”. Tuyên bố này không chỉ cho thấy Trung Quốc chống lại đề xuất của Marcos Jr., mà còn thể hiện quyết tâm của Bắc Kinh ngăn chặn Philippines gây rối loạn tiến trình đàm phán COC giữa ASEAN với Trung Quốc. Ngoài việc thuyết phục hai nước ủng hộ bộ quy tắc ứng xử riêng, Philippines còn đặt mục tiêu lôi kéo Việt Nam và Malaysia vào cuộc chiến chống lại Trung Quốc ở Biển Đông để củng cố vị thế thương lượng của mình. Thông qua hợp tác với các bên tranh chấp khác, Philippines cũng có ý định ngăn chặn Trung Quốc có những hành động gây hấn ở Biển Đông.

    Nhưng trong một bài viết đăng trên trang EastAsiaForum ( Diễn đàn Đông Á ) ngày 02/01/2024, ông Nian Peng, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á Hồng Kông (RCAS), Hồng Kông, cho rằng Việt Nam và Malaysia khó có thể làm theo đề xuất của Marcos về việc xây dựng một COC riêng. Theo nhà nghiên cứu này, khác với Philippines, Việt Nam không có ý định khiêu khích Trung Quốc ở Biển Đông. Thay vào đó, Hà Nội chủ trương dùng biện pháp ngoại giao để quản lý một cách thận trọng các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc mà không gây tổn hại quan hệ song phương. Việt Nam khó có thể tham gia phe chống Trung Quốc của Philippines.

    Đây phần nào cũng là ý kiến của nhà nghiên cứu Hoàng Việt:

    “Về mặt lý thuyết, rõ ràng Việt Nam luôn ủng hộ những sáng kiến nào khiến cho bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông sớm được ra đời và có hiệu lực, mà phải có tính pháp lý cao và phải dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Nhưng trên thực tế thì Việt Nam rất dè dặt với sáng kiến này của Philippines, bởi vì, như đã trao đổi ở trên, Philippines rất năng động đưa ra các sáng kiến, nhưng họ lại làm không chắc chắn, cho nên nhiều lúc Việt Nam lo rằng Philippines có những hoạt động mang tính “phiêu lưu” và điều này thì hoàn toàn Việt Nam không muốn, đặc biệt trong bối cảnh mà Việt Nam mới đưa mối quan hệ với Trung Quốc lên tầm cao hơn, sau chuyến đi của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang Việt Nam vào tháng 12 năm ngoái.

    Nói cho cùng Việt Nam rất muốn ủng hộ Philippines hoặc là muốn Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông sớm ra đời, nhưng Việt Nam lo ngại, một là sự phiêu lưu trong các quyết định của Philippines, hai là sự chia rẽ vẫn còn rất lớn trong nội bộ ASEAN, ba là sức mạnh của Trung Quốc. Trung Quốc vẫn muốn sử dụng ASEAN và sử dụng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông như là một công cụ để loại các quốc gia khác như Hoa Kỳ khỏi việc đàm phán này.

    Philippines là một đồng minh của Mỹ, nên dựa hẵn vào Mỹ, luôn viện dẫn Hiệp định hổ tương quân sự ký với Mỹ 1951. Trong khi đó, Việt Nam chọn cách khác, đó là dựa vào sức mình. Trong lúc Việt Nam đang "đu dây", gọi một cách chính thống hơn là "cân bằng quan hệ" với Mỹ và với Trung Quốc. Đương nhiên Việt Nam "cân bằng" không có nghĩa là sẽ nhượng bộ Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, một trong những vấn đề gay góc nhất trong mối quan hệ. Nhưng Việt Nam hiểu rằng tranh chấp Biển Đông sẽ kéo rất dài và trước mắt Việt Nam phải làm sao duy trì được môi trường hòa bình để tránh xung đột quân sự và để Việt Nam có không gian để phát triển được. Tức là phải vừa giữ được chủ quyền biển đảo của đất nước, nhưng phải duy trì được sự phát triển kinh tế và từ phát triển kinh tế mới tăng cường được sức mạnh quốc phòng của mình.

    Bản thân nhiều học giả Philippines bạn của tôi cũng đặt vấn đề là liệu Mỹ có thực tâm giúp Philippines hay không? Nghi ngại của họ không phải là không có lý: Vào năm 2012, Trung Quốc đã chiếm đoạt bãi cạn Scaborough của Philippines mà phía Mỹ chỉ đưa ra vài lời phản đối thôi, không đủ để khiến Trung Quốc dừng tay.”

    Còn Malaysia từ lâu đã duy trì cách tiếp cận không đối đầu trong các tranh chấp ở Biển Đông. Bất chấp căng thẳng ở Biển Đông, chính phủ Malaysia luôn nhấn mạnh đến giải pháp ngoại giao. Kể từ khi thủ tướng Anwar Ibrahim nhậm chức vào tháng 11/2022, quan hệ giữa Malaysia với Trung Quốc thậm chí còn chặt chẽ hơn. Ưu tiên hàng đầu của chính quyền Anwar là tăng trưởng kinh tế thay vì gây bất ổn ở Biển Đông.

    Indonesia cũng đã có những sáng kiến để quy tụ một số nước ASEAN đối đầu với Trung Quốc, nhưng vẫn không có kết quả mong muốn, như ghi nhận của nhà nghiên cứu Hoàng Việt:

    "Bốn quốc gia mà Trung Quốc luôn cho tàu xâm phạm liên tục vào vùng đặc quyền kinh tế là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia. Năm trước, Indonesia đã có sáng kiến là thành lập liên minh cảnh sát biển giữa 4 quốc gia này hoặc cùng với các nước ASEAN. Nhưng cho tới nay, các bước tiến hành khá là chậm chạp.

    Indonesia cũng đã có sáng kiến là tổ chức các cuộc tập trận chung của các nước ASEAN. Năm vừa qua cũng đã có thực hiện nhưng không có nhiều nước tham gia, trong đó có Philippines."

    Dầu sao, vì là hai nước đều có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông và thường xuyên bị Trung Quốc sách nhiễu, uy hiếp ở vùng biển này, Việt Nam và Philippines buộc phải tăng cường hợp tác chiến lược để đối đầu với địch thủ chung. Cụ thể, theo báo chí Philippines, nhân chuyến viếng thăm Việt Nam của tổng thống Marcos Jr., Manila và Hà Nội sẽ ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác giữa lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và Tuần duyên Philippines. Về kinh tế, tổng thống Marcos Jr. hy vọng trong chuyến đi lần này Manila sẽ ký được với Hà Nội một hiệp định mua gạo của Việt Nam để bảo đảm an ninh lương thực cho Philippines.

  • Nằm ở khu đất vàng Hà Nội và bị bỏ hoang từ nhiều năm, căn biệt thự Pháp cổ ở số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài, dự kiến đón khách tham quan dịp Tết Nguyên đán sau hơn một năm trùng tu. Thêm một địa điểm ở Hà Nội để công chúng có thể tìm hiểu sự giao thoa văn hóa, kiến trúc và lối sống tại khu phố Pháp đầu thế kỷ XX.

    Đây cũng là kết quả hợp tác giữa UBND quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội và đơn vị cố vấn là vùng Ile-de-France và Cơ quan hỗ trợ Hợp tác Quốc tế vùng Ile-de-France tại Việt Nam (PRX).

    Biệt thự có hai lối vào, nhưng lối chính nằm ở 49 Trần Hưng Đạo, theo giải thích của ông Emmanuel Cerise, giám đốc PRX, hỗ trợ chuyên môn cho dự án :

    “Khi chúng tôi bắt đầu trùng tu ngôi nhà, gian phòng chính ở tầng trệt nhìn ra phố Hàng Bài đã được mở thêm một cửa kính lớn để làm cửa hàng. Nhìn như vậy, ta có cảm giác là lối vào chính nằm ở phố Hàng Bài. Nhưng nhìn vào bố cục và lịch sử của ngôi nhà thì lại khác.

    Vì đây là một tư dinh nên không có nhiều tài liệu lưu trữ, khác với các công trình công được xây dựng lúc đó. Tuy nhiên, người ta có thể thấy ngôi nhà này xuất hiện trên rất nhiều bản đồ quy hoạch đô thị hoặc quân sự của thành phố Hà Nội. Ví dụ ngôi nhà này không có trên một bản đồ năm 1893, nhưng xuất hiện trên một bản đồ năm 1895, 1898. Như vậy có thể áng chừng thời gian xây dựng biệt thự này trùng thời điểm mở đại lộ Gambetta (phố Trần Hưng Đạo hiện nay), nằm trong số bốn trục lộ lớn của khu phố Pháp. Đây là phố cuối cùng ở phía nam Hà Nội.

    Biệt thự được xây xong cùng lúc đại lộ Gambetta hoàn tất. Lúc đó, phố Hàng Bài (hiện giờ rộng như phố Trần Hưng Đạo) chỉ là một đường mòn để ra khỏi thành phố. Cho nên có thể hình dung rằng lối vào chính là từ phố Trần Hưng Đạo, lúc đó là đại lộ mới mở. Phía Hàng Bài có lẽ là một khu vườn rất rộng, gấp đôi diện tích vườn hiện nay và là khu riêng tư của biệt thự. Căn cứ vào bố cục biệt thự, từ phía Trần Hưng Đạo, chúng ta bước vào một gian dẫn đến phòng khách, phòng ăn, khu vực cầu thang lên tầng. Bố cục này hoàn toàn phù hợp với “lối vào” theo kiểu Pháp”.

    Kiến trúc Pháp thích ứng với điều kiện tự nhiên Việt Nam

    Khu sân nhỏ dẫn đến bậc tam cấp lên nhà. Ngay bên trái cầu thang là tấm kính che một phần nền cũ của ngôi nhà, thấp hơn nền sân hiện tại, được phát hiện trong quá trình trùng tu.

    “Khi đào móng làm lại cầu thang đã bị phá, chúng tôi phát hiện ra nền móng cũ của biệt thự, thấp hơn 45 cm so với nền hiện nay. Phần hiên được lát gạch, tiếp theo là rãnh nước cách tường nhà khoảng 1 mét, tất cả chạy vòng quanh ngôi nhà để nước không trôi vào làm hỏng nhà. Rãnh này cũng làm ranh giới giữa phần hiên gạch và vườn ở phía bên kia. Chúng tôi giữ lại một phần hiên và rãnh gần lối vào chính và lắp kính ở trên, bởi vì khu vực mở này còn cho phép thấy được “khu bán hầm vệ sinh”. Thực ra đây là phần trống nhằm tách nền nhà khỏi mặt đất để tránh hơi ẩm, vì chúng ta biết là ở Việt Nam mưa nhiều, Hà Nội nằm ở đồng bằng nên các mạch nước ngầm rất gần. Nhờ cách làm này, ngôi nhà đã gần 130 tuổi vẫn là một công trình còn khá sạch vì không bị ẩm.

    Đó là những chi tiết nhỏ mà chúng tôi muốn giữ lại để cho thấy những phần không còn. Ngôi nhà có hai hệ thống chống ẩm hiệu quả : rãnh thoát nước để tránh tù đọng và tầng bán hầm vệ sinh làm vùng đệm giữa tường, nền nhà và mặt đất. Xây nhà trên tầng bán hầm như này thường tốn kém hơn, nhưng rất hiệu quả để chống ẩm. Thường thì trong những ngôi nhà không được xây theo hệ thống này, ẩm mốc sẽ lan khắp nhà”.

    Sau cánh cửa chính là gian phòng dẫn đến nhiều phòng khác và khu cầu thang, được ông Emmanuel Cerise nói ở trên. Trần nhà trơ khung thép, tường cầu thang cũng không được trát. Nhưng đây là chủ ý trong dự án nhằm “giải thích một số kỹ thuật Pháp được thích ứng ở Việt Nam”.

    “Trần ở đây được làm từ các cột thép, gọi là xà dọc, thêm một lớp rầm, sau đó là sàn của tầng trên. Đây không phải là kỹ thuật truyền thống Việt Nam. Ở Pháp, trần nhà thường được trát thạch cao. Nhưng ở nhà này không có, vì quá ẩm. Có thể vào đầu thời Pháp, người ta cũng dùng thạch cao, nhưng không được lâu vì không chịu được không khí quá ẩm ở Việt Nam, nên họ sử dụng hỗn hợp vôi rơm. Chúng tôi thấy chúng dính trên kèo nhà và trên đinh. Đó là kỹ thuật truyền thống được sử dụng ở những nước nóng ẩm châu Á. Chúng tôi áp dụng kỹ thuật đó trong những căn phòng khác, trừ gian này để cho thấy khung trần nhà ban đầu. Mái ở tầng trên cũng được để như vậy.

    Ở khu vực cầu thang lên tầng, chúng tôi cũng không trát một số chỗ, để lộ gạch gốc trên tường. Mục đích là nhằm giải thích một chút về kiểu kỹ thuật khá đặc biệt này ở cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX”.

    Tương tự trên nền nhà, một vài viên gạch bị thiếu vẫn để trống.

    “Nền nhà tầng trệt (tầng 1) vẫn giữ được gạch lát gốc hình lục lăng. Chúng tôi đã cậy 1, 2 viên để xem và thấy tên một công ty ở tỉnh Var (miền nam Pháp), giờ không còn, được in trên đó. Những viên gạch này mang đặc trưng của tỉnh Var. Chúng tôi không rõ ngói ở biệt thự này có điểm đặc biệt gì, không nhưng ở nhiều ngôi nhà khác ở Việt Nam, rất nhiều ngói cũ được in tên từ Marseille (miền nam Pháp) bởi vì đó cũng là một hải cảng, nơi xuất phát mọi hàng hóa. Cho nên gạch lát đến từ Var và ngói đến từ Marseille là chuyện bình thường”.

    Đi hết cầu thang xoắn ốc, được làm lại hoàn toàn bằng thép và gỗ vì cầu thang cũ không còn, là đến tầng hai, chủ yếu gồm các phòng ngủ, phòng làm việc, đầy ánh sáng từ cửa sổ được lắp khắp nơi.

    “Khung kèo mái được làm bằng kim loại. Khi được giao trùng tu, biệt thự chỉ còn khung kèo, không còn lợp. Khung kèo mái được làm theo đúng kỹ thuật truyền thống cuối thế kỷ XIX ở Pháp, có nghĩa là làm bằng thép. Xây dựng bằng kim loại phát triển rất mạnh tại Pháp vào thời kỳ đó, như chúng ta thấy tháp Eiffel, rất nhiều cây cầu bằng thép. Vì thế, thép được sản xuất rất nhiều. Nhưng ở Việt Nam lại không có, vì chính quyền thuộc địa không phát triển ngành luyện kim tại đây, cho nên họ đã nhập xà thép từ Pháp để làm khung kèo, lắp thêm xà gồ để giữ ngói. Ngói cũng không có ở Việt Nam. Thực ra là không rõ lắm ! Nhưng chắc chắn là chúng tôi không tìm thấy ngói trong những ngôi nhà khác nên những viên ngói đầu tiên cũng được nhập từ Pháp”.

    Nguyên nét đặc trưng biệt thự Pháp cổ

    Các gian trong biệt thự được phân bổ theo đúng kiến trúc Pháp thời đó. Lối vào, phòng khách, phòng ăn nằm ở tầng 1, trên tầng là các phòng ngủ, một nhà tắm, một nhà vệ sinh. Nhưng điều ngạc nhiên, được kiến trúc sư Emmanuel Cerise nhắc đến, là trong nhà không có vết tích của bếp.

    “Thực ra, vào thời đó, các biệt thự Pháp đều có một nhà phụ nơi những người giúp việc (được gọi là “boys”) là người Việt sinh sống và cũng làm nhà bếp. Khi đào sâu thêm dưới đất, chúng tôi thấy móng của một nhà phụ đó nhưng bị phá hoàn toàn nên không thể biết thêm được gì.

    Vì vậy, chúng tôi quyết định xây thêm một khu phụ, trong đó có nhà vệ sinh để không phải xây thêm nhà vệ sinh trong biệt thự chính, có nghĩa là sẽ không phải đấu nước và sẽ tránh được nguy cơ rò rỉ nước mà chúng ta vẫn biết hệ thống nước thải hiện vẫn khá phức tạp ở Việt Nam. Ngoài ra, trong ngôi nhà phụ đó còn có một gian lớn mà chúng tôi muốn mở một hàng cà phê để khách tham quan có thể lên trần, nhâm nhi cà phê ngắm biệt thự từ trên cao”.

    Gạch, ngói thay thế được sản xuất tại Việt Nam. Biệt thực được quét vôi màu vàng và đỏ đậm. Khi mới quét xong, mầu vôi mới bị chê là “chưa thuận mắt” nhiều người. Ông Emmanuel Cerise giải thích cách tìm ra màu gốc.

    “Vì biệt thự bị bỏ hoang từ lâu và được sơn đi sơn lại nhiều lần. Chúng tôi cạo hết các lớp trát sau này và phát hiện ra lớp sơn cũ. Ở Pháp rất dễ làm lại được loại sơn cũ, chỉ cần gửi mẫu tới một phòng thí nghiệm để phân tích thành phần hóa học màu gốc, cũng như vật liệu gốc đã được sử dụng. Khi bắt đầu cải tạo ngôi nhà này, chúng tôi cũng lấy mẫu. Tôi đề xuất gửi sang Pháp phân tích, vì ở Việt Nam hiện chưa có cơ quan nào có thể phân tích kiểu này, nhưng phía đối tác Việt Nam cho rằng không thực sự cần thiết. Đó có thể là một trong những hạn chế, tương tự với gạch lát, lẽ ra cũng nên nhập từ Pháp. Nhưng có lẽ hơi phức tạp cho phía Việt Nam”.

    Công trình thí điểm cho gần 100 biệt thự cổ ở Hà Nội

    Biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài là công trình biệt thự đầy tiên của Hà Nội được làm một cách bài bản và có kinh phí lên gần 15 tỷ đồng.

    “Tại sao lại chọn biệt thự này ? Vì người ta nghĩ là ngôi nhà bị ma ám. Tôi không biết hết chuyện, nhưng hình như là ai đó đã chết thảm thương trong nhà. Người Việt khá mê tín nên không muốn sống trong ngôi nhà bị ma ám. Dù ngôi nhà nằm giữa trung tâm thành phố, được coi là khu đất vàng, nhưng chẳng ai quan tâm đầu tư vào ngôi nhà.

    Trước đó, trong khu đất của biệt thự này có 25 hộ gia đình sinh sống, nhưng không ai sống trong ngôi nhà rộng 100 m2, cao hai tầng, có nghĩa là khoảng 200 m2, trên toàn bộ diện tích đất 900 m2. Ngôi nhà bị bỏ hoang, còn người dân sống trong những căn nhà tạm trong vườn. Quá trình bồi thường, tái định cư cũng kéo dài. Phía đối tác Việt Nam của chúng tôi tốn rất nhiều thời gian để giải tỏa khu đất”.

    Là dự án thí điểm để trùng tu khoảng 100 biệt thự Pháp trong kế hoạch của thành phố Hà Nội, biệt thự 49 Trần Hưng Đạo sẽ trở thành Trung tâm Thông tin Phố cũ (theo mô hình Centre d’interprétation du Patrimoine - Trung tâm giải thích di sản của Pháp) nhằm giới thiệu : Cuộc sống của một gia đình Pháp vào thời kỳ đó ra sao ? Sự giao thoa văn hóa Pháp-Việt diễn ra như nào ?

  • Năm 2023, Việt Nam và Pháp đánh dấu kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược. Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ hai của Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực từ khoa học công nghệ đến văn hóa. Về quốc phòng, hai nước đã ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giai đoạn 2018-2028 và Hiệp định khung về hợp tác quốc phòng.

    Tuy nhiên, hợp tác quốc phòng giữa hai nước hiện chỉ dừng ở “phần mềm”. Hoạt động song phương gần đây nhất là Đối thoại hợp tác và chiến lược quốc phòng Việt - Pháp lần thứ ba tại Paris ngày 18/12/2023. Theo trang Vietnam News ngày 20/12, hai bên nhất trí trong thời gian tới, “tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng thiết thực, hiệu quả […] nghiên cứu ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác, huấn luyện, tăng cường hợp tác quân y, hợp tác về an ninh biển, an ninh mạng, chống khủng bố và khắc phục hậu quả sau chiến tranh”.

    Dù Việt Nam đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, Pháp vẫn không thể “chen chân” với các đối tác khác của Hà Nội. Lý do tại sao ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, chuyên về an ninh hàng hải và các vấn đề hải quân, Đại học New South Wales, tại Canberra, Úc.

    RFI : Một số nhà sản xuất vũ khí, trang thiết bị quốc phòng Pháp tham gia Triển lãm Quốc phòng Quốc tế 2022 và cho biết sẵn sàng hợp tác với các đối tác Việt Nam. Hiện giờ Pháp hợp tác với Việt Nam trong những mảng nào ?

    Nguyễn Thế Phương : Hiện nay, quan hệ quốc phòng Việt-Pháp có nhiều mảng khác nhau, có cả mua bán vũ khí, nhưng phần lớn liên quan đến những lĩnh vực hợp tác mang yếu tố ngoại giao quốc phòng. Ví dụ Pháp hỗ trợ Việt Nam mảng gìn giữ hòa bình. Pháp đào tạo cho các sĩ quan Việt Nam một số mảng như quân y, tình báo, công nghiệp quốc phòng. Hai bên phối hợp tăng cường thấu hiểu lẫn nhau, như trao đổi quan điểm trong các tổ chức đa phương.

    Mối hợp tác như vậy nổi trội hơn hẳn so với “phần cứng”, ví dụ mua bán vũ khí. Hiện nay, chỉ có Airbus là có hợp tác quốc phòng “sâu rộng” với Việt Nam. Nhưng phải nói Airbus không phải là của Pháp mà là của châu Âu. Mua bán ở đây chủ yếu là máy bay trực thăng. Việt Nam hiện có tầm 12-15 máy bay trực thăng mua từ Airbus. Mối quan hệ giữa quân đội Việt Nam với Airbus cũng tương đối ổn khi mà danh mục mua sắm vũ khí của Việt Nam đang quan tâm tới rất nhiều loại máy bay. Mục đích chủ yếu hiện nay mới là tìm hiểu và xem sắp tới Việt Nam có thể hợp tác nhiều hơn với Pháp hay không, đặc biệt là thông qua Airbus.

    Ngoài lĩnh vực hàng không còn phải nói đến lĩnh vực vũ trụ khi mà Pháp hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề chế tạo một số loại vệ tinh nhỏ, ví dụ VNREDSat. Đó là một loại vệ tinh mà Việt Nam và Airbus hợp tác với nhau liên quan tới hàng không vũ trụ. Còn những vấn đề mua bán vũ khí không được nổi trội lắm.

    Hiện tại, hợp tác quốc phòng Việt-Pháp không nổi bật lắm khi so với hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước khác, ví dụ với Israel hay với Ấn Độ.

    RFI : Vũ khí, khí tài của Pháp - một trong những cường quốc quân sự hàng đầu thế giới - vắng bóng trong kho của Việt Nam. Đâu là lý do giải thích cho hiện tượng này ?

    Nguyễn Thế Phương : Có khá nhiều lý do. Hợp tác quốc phòng Việt-Pháp thực ra đã được khởi động từ những năm 1990 khi Việt Nam bắt đầu bình thường hóa với các nước phương Tây, cũng như tìm cách hội nhập với thế giới. Một trong những nước đầu tiên mà Việt Nam tiếp cận liên quan đến vấn đề hiện đại hóa, chính là Pháp. Điển hình là hợp đồng Việt Nam muốn mua khoảng 12 máy bay Mirage-2000 của Pháp trong những năm 1995-1996. Hợp đồng đó bị đổ bể bởi vì trong giai đoạn đó Việt Nam vẫn bị cấm vận vũ khí. Mỹ là nước ngăn cản thương vụ đó.

    Từ giai đoạn đó cho tới gần đây, rõ ràng là vũ khí Pháp, đặc biệt là các vũ khí mang tính “nóng”, tức là đánh nhau được và các vũ khí phức tạp, hoàn toàn không thể chen chân vào thị trường vũ khí Việt Nam được.

    Thứ nhất là do vấn đề chính trị, cấm vận vũ khí tới tận 2016 Mỹ mới dỡ bỏ. Thứ hai là vấn đề tích hợp. Điểm này cũng giống với tất cả các loại vũ khí phương Tây khác khi mà Việt Nam đã sử dụng vũ khí hệ Nga-Liên Xô quá lâu. Có nghĩa là toàn bộ chi phí vận hành, bảo dưỡng, huấn luyện, mua sắm liên quan đến hệ vũ khí Nga-Liên Xô nên khi chuyển đổi một hệ vũ khí khác thì sẽ rất tốn kém. Nhưng đó chỉ là một phần. Điểm tiếp theo là giá của vũ khí, đặc biệt là các loại như máy bay, tầu chiến, có nghĩa là các loại vũ khí lớn của Pháp quá mắc. Điều này dẫn tới Việt Nam khá e ngại mua các loại vũ khí của Pháp nói riêng. Vì ngoài Airbus, Pháp còn có nhiều nhà thầu lớn như Dassault, nhưng những loại vũ khí đó so với nhu cầu của Việt Nam hiện tại thì giá thành mắc. Cho nên Việt Nam phải có những lựa chọn khác, rẻ hơn nhưng phù hợp với chi phí vận hành, bảo dưỡng, huấn luyện mà Việt Nam hiện có. Đó cũng là một trong những ba lý do chính.

    Ngoài ra còn có những lý do đằng sau, ví dụ liên quan đến tham nhũng. Ví dụ hợp đồng Việt Nam mua ba máy bay vận tải tầm trung của Airbus. Mặc dù không liên quan đến Pháp lắm nhưng có vấn đề liên quan đến cách hai bên mua sắm vũ khí. Quá trình mua sắm vũ khí gặp phải một số bất trắc dẫn tới là hai bên nhiều khi không tìm được tiếng nói chung để có thể đi tới hoàn tất hợp đồng đó. Tham nhũng là một phần. Đây là một yếu tố phụ.

    Do đó, vũ khí Pháp, cho tới thời điểm hiện tại, hầu như vắng bóng trong toàn bộ quá trình thảo luận liên quan đến hiện đại hóa, cả trong quá khứ lẫn hiện tại.

    RFI : Chúng ta thấy Pháp bán vũ khí cho Indonesia, Malaysia. Ngoài những lý do như vừa nêu về giá, khả năng tích hợp, cấm vận cho đến năm 2016, liệu còn có trở ngại nào khác không, ví dụ vấn đề địa-chính trị, điểm nóng Biển Đông có liên quan đến Trung Quốc ?

    Nguyễn Thế Phương : Vấn đề ở đây không phải là từ phía Pháp mà là nhu cầu, cũng như sự lựa chọn của Việt Nam như thế nào. Vấn đề chính từ phía Việt Nam cũng không hẳn là vấn đề lo ngại Trung Quốc hay điều gì khác. Bởi vì nếu lo ngại với Trung Quốc thì Việt Nam đã không hợp tác sâu hơn với Mỹ về vấn đề quốc phòng. Tức là Việt Nam đã hợp tác với Mỹ rồi thì không có cớ gì mà không hợp tác với Pháp được cả. Phải nhấn mạnh như vậy !

    Cái chính vẫn là liên quan tới vấn đề giá cả, cũng như lợi ích của loại vũ khí. Bởi vì hiện nay, so với các loại vũ khí Pháp, đặc biệt là những loại vũ khí lớn như máy bay chiến đấu, tầu chiến, thì lựa chọn thay thế của Việt Nam rất là nhiều. Mặc cho cuộc chiến của Nga ở Ukraina, quan hệ hợp tác quốc phòng Việt-Nga hiện nay vẫn tốt. Ngoài ra còn có rất nhiều quốc gia khác có thể cung cấp vũ khí tương tự với giá rẻ hơn, ví dụ trong tương lai là Hàn Quốc hoặc các quốc gia Đông Âu như CH Séc và đặc biệt là Mỹ, khi mà quan hệ Việt-Mỹ giờ đã lên mức “đối tác chiến lược toàn diện” thì khả năng trong tương lai ngắn, tầm 5 năm nữa, Mỹ chuyển giao cho Việt Nam một số loại vũ khí “bự”, chẳng hạn máy bay, có tin đồn Mỹ có thể cung cấp F-16 cho Việt Nam.

    Điều này dẫn tới khả năng cạnh tranh của các loại vũ khí Pháp nói riêng và Tây Âu nói chung ở thị trường Việt Nam hiện nay tương đối là yếu và khả năng có được một hợp đồng lớn nào đó giữa Việt Nam và Pháp hiện nay khá là thấp.

    Ngoài những vũ khí mà Tây Âu có thế mạnh, như trực thăng, cũng như những loại máy bay vận tải tầm trung, thì còn có khả năng nhưng thị trường đó hiện cũng bị cạnh tranh rất gay gắt, trong đó phải kể đến những nước có thể cạnh tranh nhất, ví dụ Nga - thị trường truyền thống của Việt Nam, tiếp theo là Hàn Quốc khi họ bắt đầu vươn lên thành một quốc gia xuất khẩu vũ khí đứng hàng thứ 4, thứ 5 trên thế giới. Do đó, khả năng cạnh tranh của vũ khí Pháp hiện nay ở thị trường Việt Nam cũng xuống đi rất nhiều.

    Nói tóm lại vẫn là yếu tố khả năng cạnh tranh của vũ khí Pháp và nhu cầu của Việt Nam thông qua đánh giá về giá cả cũng như lợi ích mà vũ khí đó mang lại cho Việt Nam cũng như với chiến lược quốc phòng tổng thể của Việt Nam. Còn vấn đề liên quan đến địa-chính trị cũng có nhưng không quan trọng trong cân nhắc của Việt Nam, đặc biệt là liên quan đến mua bán vũ khí hoặc tiềm năng hợp tác quốc phòng với Pháp.

    RFI : Vậy trong tương lai, Pháp và Việt có thể tiếp tục hợp tác trên khía cạnh nào ?

    Nguyễn Thế Phương : Vấn đề có thể được đẩy mạnh trong tương lai là hai bên tăng cường hợp tác công nghiệp quốc phòng. Ví dụ Pháp và Việt Nam có một số chương trình hợp tác chung để phát triển chung một loại vũ khí nào đó hoặc phát triển được một công nghệ vũ khí nào đó cho Việt Nam. Điều này có thể có khả năng xảy ra, thậm chí là còn cao hơn rất nhiều so với việc Việt Nam mua một loại vũ khí nào đó của Pháp. Bởi vì chính sách hiện nay của Việt Nam cũng là ưu tiên tăng cường kết nối giữa Việt Nam và các nước tiên tiến và giúp đỡ Việt Nam phát triển công nghiệp quốc phòng thay vì mua sắm vũ khí của nước ngoài.

    Ưu tiên này cũng dẫn tới khả năng trong tương lai ngắn sẽ không có một hợp đồng lớn nào liên quan đến kiểu mua máy bay, tầu ngầm, tầu chiến mà chỉ là những “phần mềm” đằng sau : hợp tác về gìn giữ hòa bình, huấn luyện cũng như là liên quan tới công nghiệp quốc phòng là chủ yếu.

    RFI Tiếng Việt xin trân thành cảm ơn nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, Đại học New South Wales, Canberra, Úc.

  • Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 1/11, so với nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, giá gạo Việt Nam đang có mức cao nhất. Cụ thể, giá gạo tấm 5% của Việt Nam đã lên tới 653 đôla/tấn, cao hơn nhiều so với giá gạo Thái Lan ( 560 đôla/tấn ).

    Theo Báo Điện tử Chính phủ, Bộ Công Thương uớc 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 7,1 triệu tấn gạo, trị giá gần 4 tỷ đôla, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch 4 tỷ đôla chỉ trong 10 tháng năm 2023 được coi là con số cao nhất sau 34 năm gạo Việt tham gia vào thị trường thế giới. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong cả năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 8,2 triệu tấn gạo.

    Nguyên nhân chủ yếu khiến giá gạo Việt Nam tăng cao, theo các chuyên gia, thứ nhất là do nhu cầu của thị trường thế giới hiện rất lớn mà nguồn cung lại đang giảm đi và thứ hai là chất lượng gạo Việt Nam ngày càng cao.

    Biến đổi khí hậu khiến nguồn cung gạo trên toàn cầu suy giảm, nhiều quốc gia phải tìm mua lượng gạo lớn để tăng nguồn dự trữ lương thực. Những nước như Indonesia, Trung Quốc, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ hay Chilê đều tăng nhập khẩu gạo.

    Trong khi đó, một số nước vì lo ngại cho an ninh lương thực quốc gia nên đã cấm xuất khẩu gạo. Chẳng hạn như Ấn Độ vào tháng 7 năm nay đã ra lệnh cấm xuất khẩu gạo không phải là gạo basmati. Gạo không phải là basmati là gạo rẻ tiền, vốn chiếm đến một phần ba tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ, hiện là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Ấn Độ đã dự kiến gỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo trong tháng 10, nhưng đến nay vẫn chưa bỏ lệnh này, cho nên thế giới vẫn thiếu hụt nguồn cung từ nước này.

    Trong khi đó, với sản lượng trên 43 triệu tấn lúa, ngoài việc dành cho tiêu thụ nội địa, chế biến, dự trữ, Việt Nam có thể đảm bảo xuất khẩu 7,5 - 8 triệu tấn gạo.

    Như vậy gạo của Việt Nam hiện đang có những lợi thế gì, trả lời RFI Việt ngữ, giáo sư Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng danh dự Đại học Nam Cần Thơ, cho biết

    “ Việt Nam có kỹ thuật trồng lúa của đồng bằng sông Cửu Long, chọn giống lúa ngắn ngày, tức là ngắn hơn 100 ngày. Trong quá trình gần 40 năm nay, chất lượng của gạo Việt Nam đã được cải tiến rất nhiều, đặc biệt là vào năm 2019, hai loại gạo ngắn ngày của Việt Nam được quốc tế vinh danh tại hội nghị về gạo ở Philippines là hai loại gạo ngon nhất thế giới, vừa dẻo, ngon cơm, đồng thời có mùi thơm gần giống như gạo thơm của Thái Lan. Giống lúa Việt Nam chọn ra là giống lúa ngắn ngày, đó là lợi thế thứ nhất.

    Thứ hai, vùng được chọn là vùng an ninh lương thực là vùng dọc theo biên giới Cam Bốt, khi sông Cửu Long vừa vào tới Việt Nam. Chúng ta sử dụng nước sông ở khu vực này đưa sang sông Tiền, nối với một con kênh gọi là "kênh trung ương" đưa nước sang tới tận Long An. Dọc theo con kênh này có rất nhiều kênh sườn để đưa nước xuống phía dưới vùng cao sản này.

    Phía bên tay trái là sông Hậu thì chúng ta lấy nước từ Tân Châu qua kênh Vĩnh Tế ra gần tới Hà Tiên. Dọc theo con kênh này người ta cũng đã đào rất nhiều con kênh sườn. Vùng là khoảng 1 triệu 500 hectare đất rất là tốt, với nước ngọt luôn có sẵn. Nước mặn ở biển lên thì chưa tới chỗ đó.”

    Cũng theo giáo sư Võ Tòng Xuân, một thế mạnh nữa đó là dọc theo vùng ven biển, mặc dù có nước mặn, nhưng trong mùa mưa, chúng ta có thể sản xuất một vụ lúa cao sản cũng với chất lượng rất cao. Đồng thời nước mặn không ảnh hưởng trong mùa mưa. Sau khi nông dân thu hoạch lúa thì hết mưa và nước mặn tràn vào, thì họ thả tôm giống để nuôi tôm, làm tăng thêm lợi tức. Còn vùng ở giữa từ Đồng Tháp qua đến Tiền Giang, Vĩnh Long là vùng trước đây trồng 3 vụ lúa nhưng không có chất lượng cao, nên bây giờ nông dân chuyển sang trồng cây ăn quả ( xoài, sầu riêng, mít, sa pô chê… ).

    Theo đánh giá của giáo sư Võ Tòng Xuân, có thể nói là toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thích nghi được biến đổi khí hậu, nhất là trong những năm vừa qua. Trong những năm tới, với cách quy hoạch, bố trí như thế này, các vụ lúa vẫn có thể hưởng được thiên nhiên của sông Cửu Long, cũng như thời tiết mùa mưa của vùng đồng bằng này, và như vậy Việt Nam luôn có dư lượng gạo để xuất khẩu.

    Theo cách phân loại của Thái Lan thì có hai loại: gạo thơm thì chỉ trồng được một vụ/năm, còn gạo trắng, tức là gạo từ lúa cao sản, thì có thể trồng 2 vụ/năm. Gạo thơm, ngon cơm của Việt Nam được xếp vào loại gạo trắng Thái Lan, được bán với giá gần 900 đôla/tấn, trong khi đó gạo trắng của Thái Lan chỉ được bán với giá trên 500 đôla. Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, đây là cơ hội để gạo Việt Nam vượt qua gạo Thái Lan, và luôn có đủ để cung cấp cho các nước xung quanh, cho một phần Trung Đông và một phần châu Phi.

    Với lợi thế như hiện nay, làm sao để đẩy mạnh quảng bá trên thị trường quốc tế để gạo Việt Nam duy trì uy tín một cách lâu dài? Giáo sư Võ Tòng Xuân đề xuất:

    “Theo thông tin tôi nắm được, các siêu thị Á Châu, nhất là siêu thị của người Việt Nam mình ở châu Âu, đã nhập gạo thơm của Việt Nam. Tuy nhiên, bây giờ chúng ta phải làm kỹ hơn nữa để giữ vững uy tín của gạo Việt Nam.

    Thứ nhất là phải đặc biệt làm việc với tất cả bà con nông dân để thực hiện quy trình sản xuất “sạch”. Tôi không dám nói là sản xuất gạo hữu cơ, bởi vì gạo hữu cơ thì năng suất không cao. Nhưng khi ta làm theo quy trình “sạch” thì cũng gần như là hữu cơ, nhưng có châm thêm một ít phân hóa học để giúp cây lúa phát triển nhanh hơn và có năng suất cao hơn.

    Với cách làm này, chúng ta sẽ thay đổi phương pháp bón phân hóa học, trước hết là giảm phân hóa học ít nhất là 50%, rồi phải bón phân lót để giảm thiếu khí nhà kính, vì nếu chúng ta bón phân lót thì khí đạm không bị ôxy hóa, làm cho chất đạm hoàn toàn còn ở trong đất để cung cấp cho cây lúa. Trong khi đó bà con nông dân chúng ta bón thêm phân hữu cơ và vi sinh, để thêm các chất vi lượng và các chất khác cho cây lúa, đồng thời cung cấp các loại vi sinh cho cây lúa hấp thụ lên trên thân cây. Từ đó cây lúa không bị bệnh và nông dân giảm bớt sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng của mình.

    Theo hướng này thì các doanh nghiệp chế biến gạo để xuất khẩu luôn có một nguyên liệu rất tốt, vừa sạch, vừa có chất lượng ngon cơm.

    Tôi hy vọng là với cách làm này, chúng ta có thể giữ được uy tín của gạo Việt Nam. Đồng thời tôi rất mong là tới đây, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ rất năng nổ, đi các nơi để giới thiệu gạo ngon của mình với giá tương đối thấp hơn, nhưng đồng thời luôn có đủ để cung cấp cho các khách hàng. Như thế này thì gạo Việt Nam có thể vươn xa và đạt kết quả tốt, trong khi đó bà con nông dân hưởng được một lợi thế là luôn luôn có đầu ra để tiêu thụ sản phẩm của họ.”

    Thật ra thì về lâu dài, Việt Nam sẽ không tiếp tục xuất khẩu gạo với khối lượng như hiện nay. Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030, được chính phủ phê duyệt vào tháng 5/2023, dự trù giảm khối lượng xuất khẩu đến năm 2030 xuống còn khoảng 4 triệu tấn/năm và như vậy là kim ngạch xuất khẩu gạo sẽ giảm xuống còn khoảng 2,60 tỷ đôla so với 3,45 tỷ đôla năm 2022. Mục tiêu chính là nhằm "thúc đẩy xuất khẩu gạo chất lượng cao, bảo đảm an ninh lương thực trong nước, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu".

  • Khoảng 7 giờ tối, phố Bùi Viện ở thành phố Hồ Chí Minh lên đèn, nhiều quán bar bắt đầu mở nhạc hết công suất để thu hút du khách nước ngoài đến khám phá khu phố « Tây » về đêm. Khách du lịch nước ngoài đã trở lại Việt Nam đông hơn nhưng vẫn chưa được như trước đại dịch Covid-19. Tương tự, ở trung tâm thủ đô Hà Nội, có thể thấy du khách trở lại đông hơn, len lỏi theo dòng xe tấp nập trong những khu phố cổ.

    Thêm nhiều thị trường khách mới

    Năm 2023, Việt Nam đã đón hơn 12,6 triệu lượt khách quốc tế, đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, con số này mới chỉ tương đương với khoảng 69% so với năm 2019. Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản là những thị trường gửi khách đến Việt Nam lớn nhất. Nhưng ngày càng có thêm nhiều khách đến từ những quốc gia mới, theo quan sát chị Kim Ngân, chủ cửa hàng Gourmet Gift phố Hàng Đào, Hà Nội :

    « Lượng khách đến Việt Nam thay đổi khá nhiều về quốc tịch so với ngày trước. Trước dịch Covid-19, khoảng 70% khách đến Việt Nam là khách châu Âu. Hiện giờ, Việt Nam đang là điểm đến, nhờ vào việc chính phủ, cũng như Tổng cục Du lịch đưa ra rất nhiều ưu đãi « kích cầu » về du lịch. Ví dụ đối với khách Ấn Độ, có những chuyến bay thẳng, được miễn thị thực. Hoặc đối với khách trong khu vực Đông Nam Á, họ được hưởng lợi từ những chuyến bay giá rẻ hơn.

    Do đó, về quốc tịch, có thể thấy hiện giờ rất đa dạng. Khách châu Phi cũng có rất nhiều, rồi châu Âu, châu Á, kể cả những đất nước rất xa xôi mà ngày xưa mình không bao giờ nghĩ họ sẽ đến Việt Nam, như Israel hoặc những nước ở vùng Bắc Âu như Đan Mạch, Phần Lan… mà trước đây gần như là không có. Nói chung bây giờ khách Ấn Độ rất nhiều, khách Philippines, Singapore, khách Trung Quốc thì ở đâu cũng có, khách Mông Cổ cũng rất nhiều ».

    Theo trang web Skift ngày 18/12, Việt Nam là điểm đến được người Ấn Độ tìm kiếm nhiều nhất trên Google trong năm 2023 (tiếp theo là Goa, Bali, Sri Lanka, Thái Lan...). Đối với nhiều người Ấn Độ, Việt Nam vẫn là một điểm chưa được khám phá trong khi chi phí du lịch Việt Nam thấp hơn từ 10-15% so với nhiều nước Đông Nam Á khác. Điểm này đặc biệt hấp dẫn giới trẻ Ấn Độ từ 25-35 tuổi vì cùng với ngân sách như vậy, họ nhận được dịch vụ tốt hơn ở Việt Nam. Rất nhiều bloggeur Ấn Độ quảng bá cho du lịch Việt Nam là điểm đến thân thiện với chi phí phải chăng. Du khách cao tuổi Ấn Độ thì bị thu hút bởi các di tích lịch sử, đền chùa ở Việt Nam.

    Đây là một trong những thành công của hàng loạt biện pháp cải cách đối với ngành du lịch trong năm 2023, từ thúc đẩy quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài đến các thỏa thuận về du lịch với các tổ chức du lịch quốc tế tại một số thị trường trọng điểm và đặc biệt là chính sách thị thực mới, thị thực điện tử, linh hoạt hơn, kéo dài thời gian lưu trú cho công dân một số nước mà Việt Nam đơn phương miễn thị thực để thu hút thêm nhiều du khách.

    Cần đa dạng hóa dịch vụ và sản phẩm du lịch

    Trên nhiều trang Facebook cộng đồng Pháp ngữ trao đổi về du lịch Việt Nam, rất nhiều người rất ấn tượng về phong cảnh đa dạng của Việt Nam. Các tỉnh miền núi phía bắc thu hút sự chú ý đặc biệt của khách phương Tây vì có sở thích khám phá, đi bộ đường dài (trekking). Các chuyến « phượt » bằng xe máy cũng thu hút du khách trẻ nước ngoài, đặc biệt là nhờ hệ thống đường xá ngày càng được mở rộng, thuận tiện hơn.

    Đến Hà Giang, du khách không ngừng đi hết từ trầm trồ này sang trầm trồ khác, từ cảnh quan hùng vĩ đến những ruộng lúa bậc thang trổ vàng tháng 09, tháng 10 hàng năm hoặc đặc sản thịt lợn khô gác bếp, cũng như những đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc ở « Miền đá nở hoa ». Ví dụ thôn Nặm Đăm nổi tiếng là « làng homestay » với những ngôi nhà trình tường độc đáo, theo giải thích của một chủ homestay hoạt động từ năm 2018 :

    « Ban đầu chính quyền vận động làm. Lúc đó có ba nhà làm mô hình trước. Sau 3, 4 năm, dần dần chính quyền cho phát triển lên thành một làng. Giờ cả làng làm du lịch, khách cũng đông. Lúc đầu mình tự bỏ tiền ra hết, làm xong, đạt được tiêu chuẩn đón khách thì Nhà nước cho 60 triệu để trả nợ, chứ không hỗ trợ ngay lúc đầu.

    Về cách làm nhà, mình có một cái khuôn giống kiểu đóng gạch, nhưng khuôn này bằng gỗ, to và dài hơn 1 mét, rộng 40-50 cm. Mình cứ lấy đất ở xung quanh, đào xuống sâu tới chỗ có đất vàng, dạng đất sét, sau đó băm cho nhỏ, rồi mang về đổ vào khuôn. Tiếp theo lấy chày giã như giã gạo cho chặt, được một vòng lại tháo ra, rồi giã tiếp, không cần nước. Chỉ nguyên đất, không trộn một cái gì khác, không trộn nước, không bê tông. Đất này càng để lâu càng bền. Nếu không bị nước ngập thì có thể giữ được hơn 100 năm. Kiểu nhà này ấm về mùa đông, mát về mùa hè ».

    Trở lại Hà Nội, du khách nước ngoài quay lại đã giúp hồi sinh hàng quán, cửa hàng quà tặng ở trung tâm thành phố sau khi phải đóng cửa suốt thời gian dịch Covid-19. Đặc sản của Việt Nam (cà phê, tiêu, hạt macca, hạt điều…) được đóng gói bắt mắt hơn, chất lượng bảo đảm hơn. Chị Kim Ngân, chủ cửa hàng Gourmet Gift, giải thích tại sao cà phê nằm trong « check list » làm quà của khách du lịch :

    « Lý do là Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê thứ hai thế giới, sau Brazil, nhưng là nước số 1 về cà phê robusta. Đối với sản phẩm cà phê, ở Việt Nam có khoảng 15 loại khác nhau. Ngoài cà phê Việt Nam và cà phê chồn ra, còn có nhiều loại khác như cà phê sôcôla, bởi vì Việt Nam cũng rất nổi tiếng về cacao. Tiếp theo là một số loại cà phê có phong cách giống cà phê của Ý, cà phê arabica hoặc cà phê mật ong có hậu vị ngon hơn.

    Ở Việt Nam, một trong những sản phẩm cà phê được khách du lịch nước ngoài ưa chuộng nhất, có hai dòng : cà phê chồn và cà phê truyền thống. Cà phê chồn ngày trước có giá rất đắt. Nhưng đến hiện tại, khi cà phê chồn được biết nhiều hơn trên thế giới và người ta muốn giá thành của cà phê chồn hợp lý hơn, thì ở Việt Nam, người ta nuôi chồn trong trang trại và cho con chồn ăn cà phê, nên sản lượng sẽ nhiều hơn và đồng thời là giá thành sẽ thấp hơn. Nên hiện giờ, cà phê chồn nuôi chỉ rơi vào khoảng 2 triệu/kg, còn cà phê chồn tự nhiên vẫn giữ giá khoảng 25 triệu đồng/kg.

    Loại cà phê thứ hai là cà phê truyền thống của Việt Nam. Mỗi cửa hàng có một công thức trộn riêng bởi vì đó là loại cà phê phối trộn. Có nghĩa là cùng là cà phê Việt Nam, mỗi cửa hàng sẽ có một đặc trưng và có một công thức riêng ».

    Biến ngành công nghiệp không khói thêm “xanh” hơn

    Dù hoạt động du lịch đang dần được khôi phục nhưng nhìn chung, ngành du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam ngày 15/11, thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến tình trạng « mạnh ai nấy làm » thiếu liên kết chặt chẽ giữa các ngành, sản phẩm du lịch thiếu sáng tạo, đặc sắc, thường bị sao chép, chắp vá giữa các địa phương hay doanh nghiệp, thiếu sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch được tổ chức chuyên nghiệp…

    Nhiều thành phố, đặc biệt là Hà Nội, đã tập trung nâng cao giá trị kiến trúc, văn hóa địa phương khi cho trùng tu những công trình kiến trúc cổ và thời Pháp thuộc, tạo điểm nhấn bất ngờ. Nhiều tour du lịch đêm cũng được tổ chức (tour Hoàng Thành Thăng Long, di tích Hỏa Lò...). Đến năm 2025, các thành phố lớn sẽ phấn đấu có ít nhất một mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm. Điều đáng tiếc là văn hóa bảo tàng vẫn chưa được phát triển ở Việt Nam trong khi hầu hết các tòa nhà bảo tàng đều là những công trình kiến trúc có giá trị cao. Một số bảo tàng, như bảo tàng Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh, thiếu chuyên nghiệp trong cách tổ chức, sơ sài, không nâng được giá trị của các tác phẩm được trưng bày.

    Việc bảo vệ môi trường cũng là một vấn đề được du khách nước ngoài đề cao và đòi hỏi ngành du lịch Việt Nam thích ứng. Trang web Vietnamplus ngày 19/10/2023 trích dẫn một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, thuộc Tổng cục Du lịch, theo đó 76% du khách quốc tế sẵn sàng giảm rác thải trong thời gian đi nghỉ ; 62% sẵn sàng tiêu dùng sản phẩm địa phương ; 45% sẵn sàng sử dụng các phương tiện giao thông ít tác động đến môi trường… Xu thế này ngày càng được các nhà kinh doanh sản phẩm du lịch áp dụng để thuyết phục khách hàng, như giải thích của chị Kim Ngân :

    « Trước đây, ở Việt Nam thì cà phê được đựng vào túi ni lông. Nhưng giờ có thể nhìn thấy là tất cả sản phẩm, đồ trang trí trong cửa hàng đều là những sản phẩm thân thiện với môi trường, làm từ mây tre đan. Ngay bản thân túi đóng gói này cũng có thể phân hủy được và làm từ giấy carton, chứ không làm từ bao bì ni lông. Hiện giờ Việt Nam cũng rất theo kịp thời đại. Mình có một số loại cà phê bảo vệ môi trường, ví dụ cà phê phin giấy, giấy đó sẽ dùng một lần, sau đó vất đi và cũng là sản phẩm tự phân hủy ».

    Nâng cao trình độ chuyên môn của người làm du lịch

    Ngành du lịch đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế năm 2024, tăng thêm 5-6 triệu khách so với năm 2023. Để thu hút thêm du khách, bộ trưởng Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch đề xuất chính phủ miễn thị thực ngắn hạn cho khách từ thị trường lớn, tiềm năng như Trung Quốc, Ấn Độ, mở rộng diện miễn thị thực đơn phương cho khách từ các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu nhiều như Úc, Canada, Mỹ, các nước còn lại trong Liên Hiệp Châu Âu - đây cũng là kiến nghị của Phòng Thương Mại Châu Âu. Ngoài ra, cấp thị thực từ 3-5 năm cũng được đề nghị thí điểm để thu hút khách phân khúc cao cấp hoặc đã nghỉ hưu.

    Nhưng để phục vụ được lượng khách như vậy, ngành du lịch Việt Nam cần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, hiện « thiếu trình độ chuyên môn, thiếu tay nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế », theo nhận định của phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Quốc Gia Nguyễn Lê Phúc, được trang web Lao Động trích dẫn ngày 22/12. So với các nước trong khu vực, lao động du lịch Việt Nam còn hạn chế về kỹ năng mềm, khả năng ngoại ngữ, kinh nghiệm, năng suất lao động và tính chuyên nghiệp. Trong khi đó, việc đào tạo chỉ tập trung một số ngành nghề, dẫn đến phát triển thiếu bền vững.

    Ngành du lịch Việt Nam, cũng như thế giới, vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau những năm bị hạn chế vì đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với tinh thần điều chỉnh thiếu sót, cũng như những tham vọng và kế hoạch liên tục được đưa ra, có thể kỳ vọng du lịch Việt Nam bứt phá trong năm 2024. Đây cũng là mong mỏi của những người làm trong ngành du lịch như chị Kim Ngân : « Hy vọng là những chính sách kích cầu du lịch như này thì năm tới (2024), Việt Nam sẽ là một điểm tới bùng nổ bởi vì Việt Nam có quá nhiều thứ để xem. Thế nên hy vọng là sẽ ổn ! ».

  • Khi đến thăm Tòa Tổng Giám Mục Huế ngày 14/12/2023, chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã thông báo với Tổng Giám mục Tổng giám phận Huế Giuse Nguyễn Chí Linh là ông vừa ký Thư mời giáo hoàng Phanxicô sang thăm Việt Nam để “chứng kiến sự phát triển về kinh tế-xã hội và đời sống tôn giáo ở Việt Nam.”

    Đối với Giáo hội Công Giáo và giáo dân Việt Nam, đây quả là một tin vui giữa mùa Giáng Sinh 2023, vì từ rất lâu họ vẫn ước ao được đón tiếp một vị giáo hoàng đến thăm một quốc gia tuy chỉ có khoảng 8% theo Công Giáo ( 7,2 triệu giáo dân ), nhưng đây là một cộng đồng mà đức tin được thể hiện rất mạnh mẽ và Giáo hội vẫn rất tuân phục Tòa Thánh.

    Ngày giờ chuyến viếng thăm của giáo hoàng Phanxicô chưa được xác định, nhưng trong chuyến thăm Tòa Tổng Giám Mục Huế, chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã bày tỏ mong muốn cộng đồng Công giáo Việt Nam cùng phối hợp với các cơ quan nhà nước để sớm có cơ hội được đón giáo hoàng tới thăm Việt Nam “trong một ngày không xa.”

    Trong lịch sử, thật ra quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh Vatican với Việt Nam chưa bao giờ được thiết lập. Cho tới hiện nay, cấp bậc cao nhất trong mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam mới chỉ là Khâm sứ Tòa Thánh, nhưng sau năm 1975, Vatican không còn Khâm sứ nào ở Việt Nam.

    Sau nhiều thăng trầm, quan hệ giữa hai bên đã đạt được một bước tiến lớn với việc thông qua “Thỏa thuận Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam”, khi ông Võ Văn Thưởng thăm Tòa Thánh và gặp giáo hoàng Phanxicô vào tháng 7 vừa qua. Đến ngày 23/12 vừa qua, Tòa thánh Vatican đã chính thức công bố việc Tổng Giám mục Marek Zalewski được giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm Đại diện thường trú đầu tiên của Tòa thánh tại Việt Nam. Tổng Giám mục Marek Zalewski nguyên là Sứ thần Tòa thánh tại Singapore và đã kiêm nhiệm Đặc phái viên không Thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam từ năm 2018.

    Tuy vậy, hãy còn quá sớm để nêu lên khả năng Hà Nội và Tòa Thánh bình thường hóa bang giao.

    Nhân ngày Lễ Giáng Sinh hôm nay, chúng tôi xin mời quý vị nghe tâm tình của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, nguyên Giám mục Giáo phận Vinh và Giáo phận Hà Tĩnh và cũng đã từng là Chủ tịch Ủy ban Công Lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Bài phỏng vấn qua điện thoại được thực hiện ngày 20/12/2023.

    RFI: Thưa Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, sau khi nghe tin chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã chính thức ký thơ mời giáo hoàng sang thăm Việt Nam, tâm trạng của Đức cha nói riêng và của Giáo hội Công Giáo Việt Nam nói chung là như thế nào?

    Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Đó là một niềm vui rất lớn đối với các vị lãnh đạo Giáo hội và tất cả giáo dân Việt Nam, vì nhiều lần chúng tôi đã nói là giáo dân Việt Nam rất gắn bó và yêu mến các Đức Thánh Cha, đặc biệt là những vị lãnh đạo Giáo hội trong thời gian gần đây. Chúng tôi nhiều khi rất buồn khi thấy Đức Thánh Cha có thể đi thăm khắp nơi, kể cả sang Mông Cổ, nơi mà số giáo dân chỉ hơn 1.000 người. Trong khi đó, có lẽ ít có nơi nào có một thành phần giáo dân tận tụy với đạo Chúa và hy sinh nhiều cho đạo Chúa như là ở Việt Nam. Thế mà ước nguyện được đón Đức Thánh Cha bao nhiêu năm rồi vẫn chưa được thành tựu. Thành thử chúng tôi rất vui, với tư cách là người Công Giáo Việt Nam, khi chủ tịch nước thông báo chính phủ Việt Nam chấp nhận Đức Thánh Cha sẽ được sang thăm Việt Nam.

    Tiến trình chuẩn bị chắc là phải chờ lâu và đến khi đó thì hai bên mới xác định năm nào, ngày nào và những nơi nào Đức Thánh Cha sẽ ghé thăm, thì lúc đó mới có sự chuẩn bị.

    RFI: Thưa Đức cha, trước mắt, trong quan hệ giữa Việt Nam với Vatican đã có một bước tiến đáng kể, đó là Việt Nam chấp nhận cho Tòa Thánh bổ nhiệm một đại diện thường trú ở Việt Nam. Việc thành lập chức vụ đó hiện đang được tiến hành đến đâu, thưa Đức cha?

    Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Cho đến nay, thật sự thì Việt Nam có đại diện không thường trú của Vatican. Đó là đẳng cấp thấp nhất trong lĩnh vực ngoại giao. Bây giờ mới thực hiện đẳng cấp cuối cùng của ngành ngoại giao. Đó là một niềm vui. Chính vì vậy chúng tôi cũng hy vọng là trong tương lai thì quan hệ giữa Việt Nam với nhà nước Vatican sẽ được bình thường hơn. Đó cũng là để có thể cải chính điều mà dư luận ở ngoại quốc vẫn nói là Việt Nam luôn luôn hành động theo Trung Quốc, Trung Quốc làm gì thì lúc đó Việt Nam mới làm vậy. Phải chăng bây giờ nên có một dấu hiệu để chứng tỏ rằng trong quan hệ với Vatican, Việt Nam cũng làm khác hơn Trung Quốc. Với tư cách là một người Việt Nam, một người Công Giáo Việt Nam, chúng tôi rất vui mừng, hoan hỉ trước thông tin đó.

    Còn có rất nhiều chuyện trong thực tế lúc đó thì mới giải quyết. Đây mới là trên nguyên tắc. Chắc chắn là lúc đó phải tạo cơ hội để Tòa Thánh có một trụ sở. Trước đây Tòa Thánh không có trụ sở ở Hà Nội hay Sài Gòn. Trong tương lai thì thế nào cũng phải có văn phòng của vị đại diện. Chắc chắn rằng trên thực tế phải có thời gian để giải quyết : văn phòng đặt ở nơi nào và có diện tích như thế nào. Đó sẽ là những đàm phán cụ thể giữa hai bên, bây giờ chưa thể nói được.

    RFI: Thưa Đức cha, từ việc bổ nhiệm đại diện thường trú cho đến việc bình thường hóa bang giao giữa Hà Nội với Vatican thì còn những cản ngại nào? Cho tới nay vẫn có một vấn đề gây rắc rối trong quan hệ giữa Việt Nam với Vatican, đó là bổ nhiệm các giám mục. Hiện nay vấn đề có đã được khai thông so với trước đây chưa?

    Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Tôi cũng không rõ. Đó là vấn đề nguyên tắc giữa Tòa Thánh với nhà nước. Trước đây nói rằng nhà nước chủ động trong vấn đề bổ nhiệm các giám mục thì cũng không đúng. Nguyên tắc tới đây thì bổ nhiệm là do Tòa Thánh quyết định, rồi sau đó thì thông báo lại cho nhà nước. Đức Khâm sứ hiện tại cũng đã một lần nói một cách công khai là cho đến thời gian cách đây vài năm, nhà nước Việt Nam chỉ có veto ( phủ quyết ) trong một trường hợp. Như vậy là đa số các trường hợp mà Giáo hội đề nghị thì nhà nước đã chấp nhận, nếu đúng theo tuyên bố của vị đại diện Tòa Thánh cách đây không lâu.

    RFI: Theo quan sát của Đức cha, thì Giáo hội Công Giáo nói và các giáo xứ năm nay đón mừng Lễ Giáng Sinh trong bầu không khí như thế nào?

    Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Cho đến hôm nay, mặc dù Lễ Giáng Sinh không phải là một ngày nghỉ lễ, tuy nhiên, chúng tôi vẫn hãnh diện và vui mừng rằng có lẽ trong cả năm, ở Việt Nam không có ngày lễ nào nhộn nhịp và vui tươi như Lễ Giáng Sinh. Đó là một đêm của ánh sáng, một mùa mà mọi người đều cảm nhận bầu không khí Giáng Sinh, dù là người Công Giáo hay người không Công Giáo. Khi đến Lễ Giáng Sinh thì những làng xóm, những khu phố luôn có ánh sao, có đèn. Trong vài năm trở lại đây thì ngay cả chương trình phát thanh, truyền hình của nhà nước vẫn có những bài hát thánh ca. Trong dân gian thì có thể nói, trong cả một năm Dương lịch và Âm lịch, không có lễ nào lớn hay vui tươi, với bầu không khí đặc biệt như Lễ Giáng Sinh. Chúng tôi thấy càng ngày, ngay cả những giới ngoài Công Giáo cũng cảm thấy có một cái gì đó đặc biệt trong ngày Lễ Giáng Sinh. Năm nay, với những thông tin mà chủ tịch nước vừa thông báo, thì chắc chắn niềm vui đó, đêm Giáng Sinh và ánh sáng Giáng Sinh sẽ ngày càng lan tỏa.

    RFI: Với tư cách cựu chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình, Đức cha có một thông điệp nào nhắn gởi đến thính giả của RFI?

    Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Với tư cách một giám mục đã về hưu, đã nghỉ những chức vụ mà Hội đồng Giám mục giao phó, tôi không thể phát biểu với tư cách chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Nhưng với tính cách một người Công Giáo, một cựu giám mục, tôi vẫn ước mong đêm Giáng Sinh là một đêm ánh sáng. Ánh sáng đó không chỉ là ánh sáng bên ngoài, của đèn, nến, mà là ánh sáng của tâm hồn. Ước mong là với tin vui mà chủ tịch nước gởi đến cựu chủ tịch Hội đồng Giám mục, người Công Giáo chúng tôi biểu hiện tin vui đó không chỉ bằng niềm vui tâm hồn, mà còn phải làm sao cuộc đời của chúng tôi cũng trở thành ánh sáng của niềm vui. Chúng tôi ước mong rằng người Công Giáo, qua cuộc sống của mình, qua niềm tin của mình, càng biểu lộ được niềm vui của đêm Giáng Sinh và hy vọng niềm vui đó lan tỏa cho những anh chị em chúng tôi, mặc dù họ chưa chia sẽ niềm tin tôn giáo với chúng tôi.

    Nhân dịp này, xin được chúc mừng tất cả quý vị thính giả của đài RFI một Giáng sinh an bình và ước mong rằng quý vị cũng chia sẽ niềm vui với chúng tôi. Xin chân thành cảm ơn.

    RFI: RFI Việt ngữ xin cám ơn Đức cha Nguyễn Thái Hợp và xin kính chúc Đức cha một mùa Giáng sinh thật an lành và thật nhiều sức khỏe.

  • Trong hai ngày 12 và 13/12/2023, chủ tịch kiêm tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã mở chuyến viếng thăm cấp nhà nước ở Việt Nam, chỉ vài tháng sau chuyến đi của tổng thống Mỹ Joe Biden.

    Khác với tổng thống Biden, ông Tập Cận Bình đã được đón tiếp rất long trọng, với những nghi thức cao nhất dành cho một lãnh đạo nước ngoài, thậm chí thủ tướng Phạm Minh Chính đã ra tận sân bay để đón chủ tịch Trung Quốc ngay tại chân cầu thang của máy bay.

    Chuyến thăm Việt Nam của chủ tịch Trung Quốc diễn ra sau khi Hà Nội vừa nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện”, cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp quan hệ ngoại giao của Việt Nam, và như vậy đặt Mỹ ngang tầm với Trung Quốc. Cho nên, ông Tập Cận Bình đã cố thúc ép Việt Nam tăng cường hơn nữa quan hệ với Trung Quốc, để Hà Nội không xích lại quá gần Washington, trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung vẫn gay gắt.

    Theo Tân Hoa Xã, phát biểu tại Hà Nội ngày 13/12, chính ông Tập Cận Bình cùng đã kêu gọi Việt Nam cùng với Trung Quốc “chống mọi mưu toan nhằm làm xáo trộn vùng Châu Á-Thái Bình Dương”, áp chỉ sự can dự ngày càng mạnh của Hoa Kỳ vào khu vực này.

    Trong bản tuyên bố chung được công bố sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, hai bên nhắc lại Việt Nam và Trung Quốc là "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt, đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, chế độ chính trị tương đồng".

    Từ "chung vận mệnh" thành "chia sẽ tương lai"

    Chính là dựa trên sự tương đồng này mà hai nước “nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”. Thật ra thì ban đầu Trung Quốc đã muốn ép Việt Nam chấp nhận xây dựng cái gọi là “Cộng đồng chung vận mệnh” như đối với Lào, Cam Bốt và Miến Điện. Nhưng sang đến Việt Nam thì cụm từ này được sửa đổi thành “Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho có vẻ ít mang tính ràng buộc hơn. Thật ra thì dường như đây là kết quả của nhiều cuộc đàm phán kéo dài nhiều tháng nhằm tìm ra một khái niệm phù hợp nhất để mô tả mối quan hệ mới giữa hai quốc gia “vừa là đồng chí, vừa là anh em”.

    Trả lời RFI Việt ngữ ngày 13/12/2023, nhà nghiên cứu Hoàng Việt, thuộc Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, nhận định:

    “ Ở đây chúng ta thấy ít nhất nổi lên hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất là Việt Nam đã không chọn cụm từ “cộng đồng chung vận mệnh”. Cho đến nay, Việt Nam là quốc gia thứ 8 tham gia vào “cộng đồng chung vận mệnh” với Trung Quốc. Trong khối ASEAN, trừ Đông Timor, chỉ có 2 quốc gia là Singapore và Philippines chưa tham gia.

    Thế thì vì sao khi đến Việt Nam thì Trung Quốc đổi lại thành là “cộng đồng chia sẻ tương lai”? Một là, phía Việt Nam cho rằng “chung vận mệnh” có nghĩa là “anh sống thì tôi sống, anh chết thì tôi chết”, như vậy vô hình chung nó xác định Việt Nam đã chọn bên, dù Việt Nam đã chính thức tuyên bố là không chọn bên nào cả. Chính vì vậy, Việt Nam muốn đổi tên thì mới chấp nhận tham gia “cộng đồng” này.

    Lý do thứ hai, nói thẳng là người dân Việt Nam không thích “chung vận mệnh” với Trung Quốc, cho nên phía Trung Quốc phải chiều lòng Việt Nam, chuyển sang cụm từ khác là “chia sẻ tương lai”. Hai bên đều có sự nhượng bộ nhau.

    Tôi được biết là trước chuyến viếng thăm của ngoại trưởng Vương Nghị, đã có rất nhiều trao đổi giữa hai bên, kể cả đến chuyến thăm của ông Vương Nghị để chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, hai bên vẫn tiếp tục bàn luận. Có rất nhiều vấn đề hai bên chưa thống nhất được và có lẽ sau đó mới thống nhất được. Một trong những vấn đề gai góc nhất chính là “cộng đồng chung vận mệnh” hay “cộng đồng chia sẻ tương lai”.

    Được tiếp đón long trọng hơn Biden

    Như đã nói ở trên, khi sang thăm Việt Nam vào tuần trước, chủ tịch Trung Quốc đã được giới lãnh đạo Hà Nội đón tiếp long trọng hơn nhiều so với khi tiếp tổng thống Mỹ Biden. Vì sao có sự khác biệt này, nhà nghiên cứu Hoàng Việt giải thích:

    “ Chuyện này là đương nhiên. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên mà Việt Nam thiết lập quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện”. Cho đến bây giờ thì đã có 6 quốc gia đã trở thành “đối tác chiến lược toàn diện” của Việt Nam, nhưng Trung Quốc là nước đầu tiên. Trong các phát biểu, các lãnh đạo Việt Nam luôn khẳng định trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, Trung Quốc luôn là ưu tiên hàng đầu.

    Điều này cũng hợp lý, bởi vì thứ nhất Trung Quốc là một cường quốc lớn nhất ở châu Á và nhất nhì thế giới. Trung Quốc lại là láng giềng của Việt Nam. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Việt Nam hiểu được cái giá của việc ở bên cạnh một người khổng lồ như thế nào.

    Ngay cả giới nghiên cứu ở Việt Nam cũng nói rằng, nếu Việt Nam muốn phát triển thì phải có hòa bình, mà muốn có hòa bình thì Việt Nam phải có quan hệ tốt với Trung Quốc. Đó là lý do vì sao mà Việt Nam luôn đặt vị trí của Trung Quốc lên hàng đầu trong chính sách đối ngoại.

    Đương nhiên là trong buổi đón tiếp ông Tập Cận Bình có những sự khác biệt so với khi đón tiếp ông Biden. Sự khác biệt này không phải là do phía Việt Nam đặt ra. Qua một số tiết lộ, đặc biệt là của thứ trưởng Hà Kim Ngọc, bản thân Hoa Kỳ và ông Biden cũng không đòi hỏi những chi tiết như trải thảm đỏ đón ông Biden từ sân bay, nghi thức bắn 21 phát đại bác, cho nên Việt Nam không sử dụng nghi thức đó.

    Còn phía Trung Quốc thì khác. Điều này cũng cho thấy cái tư duy của Trung Quốc và tư duy của Hoa Kỳ có khác nhau. Đối với Hoa Kỳ thì làm được việc mới là quan trọng, chứ không phải là các nghi thức. Nhưng đối với Trung Quốc thì đây là một gặp mang tính biểu tượng rất lớn, vừa là hai nước xã hội chủ nghĩa, vừa là hai nước láng giềng. Và trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung quyết liệt cả về vị thế và ảnh hưởng, phía Trung Quốc phải thể hiện vai trò của mình. Trung Quốc rất coi trọng những nghi thức, mà theo luật về lễ tân của Việt Nam, trong một chuyến thăm cấp nhà nước cao nhất thì các nghi thức được quy định như là khi đón tiếp ông Tập Cận Bình. Cái này là do hai bên thỏa thuận với nhau.”

    Trong chuyến thăm của Tập Cận Bình ở Việt Nam, Hà Nội và Bắc Kinh đã đồng ý sẽ gia tăng hợp tác về các vấn đề an ninh, đẩy mạnh quan hệ giữa ngành công nghiệp quốc phòng của hai nước, đồng thời ký hàng chục hiệp định hợp tác.

    Vẫn còn nguy cơ căng thẳng vì Biển Đông

    Tuy quan hệ Việt- Trung đang trong giai đoạn hữu hảo như vậy, nhưng cũng không nên quên rằng giữa hai nước căng thẳng có thể bùng nổ trở lại do vấn đề tranh chấp Biển Đông, nhất là do những hành động ngày càng hung hăng của Bắc Kinh ở vùng biển mà họ khẳng định chủ quyền gần như toàn bộ.

    Bản tuyên bố chung được công bố trong chuyến đi Việt Nam của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có ghi: “Hai bên đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhấn mạnh cần kiểm soát tốt hơn và tích cực giải quyết bất đồng trên biển, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.” Nhưng theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, vấn đề là Trung Quốc có thực hiện đúng lời hứa giải quyết tranh chấp “bằng biện pháp hòa bình” hay không:

    “Có hai vấn đề lớn, thứ nhất là tranh chấp Biển Đông, thứ hai xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nhiều lúc gặp khó khăn do những rào cản đặc biệt mà phía Trung Quốc đưa ra.

    Tranh chấp Biển Đông là tranh chấp cực kỳ phức tạp và khó khăn. Nhưng quan điểm của Việt Nam là không phải vì tranh chấp Biển Đông mà không thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc. Chúng ta chỉ nhìn quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines thì sẽ thấy, mặc dù hai nước cho tới nay vẫn căng thẳng hàng ngày trên khu vực Biển Đông, cụ thể là ở Bãi Cỏ Mây và bãi cạn Scarborough, nhưng quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Philippines vẫn không ngừng tăng trưởng.

    Báo chí Việt Nam có chụp hình ông Tập Cận Bình và tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng ngồi dự tiệc trà, xung quanh có mấy cây tre, đó cũng là hàm ý nêu bật chính sách “ngoại giao cây tre” ( giữ thế cân bằng trong quan hệ với các cường quốc ) của Việt Nam.

    Trong vấn đề Biển Đông, thứ nhất là Việt Nam vẫn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, toàn vẹn lãnh thổ, cũng như những quyền mà Việt Nam được hưởng theo quy định của Công ước Luật Biển 1982, đồng thời tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc trong việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng muốn có những biện pháp để nếu Trung Quốc và Việt Nam có những bất đồng, căng thẳng thì hai bên có thể tìm ra những kênh đối thoại để giảm bớt căng thẳng, ví dụ như kênh chính phủ, hoặc là kênh ngoại giao nhân dân, hoặc là kênh giữa hai đảng Cộng sản. Đó cũng cho thấy Việt Nam muốn giải quyết tranh chấp hòa bình và muốn hòa hoãn với Trung Quốc.

    Tranh chấp Biển Đông là vấn đề phức tạp và khó khăn, nhưng không vì thế mà không thúc đẩy những quan hệ khác, đặc biệt là quan hệ kinh tế thương mại, mà hiện còn rất nhiều “dư địa” để phát triển, tại sao hai nước lại không tận dụng.

    Có lẽ vấn đề Biển Đông sẽ còn tồn tại trong tương lai. Đương nhiên phía Việt Nam cố gắng giải quyết bằng bằng những biện pháp hòa bình và qua đối thoại, nhưng điều này còn phụ thuộc vào phía Trung Quốc. Mặc dù phía Trung Quốc cũng đã có những tuyên bố tương tự, tức là giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển và hướng tới một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC, nhưng chúng ta cũng không chắc là Trung Quốc có giữ được lời hứa của họ không. Nếu xảy ra thì chúng ta sẽ xem Việt Nam ứng xử trong trường hợp này như thế nào.”

    Thật ra, một trong những lý do khiến Việt Nam và Trung Quốc thắt chặt hơn nữa quan hệ song phương, đó chính là cả hai nước đều quan ngại về các thế lực “thù địch” bên ngoài và sự cần thiết phải bảo vệ sự ổn định trong nước, thể hiện qua thỏa thuận mới về an ninh, được ký kết nhân chuyến viếng thăm của chủ tịch Tập Cận Bình.

    Theo một nhà phân tích Trung Quốc, được nhật báo Hồng Kông South China Morning Post trích dẫn ngày 14/12/2023, Bắc Kinh và Hà Nội đã đồng ý tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh, đặc biệt là về “an ninh chế độ và an ninh thể chế”. Đây là lần đầu tiên hai nước đề cập đến an ninh của chế độ trong một tuyên bố chung như vậy. Cụ thể, hai bên sẽ “tăng cường giao lưu tình báo và phối hợp chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác trong các vấn đề chống can thiệp, chống ly khai, phòng chống "diễn biến hòa bình", "cách mạng màu" của các thế lực thù địch, phản động”.

  • Hợp tác Đối tác Chiến lược Toàn diện đánh dấu bước ngoặt lớn trong quan hệ Việt-Mỹ, đặc biệt trong các lĩnh vực trọng điểm. Tính đến hết 2022, Mỹ là nhà đầu tư lớn thứ 11 vào Việt Nam với 1.216 dự án có tổng vốn 11,4 tỉ đô la. Không chỉ nhận dòng vốn từ Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam cũng gia tăng đầu tư sang thị trường Hoa Kỳ vào lúc Việt Nam muốn tìm kiếm công nghệ nguồn, đặc biệt là công nghệ cao, mà Mỹ thì đi đầu thế giới về lĩnh vực này.

    Theo trang VTV ngày 13/05/2023, « trong những năm 2013-2022, Việt Nam đứng thứ 9 trong 10 nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương có cam kết đầu tư lớn nhất vào Mỹ ». Hiện tại, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất lắp ráp ô tô và pin xe điện, phần mềm, thiết kế nội thất, xây dựng, vận tải, thực phẩm, bao bì… đã, đang và có kế hoạch đầu tư vào Mỹ.

    Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có những thuận lợi và khó khăn như nào khi chinh phục thị trường Mỹ ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với ông Eric Mottet, giảng viên Đại học Công giáo Lille (Université Catholique de Lille), giám đốc nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS), nguyên giáo sư địa-chính trị Đại học Québec ở Montréal (UQAM, Canada).

    RFI : Chuyến công du Hà Nội của tổng thống Joe Biden làm gia tăng sự quan tâm của các nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có nhiều công ty Việt Nam tìm cách đầu tư vào Hoa Kỳ. Liệu đây có phải là một bước ngoặt mới, chứng tỏ doanh nghiệp Việt đã đủ sức nhìn xa ?

    Eric Mottet : Đúng là trong chuyến công du ngắn ngủi của ông Joe Biden, chỉ khoảng 24 tiếng vào tháng 9, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký một Hiệp định Đối tác Chiến lược Toàn diện, trong đó nội dung kinh tế và công nghệ rất được chú trọng. Chính lĩnh vực công nghệ và đổi mới có thể sẽ trở thành một trụ cột trong quan hệ song phương, đặc biệt là đối với Việt Nam. Chính phủ có kế hoạch hiện đại hóa nền kinh tế, công nghiệp từ nay đến năm 2030, cho nên rất quan tâm đến những công nghệ hiện Việt Nam chưa có.

    Đúng, đây là một bước ngoặt đối với các công ty Việt Nam bởi vì hiện giờ có nhiều doanh nghiệp Mỹ đến tìm đối tác Việt Nam. Ngược lại, dù với tỉ lệ thấp hơn nhiều, cũng có nhiều công ty Việt Nam đầu tư vào Mỹ, thậm chí mua lại một số công ty ở Mỹ để có được công nghệ, sau đó có thể chuyển ngược về Việt Nam.

    Tôi có nghiên cứu một chút về trường hợp hai đại tập đoàn Việt Nam, được truyền thông nhắc đến nhiều trong những tháng qua vì đầu tư vào Mỹ. Trước tiên là nhà sản xuất ô tô VinFast, công ty thành viên thuộc tập đoàn Vingroup mà tôi sẽ đề cập chi tiết hơn. Tiếp theo là FPT, tập đoàn chuyên về công nghệ và đào tạo, vừa mua lại một số công ty ở Mỹ, trong đó có cả lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, và sẽ tìm cách nào đó để mang những công nghệ này về phát triển ở Việt Nam trong giai đoạn 2030-2040. Việc mua lại những công ty công nghệ Mỹ giúp FPT có được đội ngũ nhân viên chuyên môn, cho nên cũng phải nhắc đến mong muốn đưa nhân viên có trình độ từ Mỹ về thị trường Việt Nam.

    Điều thú vị ở đây là chúng ta thấy có sự bổ trợ lẫn nhau đang được hình thành giữa nền kinh tế Việt Nam và Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao.

    RFI : Tổng thống Donald Trump cũng như tổng thống đương nhiệm Joe Biden đều đặt lợi ích của Hoa Kỳ lên trên hết. Doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư vào Mỹ sẽ phải đối mặt với những khó khăn nào ?

    Eric Mottet : Chúng ta đang thấy sức mạnh hợp tác thương mại chưa từng có giữa hai nước từ vài tháng nay, bởi vì khoảng 50 doanh nghiệp Mỹ đã đến Việt Nam để tìm đối tác và nghiên cứu xem có thể gây dựng hoạt động gì tại đây. Vấn đề đối với các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu, là họ thường chuyên về bán sỉ, bán lẻ những sản phẩm mà tôi cho rằng hiện kém hấp dẫn đối với thị trường Mỹ. Nhiều doanh nghiệp Mỹ cũng sản xuất những loại hàng đó. Nhưng hiện giờ chúng ta thấy những doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài thường hoạt động trong lĩnh vực thông tin-truyền thông và chính họ đang cố gắng đầu tư vào Hoa Kỳ.

    Vậy một doanh nghiệp thường gặp những khó khăn gì ở Mỹ ? Trước tiên, hiện giờ các công ty Việt Nam chưa có kiến thức hoặc chưa hiểu chắc về thị trường Mỹ để có thể hoạt động lâu dài. Điểm thứ hai, để hoạt động tại Mỹ, họ phải tìm được một đối tác hoặc mua lại doanh nghiệp. Những hoạt động này có kinh phí tương đối lớn. Và đừng quên là rất nhiều lĩnh vực, trong đó có các ngành công nghệ cao ở Mỹ, cũng được bảo mật. Do đó các công ty Việt Nam không thể đầu tư vào tất cả các lĩnh vực vì nhiều lý do khác nhau.

    Luật pháp Mỹ cũng phức tạp. Khi muốn thâm nhập vào Mỹ, họ thường phải thành lập một chi nhánh 100% Mỹ để tránh gặp rủi ro về tư pháp hoặc thuế khóa. Và đây là vấn đề tương đối phức tạp, mất thời gian và tốn kém. Ngoài ra phải kể đến một khó khăn khác, đó là mỗi bang ở Mỹ hoàn toàn độc lập về luật, đặc biệt là luật lao động. Cho nên vấn đề phức tạp cho các doanh nghiệp Việt Nam là tìm hiểu xem nên hoạt động ở bang nào để có thể lợi hơn về luật lao động.

    Nói tóm lại, các doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư vào Mỹ vẫn đang tìm hiểu về lĩnh vực đầu tư, nhưng luôn nảy sinh những vấn đề phức tạp về kinh tế, tài chính và pháp lý, khiến các công ty mũi nhọn, các doanh nghiệp quan trọng trong một số lĩnh vực ở Việt Nam khó có thể thâm nhập và hoạt động ở Mỹ.

    RFI :Tuy nhiên, chính phủ Mỹ cũng đưa ra nhiều chế độ ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài, ví dụ trong lĩnh vực sản xuất ô tô điện.

    Eric Mottet : Chúng ta hiểu rõ tại sao nhiều doanh nghiệp Việt Nam, cũng như của các nước khác, muốn đầu tư vào Hoa Kỳ. Trước tiên, đó là nền kinh tế lớn nhất thế giới, là một thị trường tập trung vào đô la, đồng tiền được sử dụng nhiều nhất thế giới. Theo tôi, đó cũng là một thị trường lao động rất năng động.

    Đúng là tôi đã đọc thấy rằng Mỹ đã triển khai nhiều cơ chế tích cực cho Việt Nam, nhưng hiện giờ tôi chưa thấy có gì đặc biệt. Tuy nhiên, có những cơ chế mà doanh nghiệp Việt Nam có thể vận dụng để tiếp cận thị trường Mỹ, ví dụ Cục Quản lý Phát triển Kinh tế (Economic Development Administration, EDA) cho vay vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi, nhất là khi doanh nghiệp muốn đầu tư để tạo việc làm. Nếu các công ty Việt Nam tạo được một số việc làm nhất định, họ có thể vay với lãi suất ưu đãi để thành lập công ty hoặc chi nhánh.

    Ngoài ra, còn có Cục Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ (Small Business Administration, SBA) có thể bảo lãnh trong trung hạn và dài hạn các khoản vay của doanh nghiệp cỡ vừa để chi trả cho việc xây dựng nhà máy. Đây phần nào là điều mà VinFast sử dụng để xây dựng nhà máy ở bang North Carolina. Các doanh nghiệp cũng có thể tiếp cận nhiều quỹ khác. Trong trường hợp doanh nghiệp Việt Nam tạo việc làm ở nông thôn, họ có thể được bộ Nông Nghiệp Mỹ cho vay vốn.

    Có thể thấy là có rất nhiều cơ chế, nhưng cần nhắc lại là tôi chưa thấy điều gì cụ thể ngoài những thông báo về các cơ chế đặc biệt được dành cho doanh nghiệp Việt Nam muốn hoạt động tại Mỹ.

    RFI : Vài chục doanh nghiệp Việt hoạt động trong các lĩnh vực logistic, sản xuất đồ gỗ nội thất, xây dựng, bao bì… muốn đầu tư vào Mỹ. Ngoài ra, còn có ngành sản ô tô điện của tập đoàn VinFast và bình điện ô tô cũng muốn chinh phục thị trường Mỹ. Thế nhưng đây cũng là những lĩnh vực dường như phải chịu cạnh tranh lớn tại Hoa Kỳ ?

    Eric Mottet : VinFast là một trường hợp thực sự thú vị. Là công ty thành viên thuộc tập đoàn Vingroup, nhà sản xuất ô tô VinFast đã bắt đầu giao xe ở bang California từ tháng 03/2023 và đang muốn tăng tốc ở thị trường Mỹ, bởi vì VinFast đã cam kết xây một nhà máy sản xuất và lắp ráp xe điện ở bang North Carolina kể từ năm 2025-2026 với sản lượng khoảng 150.000 xe điện mỗi năm.

    Chúng ta thấy rõ mục tiêu của VinFast là chiếm thị phần ngày càng lớn trong thị trường ô tô điện của Mỹ. Tôi xin nhắc lại là VinFast đã có mặt trước đó, nhưng phần nào bị buộc phải đầu tư trực tiếp trên lãnh thổ Hoa Kỳ, sau khi chính phủ Mỹ ban hành đạo luật giảm phát thải khí thải bằng cách đặt cược vào xe điện với khoản trợ cấp cho người tiêu dùng Mỹ mua ô tô điện sản xuất trên đất Mỹ. Đây là một khó khăn thêm vào những khó khăn mà chúng ta đã đề cập ở trên.

    Dĩ nhiên VinFast hy vọng cạnh tranh được với nhà sản xuất ô tô điện truyền thống Tesla. Vậy đâu là chiến lược phát triển của VinFast ? Họ đề xuất các mẫu mã rẻ hơn, thậm chí là rẻ hơn nhiều so với xe của Tesla, đặc biệt là VinFast không bán pin kèm với xe mà họ cho thuê. Khách hàng trả tiền thuê pin hàng tháng, nhờ đó mà giảm bớt hóa đơn cho khách hàng.

    VinFast bước vào thị trường Mỹ với nhiều tham vọng và với một chiến lược khác và giá thấp hơn Tesla, cũng như so với một số nhà sản xuất khác của Mỹ, thậm chí là với nhà sản xuất Trung Quốc có mặt trên đất Mỹ. Công ty Việt Nam muốn mở 125 điểm bán xe, sẽ khai trương trong thời gian tới. Hiện giờ VinFast mới chỉ bán một dòng xe và muốn mở thêm ba dòng xe khác. Sổ đặt hàng của họ cũng khá kín với hơn 10.000 đơn đặt hàng từ cá nhân.

    Khó khăn đối với VinFast là họ phải hợp tác với một đối tác tài chính để niêm yết trên thị trường chứng khoán vào tháng 08/2023. Giá cổ phiếu ban đầu là 22 đô la đã đạt đến đỉnh 93 đô la vào cuối tháng 8, nhưng sau đó không ngừng lao dốc và giao dịch quanh mức 6 đô la/cổ phiếu trong khoảng từ ngày 14-18/11. Chúng ta thấy ở đây một doanh nghiệp vững chắc ở Việt Nam, một tập đoàn mạnh muốn đầu tư vào Mỹ, nhưng việc chào sàn chứng khoán lại diễn ra không suôn sẻ lắm, việc xây dựng nhà máy cũng bị trì hoãn vì một số khó khăn hành chính.

    Dĩ nhiên cả Washington lẫn Hà Nội đều muốn thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam vào Hoa Kỳ nhưng vẫn còn rất, rất nhiều khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải vượt qua.

    RFI : Có một số ý kiến cho rằng VinFast đầu tư vào sản xuất ô tô điện ở Mỹ, ngoài để thu nhập công nghệ, còn nhằm xây dựng thương hiệu, quảng cáo cho uy tín của nhà sản xuất để hướng đến mục đích chính là bán ô tô ở Việt Nam và Đông Nam Á. Ông nhận định như nào về ý kiến này ?

    Eric Mottet : Ở châu Âu và Mỹ hiện có rất nhiều thay đổi. Nếu nhà sản xuất ô tô muốn được hưởng các khoản ưu đãi thuế từ chính phủ, họ phải sản xuất xe trực tiếp trên lãnh thổ. VinFast không có lựa chọn nào khác ngoài việc sản xuất ngay tại Hoa Kỳ. Liên Hiệp Châu Âu cũng có quy định tương tự.

    Liệu những công ty đó sẽ tiếp tục chiến lược để xe của họ tràn ngập thị trường Mỹ và Liên Âu không ? Hoặc cũng có thể họ lui về các thị trường châu Á, châu Phi hoặc Nam Mỹ hiện ít có chính sách bảo hộ hơn ? Đó cũng là một khả năng. Nhưng VinFast đã thông báo muốn hoạt động ở khoảng 40 nước trên thế giới.

    VinFast tham gia Hội chợ Ô tô ở Paris (Pháp), Cologne (Đức) và dường như cũng nhắm đến thị trường Hà Lan và một số nước khác. Song song đó, tập đoàn Việt Nam cũng sẽ mở cửa và xây dựng một nhà máy sản xuất xe ở Indonesia. Liệu đó chỉ thuần túy là khía cạnh thương mại hay còn có chủ trương gây dựng uy tín trong việc phân phối ô tô ở phương Tây để có một hình ảnh tốt hơn, để sau đó có thể bán xe ở Đông Nam Á và ở Việt Nam ? Điều đó cũng rất có thể xảy ra.

    Tuy nhiên, mức độ đầu tư của VinFast ở Hoa Kỳ là rất lớn, vì người ta nói đến tổng đầu tư 4 tỉ đô la. Vì thế, tôi cho rằng nếu VinFast thâm nhập thị trường Mỹ, đó là vì họ chú trọng bán xe ở đó, chứ không chỉ để bán ở Việt Nam. Chi phí đầu tư quá lớn, nhưng đổi lại VinFast tiếp cận được các công nghệ mà có thể họ chưa có ở Việt Nam. Đó là một lợi thế. Tuy nhiên, cần theo dõi chiến lược của VinFast, vì những thành công hay thất bại của họ chắc chắn sẽ giúp các doanh nghiệp lớn của Việt Nam muốn đầu tư ra nước ngoài hoặc vào Mỹ điều chỉnh chiến lược của họ. Tôi nghĩ là cần theo dõi thêm trường hợp VinFast.

    RFI Tiếng Việt xin trân thành cảm ơn ông Eric Mottet, giảng viên Đại học Công Giáo Lille.